Hàng chục ngôi sao, người nổi tiếng tuyên bố sẽ đóng băng các tài khoản mạng xã hội của họ vào ngày 16/9 để “phản đối việc lan truyền thông tin sai lệch và sự căm ghét” trên Internet.
Động thái này nằm trong chiến dịch Stop Hate for Profit (tạm dịch: Ngừng trục lợi từ sự thù ghét), một phong trào được phát động hồi tháng 6 bởi liên minh các tổ chức dân quyền, nhằm yêu cầu Facebook và Instagram phải chịu trách nhiệm trước các nội dung thù địch trên nền tảng của họ.
Katy Perry và Kim Kardashian hưởng ứng phong trào đóng băng tài khoản mạng xã hội. Ảnh: Cosmopolitan/Vogue. |
“Hãy cho họ biết lợi nhuận thu được sẽ không đáng để họ thúc đẩy sự thù ghét, bảo thủ, phân biệt chủng tộc và bạo lực. Mạng xã hội phải ưu tiên người dùng hơn lợi nhuận và họ cần hiện thực hóa điều đó ngay lúc này”, trích lời kêu gọi của chiến dịch.
Danh sách các ngôi sao tham gia phong trào này ngày một dài, bao gồm Katy Perry, Naomi Campbell, Jennifer Lawrence, Leonardo DiCaprio và Kim Kardashian.
“Nhờ có mạng xã hội, tôi được kết nối trực tiếp và trò chuyện với các bạn. Nhưng tôi không thể ngồi yên chứng kiến những nền tảng này lan truyền sự căm thù và thông tin sai lệch, gây ra sự chia rẽ trong xã hội nước Mỹ”, Kim chia sẻ.
“Tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng các hội nhóm và bài đăng truyền bá sự thù ghét và tin giả trên khắp mạng xã hội”, nữ ca sĩ Katy Perry khẳng định.
Hơn 1.200 doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận cũng hưởng ứng chiến dịch kể từ cuối tháng 6. Nhiều thương hiệu lớn như Ford, Adidas, Unilever, Coca-Cola và Starbucks đã dừng mọi hoạt động quảng cáo trên những nền tảng truyền thông này.
Chiến dịch tẩy chay tác động mạnh vào Facebook và Mark Zuckerberg. Ảnh: Vanity Fair. |
Động thái này đã đánh mạnh vào nguồn doanh thu chính, làm cổ phiếu của Facebook giảm đáng kể và nhà sáng lập Mark Zuckerberg cũng mất 7,2 tỷ USD giá trị tài sản ròng.
“Những gì Facebook đang làm là tạo ra một mô hình kinh doanh gây ra vô vàn tranh cãi, bao gồm sự thù ghét, nỗi thất vọng và tin thật giả lẫn lộn. Trong khi đó, xã hội chúng ta lại có xu hướng tham gia vào những điều chướng tai gai mắt”, giáo sư Scott Galloway tại Đại học New York giải thích với tờ Fast Company.
Theo giáo sư, sự phẫn nộ của người dùng tỷ lệ thuận với khả năng kiếm tiền của Facebook. “Cơn thịnh nộ” càng lớn, lượt click càng nhiều dẫn đến quảng cáo thành công.
Trước đó, YouTube cũng từng bị tẩy chay 2 lần vào năm 2017 và năm 2019. Nhiều nhãn hàng lớn phát hiện những quảng cáo của họ trên nền tảng này xuất hiện kèm với các video mang thông điệp tiêu cực như kỳ thị người đồng tính và bài trừ Do Thái. Một số nhà sáng tạo nội dung cũng cáo buộc mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới dung túng cho các bình luận có tính chất ấu dâm.