Virus HPV có bao nhiêu chủng?
TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết virus HPV (Human papillomavirus) là một nhóm lớn, đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra 210 chủng. Trong đó, có khoảng 40 chủng gây mụn cóc và ung thư vùng sinh dục cả nam và nữ. |
Nguy cơ nhiễm HPV ở phụ nữ?
Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời ở phụ nữ khoảng 80%, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25% trong quần thể. |
Nhiễm HPV liên quan chặt chẽ đến bệnh ung thư?
Theo thông tin tại hội nghị “Diễn đàn đối thoại chính sách và hội thảo chuyên gia về HPV và ung cổ tử cung” do Viện Ung thư Quốc gia Mỹ phối hợp cùng Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K tổ chức, tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhiễm HPV. |
Virus HPV lây nhiễm qua con đường nào?
Virus HPV lây nhiễm qua đường tình dục hay quan hệ tình dục bằng miệng. Một số trường hợp lây nhiễm HPV qua dùng chung dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ y tế chưa được tiệt trùng. Sự việc nhiều trẻ ở Hưng Yên cùng mắc sùi mào gà là một ví dụ nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. |
Khi mắc sùi mào gà, virus sẽ ở trong cơ thể suốt đời?
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết việc chữa trị sùi mào gà cần nhiều lần và không thể diệt tận gốc virus HPV. Khi mắc sùi mào gà, virus sẽ ở trong cơ thể suốt đời, khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ phát triển trở lại. |
Ngoài ung thư cổ tử cung, HPV còn có thể gây bệnh?
HPV có thể gây ung thư cổ tử cung và một số bệnh khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn. HPV còn có thể gây ung thư hầu họng nhưng ít phổ biến hơn. |
Các xét nghiệm thông thường có phát hiện được virus HPV?
GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết HPV là một loại virus nguy hiểm nhưng các xét nghiệm thông thường không thể phát hiện được chúng. Các xét nghiệm phát hiện HPV hiện chỉ áp dụng với phụ nữ từ 21 tuổi trở lên trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. |
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu HPV?
Hiện nay, chúng ta chưa có thuốc đặc hiệu điều trị HPV. Do đó, cách đơn giản nhất là tiêm vắc xin ngừa HPV cho cả bé trai và gái độ (bé gái từ 9 tuổi, bé trai từ 12 tuổi) và kéo dài đến 21 tuổi với nam, 26 tuổi với nữ, kể cả đã có quan hệ tình dục. Việc tiêm vắc xin ngừa HPV có thể ngừa được những chủng HPV nguy hiểm như 6, 11, 16 và 18. |