Trong xã hội hiện đại, người dân ngày một quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Từ đây, bên cạnh bữa ăn thông thường, sự quan tâm tới các thực phẩm chức năng, thành phần bổ sung ngày càng lớn. Trong tâm lý nhiều người, đây là các sản phẩm bồi bổ, giúp giữ cơ thể khỏe mạnh, “thêm được gì, tốt phần đó”.
Lợi ích thật sự
Đối với các thành phần bổ sung (Dietary Supplement), việc nạp một số chất dinh dưỡng vào cơ thể thông qua sản phẩm này có thể đảm bảo chúng ta được nhận đủ chất thiết yếu, từ đó phục vụ các chức năng nhất định.
Mặt khác, trong một số trường hợp, thành phần bổ sung cũng giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc các bệnh cụ thể. Tuy nhiên, cần khẳng định sản phẩm này không thể thay thế cho các bữa ăn lành mạnh.
Không giống thuốc, thành phần bổ sung không được phép lưu hành trên thị trường với mục đích điều trị, chẩn đoán hay phòng ngừa bệnh. Điều này đồng nghĩa các công ty sản xuất không thể khẳng định thành phần bổ sung điều trị được bệnh.
Thành phần bổ sung có thể giúp cơ thể đảm bảo một số chất thiết yếu nhưng không có tác dụng chữa bệnh. Ảnh minh họa: Leohoho. |
Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là Fucoidan. Đây là thành phần bổ sung và không thể được quảng bá là có khả năng điều trị ung thư. Theo quy định của FDA, tuyên bố này được xem là phạm pháp.
Trong khi đó, với thực phẩm chức năng (Functional Food), người tiêu dùng sẽ cần chú ý đến các thành phần được bổ sung trong loại thực phẩm đó. Một số yếu tố cần quan tâm là hàm lượng, tác dụng, liều giới hạn hàng ngày và độc tính.
Nếu thực phẩm được bổ sung vitamin hay khoáng chất, chúng ta có thể biết chính xác thành phần và hàm lượng. Tuy nhiên, với các sản phẩm được bổ sung thảo mộc, việc đánh giá giá sẽ khó khăn hơn.
Ví dụ với trà sâm. Sản phẩm này được quảng bá là bổ sung thành phần dịch chiết nhân sâm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hàm lượng dịch chiết nhân sâm trong mỗi tách trà là bao nhiêu, hàm lượng này có đủ tạo ra hiệu quả có lợi hay không lại không được đề cập hay chứng minh.
Có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng tùy tiện
Theo khuyến cáo của FDA, có những nguy cơ tồn tại khi chúng ta sử dụng thành phần bổ sung (Dietary Supplement). Cụ thể, sản phẩm này chứa các thành phần có hoạt tính với tác dụng sinh học mạnh mẽ lên cơ thể.
Tuy nhiên, những tác dụng này chưa được kiểm tra một cách rõ ràng, cụ thể bằng các nghiên cứu khoa học. Điều này có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp, mang đến tổn thương hay các vấn đề phức tạp khác.
Một số cách sử dụng có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng là:
- Kết hợp các thành phần bổ sung với nhau
- Kết hợp thành phần bổ sung với thuốc điều trị
- Thay thế thuốc kê theo đơn bằng thành phần bổ sung
- Sử dụng quá nhiều thành phần bổ sung như vitamin A, D hay sắt.
Một số thành phần bổ sung có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn trước, trong và sau phẫu thuật. Đây cũng là nguyên nhân buộc các bệnh nhân phải thông tin cho bác sĩ về mọi thành phần bổ sung đang sử dụng.
Việc sử dụng thành phần bổ sung, thực phẩm chức năng tùy tiện có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Sharon Mccutcheon. |
Một ví dụ khá tiêu biểu là viên sắt. Đây là thành phần bổ sung được rất nhiều người sử dụng. Người bình thường chỉ cần một mg sắt/ngày. Trường hợp lượng sắt được đưa vào cơ thể quá nhiều khiến chúng ta không thể tự đào thải chất này, gây tình trạng thừa sắt (Hemochromatosis).
Lúc này, lượng sắt thừa sẽ tích tụ tại các cơ quan trong cơ thể như gan, tuyến tụy, tuyến yên, tim. Đây là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường, tim mạch, loãng xương hay các vấn đề ở túi mật, thậm chí ung thư.
Với thực phẩm chức năng (Functional Food), một vài thành phần dinh dưỡng được bổ sung trong đó có hoạt tính rất mạnh, nhất là các sản phẩm được thêm thảo dược.
Tuy nhiên, tác dụng của các thành phần này với cơ thể lại chưa được kiểm tra kỹ lưỡng bởi các cơ quan chức năng.
Do đó, để đánh giá về thực phẩm chức năng, người tiêu dùng sẽ cần kiểm tra kỹ thông tin được nhà sản xuất cung cấp gồm chất dinh dưỡng được bổ sung trong sản phẩm là gì, hàm lượng bao nhiêu, nhu cầu và khả năng hấp thụ của cơ thể như thế nào, có nguy cơ gây phản ứng phụ khi cơ thể tiếp nhận hay không.
Đây là bước rất quan trọng để chúng ta lựa chọn thực phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe, từ đó bổ sung khoáng chất cần thiết
Tóm lại, chúng ta cần nhớ mọi loại thành phần bổ sung không phải là thuốc và không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Người dân cần tỉnh táo trước những quảng cáo về tác dụng điều trị bệnh của các sản phẩm này. Mặt khác, chúng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng tùy tiện.
Do liều dùng và tác dụng không mong muốn của thành phần bổ sung chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta cần cẩn trọng, kiểm tra thông tin thành phần, cách dùng để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, người dân cũng không nên lạm dụng các thực phẩm chức năng. Thay vào đó, chúng ta cần đa dạng hóa món ăn, tránh tập trung vào một nhóm thực phẩm nhất định.
Các bữa ăn hàng ngày là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Do đó, việc đa dạng hóa chúng với nhiều nhóm thực phẩm khác nhau là cách tốt nhất để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Bài viết được cung cấp bởi thạc sĩ Trần Hồng Loan, nghiên cứu sinh ngành Sinh học Phân tử, Viện Nghiên cứu hợp chất thiên nhiên, Đại học Y Cao Hùng, Đài Loan.