Người phụ nữ (41 tuổi, bang Connecticut, Mỹ) nhập cấp cứu sau khi có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy trong một tuần. Trên phim chụp phổi, bác sĩ phát hiện phổi của bà tràn dịch, dẫn đến suy hô hấp.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, người phụ nữ xuất hiện các triệu chứng của nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS) như suy thận, tiêu cơ vân, sốc gan, giảm tiểu cầu, sốc nhiễm trùng.
Một ngón chân của bà cũng chuyển đen dần vì hoại tử. Người phụ nữ được phẫu thuật nội soi phổi, cắt bỏ ngón chân và nằm viện suốt 6 tuần.
Hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS) là một dạng nhiễm trùng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Vi khuẩn này đã xuất hiện trên toàn cầu nhưng thời gian gần đây đang lan rộng tại Nhật Bản.
Theo Viện Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, STSS đã gây bệnh cho 1.019 trường hợp trong năm nay, nhiều hơn tổng số ca mắc trong năm 2023. Trong đó, 77 người đã không qua khỏi.
Số ca nhiễm trùng tăng đột biến
Từ tháng 3 năm nay, ngành y tế Nhật Bản đã ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân mắc STSS. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 có thể là một yếu tố góp phần làm gia tăng số lượng người bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A (GAS).
Chia sẻ với Guardian, Giáo sư Ken Kikuchi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo (Nhật Bản), cho biết ông "rất lo ngại" về tình trạng gia tăng đáng kể bệnh nhân nhiễm trùng liên cầu khuẩn trong năm nay.
Bàn chân sưng tấy với ngón út tím đen vì hoại tử của người phụ nữ bị nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS). Ảnh: Cureus. |
Giáo sư Kikuchi tin rằng việc hạ cấp bệnh truyền nhiễm Covid-19 ngang với cúm mùa khiến nhiều người từ bỏ các biện pháp hạn chế dịch bệnh như sát trùng tay hay đeo khẩu trang. Điều này khiến các tác nhân gây bệnh, trong đó có GAS, lây lan nhanh hơn.
“Theo tôi, hơn 50% người Nhật đã mắc Covid-19. Điều này dẫn đến thay đổi về dịch tễ, khiến nhiều người nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn. Ngành y tế cần nắm rõ chu kỳ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh để sớm kiểm soát được chúng", chuyên gia này cho hay.
Bộ Y tế Nhật Bản cho hay xu hướng gia tăng bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A cũng xuất hiện nhiều ở các quốc gia khác bên cạnh Nhật Bản sau đại dịch. Cơ quan này khẳng định việc du lịch đến Nhật Bản vẫn hoàn toàn đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, mọi người vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 như tuân thủ vệ sinh tay, che miệng khi ho. Nếu có vết thương hở, cần sát trùng thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Theo các chuyên gia, liên cầu khuẩn nhóm A (GAS) dù là một tác nhân gây bệnh hiếm, nó đã được phát hiện từ rất lâu trên thế giới.
"STSS đã có mặt ở Mỹ từ hàng trăm năm nay. Đây là bệnh nhiễm trùng không phổ biến nhưng số ca bệnh vẫn đang gia tăng", ông Andrew Steer, Trưởng khoa Nhiễm - Miễn dịch sức khỏe toàn cầu tại Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch, Australia, chia sẻ với New York Times.
Vi khuẩn Streptococcus pyogenes là nguyên nhân gây ra hầu hết trường hợp mắc hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn. Ảnh: Alamy. |
STSS là gì?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn là căn bệnh nghiêm trọng xảy ra khi vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm A xâm nhập vào cơ thể. Loại vi khuẩn này thường gặp ở cổ họng và trên da.
Phần lớn trường hợp nhiễm GAS chỉ gây ra các bệnh nhẹ như đau họng, nhiễm trùng da. Tuy nhiên, khi nhiễm vào máu và các mô, vi khuẩn có thể gây ra biến chứng như hoại tử, nhiễm trùng máu, suy đa tạng... Đây là lý do liên cầu khuẩn nhóm A được gọi tên là vi khuẩn ăn thịt người, có khả năng ảnh hưởng tới tính mạng của 30% người bệnh.
Người có vết thương hở, mắc bệnh đái tháo đường hoặc có sử dụng rượu có nhiều nguy cơ mắc STSS hơn người bình thường. Ngoài ra, bệnh cũng dễ xuất hiện ở những bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc nhiễm virus trong thời gian gần.
Triệu chứng ban đầu của STSS thường không đặc trưng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh thông thường như sốt, ớn lạnh, đau cơ và buồn nôn.
Trong vòng 1-2 ngày sau, huyết áp người bệnh bắt đầu giảm, dẫn đến tình trạng suy đa tạng, tăng nhịp tim và huyết áp. Lúc này, bệnh nhân cần được đưa vào viện càng sớm càng tốt.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.