Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại thuốc giảm đau có thể tăng nguy cơ đột quỵ

Ibuprofen là thuốc giảm đau, chống viêm không steroid. Tuy nhiên, FDA cảnh báo phác đồ liều cao thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đau tim và cao huyết áp.

Ibuprofen không còn là sản phẩm xa lạ với người tiêu dùng. Tại Việt Nam và trên thế giới, ibuprofen thường xuất hiện trong các đơn thuốc giúp giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID).

Tuy nhiên, sử dụng loại thuốc này với liều lượng cao có thể gây nguy hiểm tính mạng. Bởi nó có thể làm tăng nguy cơ mắc 3 bệnh đột quỵ, đau tim và huyết áp cao.

Nguy cơ bị đột quỵ sau vài tuần sử dụng thuốc

Ibuprofen là thuốc chống viêm non-steroid, còn được gọi với nhiều nhãn hiệu khác như Nurofen, Advil và Motrin. Nó được dùng để giảm các triệu chứng viêm khớp, thống kinh nguyên phát, sốt, có tác dụng giảm đau, đặc biệt ở những nơi có viêm.

Tuy nhiên, theo Harvard Health Publishing, năm 2005, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo việc dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Tháng 7/2005, FDA nâng mức cảnh báo này thêm một bậc. Quyết định này được đưa ra dựa trên lời khuyên của hội đồng chuyên gia xem xét thông tin bổ sung về các loại thuốc NSAID và rủi ro chúng có thể gây ra.

Ibuprofen (Motrin, Advil) và naproxen (Aleve) đều là những loại thuốc bán không cần kê đơn và sử dụng rộng rãi. Do đó, FDA bày tỏ sự quan ngại về việc người dân dùng thuốc không theo phác đồ hay thiếu sự tư vấn của bác sĩ, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

nguy co dot quy anh 1

Ibuprofen từng bị FDA cảnh báo về nguy cơ gây đột quỵ, đau tim, tăng huyết áp. Ảnh: The New York Times.

Ibuprofen cũng có thể làm tăng huyết áp và gây suy tim. Bên cạnh đó, rofecoxib (Vioxx), loại thuốc chống viêm không steroid khác, còn được gọi là chất ức chế COX-2, gây nguy cơ đau tim, đột quỵ đặc biệt cao.

Thống kê tại Mỹ cho thấy, rofecoxib gây ra 140.000 cơn đau tim trong 5 năm được bán trong thị trường, theo Harvard Health Publishing. Từ năm 2004, loại thuốc này bị cấm sản xuất.

FDA cảnh báo ibuprofen và naproxen có thể gây ra những nguy cơ tương tự rofecoxib. Tài liệu của FDA cho thấy ngay cả khi sử dụng thuốc trong thời gian ngắn, nguy cơ bị đột quỵ và đau tim, cao huyết áp cũng có thể xuất hiện sau vài tuần sử dụng.

Thời gian sử dụng dài và liều cao càng khiến nguy cơ này tăng lên. Đặc biệt, người mắc bệnh tim, hai loại thuốc này được xếp vào nhóm nguy hiểm, nguy cơ rất cao.

nguy co dot quy anh 2

Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên dùng thuốc khác thay vì ibuprofen khi giảm đau, kháng viêm. Ảnh: Reuters.

Không chỉ FDA, tại Anh, Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (National Institute of Health and Care Excellence - NICE) cảnh báo đã có bằng chứng đáng kể cho thấy nguy cơ gia tăng các biến cố tim mạch khi sử dụng nhiều NSAID. Trong đó, ibuprofen liều cao là yếu tố chính.

Theo Mayo Clinic, trước những rủi ro tiềm ẩn của loại thuốc trên, NICE khuyến cáo người dân nên sử dụng liều thấp nhất có thể trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, người bệnh cần kiểm soát các triệu chứng để có biện pháp xử trí kịp thời nếu bị đột quỵ, suy tim, đau tim hay cao huyết áp.

Theo các nhà khoa học, ibuprofen và các NSAID gây nguy hiểm cho tim mạch đến từ hai nguyên nhân. Đầu tiên, chúng làm thay đổi nồng độ các chất trong máu, tăng khả năng hình thành huyết khối. Các cục máu đông có thể gây tắc nghẽn động mạch ở tim. Hậu quả là người bệnh xuất hiện các cơn đau tim, đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân thứ hai là NSAID làm thay đổi lưu lượng máu trong thận, khiến cơ thể tích nước, muối nhiều hơn. Đây cũng chính là thủ phạm khiến bệnh nhân bị huyết áp cao, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhiều người dùng NSAID để giảm đau mức nhẹ đến trung bình. Những loại thuốc này có thể đặc biệt hiệu quả khi người bệnh bị đau chủ yếu do viêm như viêm khớp hay chấn thương thể thao. Chúng ta có thể tự mua ibuprofen và naproxen, song, các bác sĩ thường kê đơn có celecoxib (celebrex), diclofenac (Cataflam, Voltaren) và các thuốc chống viêm không steroid khác thay thế.

Chẳng hạn, Aspirin cũng là thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, nó không gây nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Thậm chí, đây còn là loại thuốc thường được sử dụng để ngăn ngừa các tình trạng này.

nguy co dot quy anh 3

Sử dụng thuốc không đúng cách có thể trở thành con dao hai lưỡi, mang nhiều hiểm họa. Ảnh: NPR.

Cách sử dụng an toàn

Theo Mayo Clinic, các thuốc chống viêm không steroid vẫn nên dùng để giảm đau đầu, đau vai trong vài ngày. Với liều lượng như vậy, chúng không có khả năng gây đau tim hay đột quỵ. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài có thể khiến chúng trở thành con dao hai lưỡi, gây rủi ro cho tính mạng người bệnh.

Hiện tại, cũng chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhân Covid-19 phải tránh dùng ibuprofen hay các thuốc chống viêm không steroid khác.

Tài liệu của Harvard Health Publishing khuyến cáo người bị bệnh tim nên tránh dùng NSAID nếu có thể. Ngoài ra, trong trường hợp đang cân nhắc sử dụng các loại thuốc này, bạn cần có sự tư vấn từ bác sĩ, tuân thủ đúng đơn thuốc, phác đồ, liều lượng quy định.

Để ngăn nguy cơ gặp biến chứng khi sử dụng các thuốc chống viêm không steroid, Harvard Health Publishing lưu ý:

- Bệnh nhân cần uống trong thời gian ngắn nhất, liều lượng thấp nhất.

- Không uống cùng lúc nhiều hơn một loại thuốc chống viêm không steroid.

- Khuyến khích sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm thay thế như acetaminophen. Tuy nhiên, acetaminophen cũng có thể gây tổn thương gan nếu vượt quá 4.000 miligam/ngày hoặc uống nhiều hơn ba đồ uống có cồn mỗi ngày.

- Nếu bị đau ngực, khó thở hoặc đột ngột yếu đi, khó nói khi đang dùng thuốc chống viêm không steroid, người bệnh cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức.

WHO khuyến cáo loại thuốc không nên uống trước tiêm vaccine Covid-19

Các thuốc giảm đau, dị ứng là loại được WHO khuyến cáo không nên sử dụng trước khi tiêm vaccine Covid-19.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm