Trong nhiều thập kỷ, một nhóm nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và danh tiếng của các tổng thống Mỹ thông qua kiểm soát nguồn cung dầu toàn cầu.
Khi thế giới chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn, cuộc đua kiểm soát các nguyên liệu cần thiết để cung cấp cho quá trình chuyển đổi này vẫn chưa có hồi kết.
Trung Quốc đang dẫn đầu toàn cầu về xử lý khoáng chất quan trọng trong sản xuất pin xe điện và lưu trữ năng lượng tái tạo.
Các quan chức Mỹ cũng bắt đầu đàm phán một loạt thỏa thuận với các quốc gia khác để mở rộng khả năng tiếp cận với các khoáng sản quan trọng như lithium, coban, niken và than chì.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ mối quan hệ đối tác nào trong số đó sẽ thành công, và liệu các thỏa thuận có thể đáp ứng nhu cầu khoáng sản cần cho nhiều loại sản phẩm của Mỹ, bao gồm ôtô điện và pin lưu trữ năng lượng Mặt Trời hay không, theo New York Times.
Thời điểm phức tạp
Tại hội nghị G7 ở Hiroshima, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, châu Âu và quốc gia tiên tiến khác đồng tình rằng việc hơn 80% hoạt động chế biến khoáng sản trên thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc có thể khiến họ dễ bị tổn thương trước áp lực từ Bắc Kinh.
Hôm 20/5, các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định sự cần thiết quản lý rủi ro do từ chuỗi cung ứng khoáng sản và xây dựng các nguồn cung linh hoạt hơn.
Mỹ và Australia đã công bố quan hệ đối tác chia sẻ thông tin và tiêu chuẩn cũng như đầu tư thiết lập các chuỗi cung ứng có trách nhiệm và bền vững hơn.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu”, Tổng thống Joe Biden cho biết hôm 20/5 khi ký thỏa thuận với Australia.
Xe điện bán tải của Ford trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Dearborn, Michigan. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, việc tìm nguồn cung khoáng sản đủ đáp ứng nhu cầu của Mỹ vẫn là một thách thức, khi nhiều quốc gia giàu khoáng sản có tiêu chuẩn lao động và môi trường thấp.
Và mặc dù các bài phát biểu tại G7 nhấn mạnh quan hệ hợp tác và liên minh, về cơ bản các nước giàu vẫn đang tranh giành các nguồn tài nguyên khan hiếm.
Nhật Bản đã ký một thỏa thuận khoáng sản quan trọng với Mỹ, và châu Âu đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận khác. Cũng giống Mỹ, những khu vực này có nhu cầu cung cấp khoáng sản quan trọng cho các nhà máy lớn hơn đáng kể so với nguồn cung dự phòng.
“Đó là quan hệ đối tác, nhưng với những mức độ căng thẳng nhất định”, bà Kirsten Hillman, Đại sứ Canada tại Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn, ngụ ý các nước đồng minh có quan hệ đối tác quan trọng trong ngành nhưng ở một mức độ nào đó, họ cũng là đối thủ thương mại.
“(Chúng ta) đang ở thời điểm địa chính trị kinh tế phức tạp. Chúng tôi đều cam kết đạt được cùng một mục tiêu và sẽ hợp tác thực hiện điều đó, nhưng theo cách tốt cho doanh nghiệp của chúng tôi”, bà nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc đẩy “quan hệ đối tác an ninh khoáng sản”, với 13 quốc gia. Các quan chức châu Âu cũng hộ ủng hộ G7 trở thành một “câu lạc bộ người mua” khoáng sản quan trọng, có thể thiết lập một số tiêu chuẩn lao động và môi trường chung cho các nhà cung cấp.
Trong khi đó, Indonesia, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, đã đề xuất ý tưởng liên kết với các quốc gia giàu tài nguyên khác để tạo thành một liên minh theo kiểu OPEC, nhằm chuyển quyền lực sang các nhà cung cấp khoáng sản.
Trong những tháng gần đây, quốc gia Đông Nam Á này cũng tiếp cận Mỹ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
Chính quyền ông Biden đang cân nhắc có nên dành cho Indonesia một số hình thức ưu đãi hay không, thông qua một thỏa thuận độc lập hoặc một phần khuôn khổ thương mại Mỹ đang đàm phán ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Song một số quan chức Mỹ cảnh báo với các tiêu chuẩn lao động và môi trường hạn chế ở Indonesia, nguồn khoáng sản của nước này có thể bán với giá rẻ hơn khi vào thị trường Mỹ, gây ảnh hưởng đến các mỏ non trẻ tại nước này, đồng thời vấn phải sự phản đối gay gắt tại Quốc hội.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã gợi ý về sự đánh đổi này trong một bài phát biểu hồi tháng 4. Ông nói rằng việc đàm phán với các quốc gia giàu khoáng sản là cần thiết, nhưng sẽ đặt ra “những câu hỏi khó” về các tiêu chuẩn lao động ở quốc gia đó và mục tiêu môi trường rộng hơn của Washington.
Thế khó của Mỹ
Theo ông Cullen Hendrix, thành viên cấp cao Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản ít phụ thuộc vào Trung Quốc của chính quyền ông Biden đến nay “hơi thiếu mạch lạc” và khó đạt mục tiêu.
Công nhân tại địa điểm khai thác niken gần Tamarack,Minnesota. Ảnh: New York Times. |
Nhu cầu về khoáng sản ở Mỹ phần lớn được thúc đẩy bởi luật khí hậu của Tổng thống Biden - luật cung cấp ưu đãi về thuế cho các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng xe điện, đặc biệt là khâu lắp ráp pin cuối cùng.
Tuy nhiên, luật này dường như không thể thúc đẩy số lượng mỏ nội địa tăng nhanh, ông Hendrix cho biết.
“Mỹ sẽ không thể làm điều này một mình”, ông nói thêm.
Theo các quan chức Mỹ, chỉ riêng nguồn cung lithium toàn cầu sẽ cần tăng gấp 42 lần vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu xe điện.
Mặc dù những đổi mới về pin có thể làm giảm nhu cầu với một số khoáng chất nhất định, thế giới vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong dài hạn.
Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và các chính phủ khác cũng đã đưa ra các chương trình trợ cấp giúp các mỏ và nhà máy sản xuất pin mới cạnh tranh tốt hơn. Indonesia cũng từng bước tăng cường hạn chế xuất khẩu quặng niken thô, yêu cầu loại quặng này phải được xử lý trước trong nước.
Trong khi đó, ông Todd Malan, giám đốc đối ngoại của Talon Metals, nói rằng nếu Mỹ mở rộng danh sách quốc gia đủ điều kiện nhận trợ cấp theo luật khí hậu mới ngoài các nước có tiêu chuẩn lao động và môi trường đảm bảo, nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng mạnh hơn có thể suy yếu.
“Việc bắt đầu mở cửa cho Indonesia và Philippines hoặc những nơi khác không chung tiêu chuẩn không đúng với tinh thần khuyến khích chuỗi cung ứng pin nội địa và với đồng minh của Quốc hội”, ông nói.
Mặc dù chính quyền ông Biden đang tìm cách hợp lý hóa quy trình cấp phép khai thác mỏ mới trong nước, việc phê duyệt các dự án có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Bà Jennifer Harris, cựu quan chức Nhà Trắng, cho rằng nước Mỹ cần tiến nhanh hơn để phát triển khai thác trong nước, song cũng cần một khuôn khổ mới cho các cuộc đàm phán đa quốc gia.
Chính phủ cũng có thể thiết lập một chương trình dự trữ các khoáng sản như lithium khi giá xuống thấp, giúp các công ty khai thác yên tâm rằng họ sẽ tìm được điểm đến cho sản phẩm của mình, bà Harris đề xuất.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.