Một trong số 3 ngư dân nguy kịch sau khi ăn cá nóc. Ảnh: B.H. |
Ngày 31/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân là ngư dân bị ngộ độc thực phẩm do ăn cá nóc.
Khoảng 17h ngày 28/1, 4 người gồm L.V.V., 50 tuổi, N.V.C., 55 tuổi, B.V.B., 35 tuổi, Đ.D.N., 41 tuổi, cùng trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, trong đó 3 bệnh nhân V., C. và B. trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng đau đầu, nôn ói, tiếp xúc chậm, tê lưỡi. Ông N. chỉ đau đầu nhẹ.
Theo ông N., trưa 18/1, sau khi bắt được 3 con cá nóc, ông cùng 3 ngư dân làm thịt ăn. Sau bữa ăn khoảng 30 phút, 3 người bạn của ông N. có biểu hiện đau đầu, nôn ói.
17h cùng ngày, cả 4 ngư dân được người thân đưa tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cấp cứu.
Đến chiều 29/1, ông N. được xuất viện, 3 người còn lại được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc với sức khoẻ dần ổn định, đã qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Thị Mai Linh, Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cá nóc là loại cá nguy hiểm, người dân không nên sử dụng cá nóc làm thực phẩm để chế biến món ăn.
Bởi trong cá này có độc tố tetrodotoxin, khi ăn cá nóc sẽ có biểu hiện tê cứng đầu lưỡi, mệt mỏi, hốt hoảng, yếu tứ chi, tụt huyết áp, mất ý thức, yếu liệt tay chân và có khả năng suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Znews giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.