Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Loại thực phẩm rẻ, tiện lợi nhưng gây ra bệnh gan nhiễm mỡ

Việc tiêu thụ loại thực phẩm này liên tục cũng có thể làm tăng nguy cơ béo phì, các bệnh về tim mạch và tiểu đường loại 2.

Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh: Shutterstock.

Đồ ăn nhanh được nhiều người lựa chọn vì tiện lợi và giá cả phải chăng, nhưng nó mang lại nhiều tác dụng phụ tiêu cực và có thể tàn phá sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên.

Trong thời gian ngắn, loại thực phẩm này có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu và làm tăng huyết áp. Về lâu dài, việc tiêu thụ thức ăn nhanh liên tục có thể làm tăng nguy cơ béo phì, các bệnh về tim mạch và tiểu đường loại 2.

Vừa qua, các nhà nghiên cứu mới phát hiện đồ ăn nhanh cũng có thể góp phần gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Nghiên cứu này được công bố trên Clinical Gastroenterology and Hepatology đã chỉ ra mối liên hệ giữa đồ ăn nhanh và NAFLD, đặc biệt ở những người mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường.

Cụ thể, với những người mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường, mức độ mỡ trong gan của họ tăng đáng kể nếu 1/5 chế độ ăn hàng ngày là thức ăn nhanh. Đối với những người không mắc các bệnh này, cùng một lượng thức ăn nhanh hàng ngày sẽ góp phần làm tăng lượng chất béo trong gan lên một mức vừa phải.

Nói cách khác, nếu thức ăn nhanh chiếm ít nhất 20% khẩu phần ăn hàng ngày, bạn sẽ có nguy cơ bị tích tụ chất béo trong gan từ mức độ trung bình cho đến nghiêm trọng.

Ani Kardashian, tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng những phát hiện này rất quan trọng vì đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ cụ thể giữa thức ăn nhanh và bệnh gan nhiễm mỡ.

Lượng chất béo được tích tụ quá nhiều trong gan có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Theo Mayo Clinic, đây là dạng bệnh gan mạn tính phổ biến nhất ở Mỹ.

Thức ăn nhanh tạo ra mỡ thừa trong gan là do chất béo chuyển hóa. Theo một báo cáo được công bố trên Nutrition & Diabetes, axit béo chuyển hóa góp phần làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan. Loại chất béo này còn được gọi là dầu hydro hóa một phần. Bạn có thể tìm thấy chúng trong bơ thực vật, các loại pizza đông lạnh, đồ nướng, thức ăn nhanh.

Khi nói đến khả năng tích tụ chất béo trong gan, điều quan trọng là bạn phải biết những loại chất béo khác nhau bạn tiêu thụ sẽ tạo nên sự khác biệt. Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Gan Quốc tế 2022 đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít carb chứa nhiều chất béo lành mạnh có thể giúp giảm mỡ gan.

Tuy nhiên, việc giảm mỡ gan phải dựa trên những loại chất béo lành mạnh, ví dụ chất béo có trong các loại hạt, cá hồi, quả bơ hoặc dầu ô liu, dĩ nhiên là chất béo chuyển hóa có trong thức ăn nhanh không có tác dụng giảm mỡ gan.

Những nghiên cứu trên có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn của thức ăn nhanh, nhưng việc mắc bệnh hay không còn phụ thuộc vào số lượng bạn tiêu thụ.

Thức ăn nhanh thuận lợi nên nhiều người khó loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống. Chìa khóa ở đây là "điều độ". Để chăm sóc gan và ngăn ngừa nguy cơ tích tụ nhiều chất béo trong gan, bạn nên duy trình việc tiêu thụ đồ ăn nhanh ở mức "thỉnh thoảng", "không thường xuyên" và tập trung vào việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy hoặc bệnh tiểu đường.

Không phải thực phẩm 'lành mạnh' nào cũng tốt cho sức khỏe

Theo Eat This, các thực phẩm vốn được xem là lành mạnh như trái cây sấy khô, granola, sữa chua đông lạnh... lại chứa nhiều đường và không tốt cho sức khỏe như bạn nghĩ.

Thái An

Theo Eat This, Not That

Bạn có thể quan tâm