ThS.BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho hay trong 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng đột biến. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trường hợp gặp tình trạng này.
“Hôm qua, tôi khám cho 10 bệnh nhân. Tôi cũng tiếp nhận nhiều trường hợp cả 3 mẹ con hoặc 2 bố con cùng vào viện khám do kiến ba khoang”, thạc sĩ Giang cho hay.
Điển hình là 2 bố con ở Hà Nội đến viện trong tình trạng một bên mắt sưng nề, đỏ, má có một số mụn mủ tạo thành dải, vệt. Bệnh nhân đau rát nhiều, khó chịu, không mở được mắt. Theo lời kể của bệnh nhân, ban đầu, 2 bố con chỉ thấy vướng, rát mắt nhưng không chú ý, lấy tay quệt, gãi, dụi và tự mua kem acyclovir bôi. Sau đó, vùng da tổn thương rát hơn, không đỡ sưng nề, 2 bố con phải tới bệnh viện.
Bệnh nhân bị viêm da do kiến ba khoang. Ảnh: BSCC. |
Theo bác sĩ Giang, bệnh nhân đến khám thường 3-4 ngày sau khi có vệt đỏ đầu tiên do tiếp xúc độc tố của kiến. Đây là khoảng thời gian muộn, khiến bệnh nhân gặp biến chứng.
“Kiến ba khoang gây bệnh do dịch tiết ra, dính vào da hay qua tay, gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Cơ thể kiến ba khoang có chứa Pederin. Chúng có độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ mang”, thạc sĩ Giang thông tin.
Do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da, chúng không đủ gây chết người như nọc rắn mà chỉ tổn thương tại da. Độc tố này có thể gây những biến chứng nặng. Bệnh nhân có thể bị tổn thương lan tỏa vùng lân cận, sốt, khó chịu toàn thân, gây bội nhiễm da, tăng sắc tố sau viêm. Một số bệnh nhân nặng hơn có thể để lại sẹo.
Chuyên gia này khuyến cáo khi phát hiện có kiến ba khoang, người dân nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, tuyệt đối không chà sát, đập kiến để dịch độc tiết ra. Khi tiếp xúc với dịch của kiến, người dân cần rửa dưới vòi nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng để làm giảm nhẹ độc tố.
Nếu tổn thương nhẹ (chỉ chấm đỏ), bệnh nhân có thể bôi kem đặc trị. Khi tình trạng nặng hơn như xuất hiện mụn mủ, lan rộng tổn thương, họ cần đến viện chuyên khoa da liễu điều trị.
Thạc sĩ Giang cũng lưu ý hiện nhiều người dân chủ quan, tự ý điều trị bằng những phương pháp chưa được kiểm chứng như đắp đậu xanh, các bài thuốc dân gian làm vết thương nặng thêm, tăng nguy cơ bội nhiễm.
“Một bệnh nhân ở Mỹ Đình, Hà Nội ban đầu chỉ có vài chấm nhỏ ở cằm, cổ, đau rát. Nghĩ chồng bị zona thần kinh, vợ bệnh nhân lên mạng và làm theo bài thuốc nhai 7 hạt gạo nếp cùng đỗ xanh đắp vào vùng tổn thương của chồng. Cách làm này khiến người chồng đau rát và vết loét nặng hơn. Khi bệnh nhân đến viện, khắp cổ, ngực đã loang đỏ, bội nhiễm”, bác sĩ Giang kể.
Theo bác sĩ này, zona là bệnh da do virus, thường gây đau, nhức nhiều, sau đó, xuất hiện mụn nước, mọc thành từng chùm theo sự phân bố của dây thần kinh và một bên cơ thể.
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang khiến bệnh nhân đau rát, tổn thương thành từng vệt, rát đỏ. Bệnh thường gặp ở vùng da hở, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Bệnh nhân có thể xuất hiện mưng mủ nhanh.