Một cửa hàng mài lưỡi dao tên Cutters Edge tại Clifton (bang New Jersey, Mỹ) gây phẫn nộ với tấm bảng dán ở bên ngoài có nội dung “Nói tiếng Anh hoặc trả thêm 10 USD”. Hành động này bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, theo NY Post và CBS New York.
Hình ảnh về tấm bảng được chia sẻ trên mạng xã hội và kéo theo nhiều ý kiến tiêu cực. Trong hai tuần, đường dây điện thoại của Cutters Edge liên tục có người gọi đến bày tỏ sự tức giận.
Nhiều người lên tiếng yêu cầu quan chức địa phương đóng cửa nơi này, còn những vị khách cảm thấy bị xúc phạm kéo vào đánh giá 1 sao.
Ông chủ cửa hàng mài dao tại New Jersey gây phẫn nộ với tấm bảng "Nói tiếng Anh hoặc trả thêm 10 USD". Ảnh: NY Daily News. |
“Hãy bắt chỗ đó dừng hoạt động vì người chủ cổ vũ phân biệt chủng tộc. Những kẻ kỳ thị màu da, ngôn ngữ không được chào đón ở đây”, người dùng @iamfarias viết trên Twitter.
“Tôi muốn đến một doanh nghiệp hiểu rõ mọi người đang sống tại quốc gia có hơn 350 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng và không ai phải trả tiền vì điều đó”, một tài khoản tên Keka R bình luận.
Người chủ Dave Feinberg đã lên tiếng giải thích trong một cuộc phỏng vấn với CBS New York trước mặt tiền cửa hàng. Một số khách hàng tức giận đã tụ tập ngay bên ngoài Cutters Edge và la ó. Đường dây nóng của trang tin tức nhận về ít nhất 10 cuộc điện thoại phản đối.
Feinberg cho biết đã treo tấm biển báo từ cuối tháng 8 vì “cảm thấy thất vọng” sau khi cố gắng trao đổi nhưng không thành với một vị khách không nói được tiếng Anh.
“Tôi chỉ muốn giải tỏa bực tức. Tôi không thể hiểu một từ mà vị khách sử dụng tiếng Tây Ban Nha nói với mình. Còn anh ấy hoàn toàn không cố gắng chút nào để giao tiếp với tôi bằng tiếng Anh. Lý do cho con số 10 USD là vì anh ta đã làm lãng phí thời gian 10 phút của tôi”, Feinberg kể lại.
Tấm biển xin lỗi được dán lên sau khi Cutters Edge nhận về làn sóng chỉ trích. Ảnh: CBS New York. |
Người này sau đó thừa nhận hành động của mình là “sai lầm”.
“Đáng nhẽ tôi chỉ nên viết ‘Chỉ nói tiếng Anh’ hay ‘Hãy cố gắng nói tiếng Anh’ thôi. Tôi không phải là người phân biệt chủng tộc".
Feinberg cho hay ban đầu không có chuyện gì xảy ra xung quanh tấm biển, thậm chí nhiều khách hàng còn khen ngợi sáng kiến mới của mình.
“Họ cười khúc khích khi nhìn thấy dòng chữ và bảo thấy rất vui vì ai đó đã làm điều này”, người đàn ông cho biết.
“Nhiều người khá thô tục. Họ trù ẻo tôi rằng phải đóng cửa hàng và mất đi tất cả”, người chủ nói thêm về việc bị tấn công qua điện thoại.
Sau một loạt phản ứng giận dữ, Feinberg cuối cùng đã rút tấm biển xuống và thay bằng dòng chữ xin lỗi. Song, người đàn ông thừa nhận với trang tin tức địa phương rằng có thể đã quá muộn để sửa chữa lỗi lầm.
Trả lời về vụ việc, Rosemary Pino, thành viên hội đồng thành phố Clifton, cho biết hành động này trái ngược với sự đa dạng cộng đồng mà thị trấn vẫn luôn tự hào.
“Các tấm biển như vậy đem chúng ta trở về cả thế kỷ trước, khi sự kỳ thị, không tôn trọng đa dạng văn hóa chưa bị đem ra chỉ trích”, Pino nói.