Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại vi khuẩn phổ biến gây vụ ngộ độc cơm gà ở Nha Trang

Vi khuẩn Salmonella được xác định là một trong số những tác nhân chính khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn cơm gà ở Nha Trang.

Trứng gà sống có thể chứa khuẩn Salmonella nếu không được bảo quản tốt. Ảnh: Unsplash.

Sở Y tế Khánh Hòa đã thông tin nguyên nhân khiến hàng loạt người nhập viện sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, Nha Trang).

Cụ thể, kết quả xét nghiệm cho thấy phần cơm chan sốt trứng dương tính với Salmonella spp và chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE (độc tố ruột không ly giải hồng cầu).

Mẫu gà xé dương tính với Salmonella spp và chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và BHL (độc tố ly giải hồng cầu). Ngoài ra, mẫu hành phi dương tính với khuẩn Salmonella spp.

Bàn tay một người phụ nữ dương tính với Staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng). Mẫu dưa chua cũng có khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố NHE và BHL.

Trên thực tế, 3 loại vi khuẩn này vốn không xa lạ. Chúng cũng là tác nhân quen thuộc gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể.

Tác nhân quen thuộc

- Salmonella

Theo Phòng Quản lý Ngộ độc thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Salmonella là vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, kém đề kháng với điều kiện bên ngoài và bị phá hủy trong quá trình tiệt trùng thực phẩm. Tuy nhiên, Salmonella có thể sót trong một thời gian dài ở các thực phẩm khô, ướp lạnh....

Người nhiễm khuẩn salmonella có thể có các triệu chứng đau bụng, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn mửa. Ngoài ra, người bệnh cũng có các dấu hiệu mất nước như giảm tiểu hoặc nước tiểu sẫm màu, khô miệng hoặc đi tiêu ra máu.

Trong đó, mất nước do tiêu chảy là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Trẻ rất nhỏ có thể bị mất nước nghiêm trọng chỉ trong một ngày dẫn đến tử vong.

ngo doc com ga anh 1

Nhiễm khuẩn Salmonella là nguyên nhân thường gặp gây ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng ở người. Ảnh: Shutterstock.

- Bacillus cereus

Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Loại vi khuẩn này phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Chúng có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.

Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng (dù hiếm gặp), tùy thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, điều trị cấp cứu...

- Staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng)

Theo bác sĩ Vi Thị Chuyên, khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Bắc Kạn, Staphylococcus aureus (hay tụ cầu) là vi khuẩn phổ biến rộng rãi trong thiên nhiên, trong niêm dịch mũi, trong khoang miệng và họng của người cũng như động vật, trên da và các mụn ghẻ lở, mưng mủ… và đặc biệt là ở vú bò sữa bị viêm.

S.aureus sinh độc tố có các tính chất gây ngộ độc khác nhau như gây viêm họng, gây viêm da mưng mủ, gây dung giải hồng cầu.

Những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn

Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, một số nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thực phẩm tươi sống như thịt gia cầm hay hải sản rất dễ nhiễm khuẩn Salmonella.

Đặc biệt, trứng sống hoặc nấu chưa chín cũng là nguồn lây bệnh cho nhiều người. Mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm khuẩn, gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella tồn tại trước khi vỏ được hình thành.

ngo doc com ga anh 2

Thịt gà hay trứng chế biến chưa chín có thể nhiễm khuẩn Salmonella và gây ngộ độc ở người. Ảnh: Unsplash.

Ngoài ra, các thực phẩm chế biến không đảm bảo an toàn, không có chế độ bảo quản phù hợp, sữa không được tiệt trùng đúng cách… cũng có thể nhiễm khuẩn Salmonella. Một điều quan trọng ít được quan tâm hơn là nguồn nước bị nhiễm khuẩn cũng có khả năng gây bệnh ở người.

Trong khi đó, các loại thực phẩm được coi là môi trường lý tưởng của Bacillus cereus là cơm, rau, thịt, mì ống, sữa trứng, bánh ngọt, xà lách, súp, kem, các loại thảo mộc và gia vị. Lý do là vi khuẩn này có mặt khắp nơi trong môi trường và dễ dàng lây nhiễm sang thực phẩm.

Tụ cầu vàng có thể chịu được nhiệt độ tới 70 độ C, sống trong dung dịch muối có nồng độ tới 12% và đường tới 50%. Do vậy, chúng có thể tồn tại ở một số bánh kem có nồng độ đường cao, phô mai mặn, kem sữa, các món ăn đã chế biến từ thịt, cá.

Vì vậy, để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm do tụ cầu, mọi người tuyệt đối không được dùng các loại thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh và sữa của bò bị viêm vú và viêm tuyến vú để chế biến làm thực phẩm.

Người sản xuất, chế biến thực phẩm bị ghẻ lở, viêm họng, viêm da có mủ, viêm phế quản... không được chế biến trực tiếp hoặc tiếp xúc với thực phẩm để tránh nhiễm bệnh.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, mọi người cần dừng ngay việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh và ngay lập tức đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.

Bị tố '7h30 vẫn chưa làm việc', bệnh viện ở Hà Nội nói gì?

Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết lịch làm việc từ 7h30 nhưng video được quay vào lúc 7h20 tại sảnh tiếp đón của khoa khám bệnh, nên không thấy hình ảnh của đội ngũ nhân sự.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm