Chiến lược "cuối tuần tĩnh lặng" được kỳ vọng mang lại sự cân bằng cho đời sống và công việc của người lao động. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Dù quá trình thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần đang thu về kết quả khả quan, nhiều nhân viên công sở vẫn cho đây là một kế hoạch xa vời. Thay vào đó, họ hướng đến "ngày cuối tuần tĩnh lặng” (quiet weekend).
Không chuông báo thức, cuộc gọi hay âm thanh báo tin nhắn, họ tận hưởng thứ bảy và chủ nhật bình yên.
Thậm chí, nhiều người đã loại bỏ hàng tá cuộc họp hay kế hoạch làm việc quan trọng khỏi lịch trình thứ sáu. Nhờ đó, họ cảm thấy tự do cũng như phần nào kéo dài thời gian nghỉ ngơi.
Nếu cũng hướng đến những ngày cuối tuần nói “không” với công việc, bạn có thể cân nhắc một số thông tin và lời khuyên từ Stylist.
Nhiều nhân sự burn out khi không có đủ thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels. |
Lợi ích
Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cách thức làm việc nhanh chóng được đổi mới để đáp ứng xu hướng toàn cầu.
Tuy nhiên, hàng trăm nghìn nhân sự văn phòng vẫn chưa thể thích nghi.
Báo cáo tổng hợp của Glassdoor cho thấy tỷ lệ người lao động kiệt quệ thể chất, mắc các chứng rối loạn tâm thần tăng dần đều trong giai đoạn 2019-2022.
Đặc biệt, vấn đề burn out đã trở thành nội dung bàn luận nổi bật nhất trên các diễn đàn công sở vào năm 2022.
Để chống lại điều này, nhân viên đang ngày càng tìm kiếm các công ty cung cấp sự linh hoạt và quyền tự chủ cho nhóm của họ.
Theo Jill Cotton, chuyên gia về xu hướng nghề nghiệp tại Glassdoor, xu hướng này thường bị đánh đồng với “nghỉ việc trong im lặng” (quiet quitting).
Thực tế, đây chỉ là cách giúp tối ưu năng suất làm việc trong tuần. Cảnh thảnh thơi, ngủ ngon giấc là động lực hoàn hảo để nhân sự nỗ lực, tập trung vào các nhiệm vụ được giao.
“Hầu hết người theo đuổi ‘cuối tuần tĩnh lặng’ sẽ khéo léo hơn trong quá trình sắp xếp lịch làm việc. Họ dồn sức cho giai đoạn thứ hai - thứ năm, và ưu tiên những nội dung dễ xử lý, tự làm được một mình vào thứ sáu.
Nếu được thực hiện đúng cách, đây có thể là một chiến thuật thông minh để nhân viên cân bằng công việc - cuộc sống riêng và tận dụng tối đa thời gian mình có”, chuyên gia chia sẻ.
Bà cũng cho rằng thói quen cố lấp đầy lịch hoạt động chưa bao giờ là thói quen lành mạnh. Thay vào đó, nhân sự cần dành thời gian, cụ thể là những ngày cuối tuần, cân nhắc và phân bổ nhiệm vụ hợp lý cho tuần sắp tới.
Nếu duy trì tốt thói quen này, sức khỏe tinh thần của mọi người dần được cải thiện đáng kể. Nỗi ám ảnh về thứ hai (monday scaries) sẽ không còn quá nghiêm trọng, cho bạn thêm động lực để để hoàn thành tốt phần việc của mình cũng như gắn bó hơn với vị trí hiện tại.
Thẳng thắn với đồng nghiệp về kế hoạch nghỉ ngơi là một trong những cách để bắt đầu chiến lược "cuối tuần tĩnh lặng". Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Cách thực hiện
Để bắt đầu kế hoạch với những ngày cuối tuần chỉ tập trung vào chính mình, bạn có thể cân nhắc các lưu ý sau:
Thông báo cho đồng nghiệp: Nhằm đảm bảo thu xếp tốt mọi thứ, bạn nên thẳng thắn chia sẻ nguyện vọng và lịch làm việc mới đến nhân viên cùng nhóm.
Ngoài ra, hãy yêu cầu sự hợp tác tích cực từ mọi người. Chẳng hạn, một số cuộc họp “đinh” cần được tổ chức vào thứ ba, buổi huấn luyện nghiệp vụ cần hoàn thành trong thứ năm…
Suy nghĩ thực tế: Chúng ta cần hiểu rằng chiến lược nghỉ ngơi này có thể khó diễn ra đều đặn hàng tuần, và điều đó không quá quan trọng.
Chắc chắn, bạn khó tránh được trường hợp bất trắc hoặc khẩn cấp phải xử lý cùng cả nhóm. Thay vì tức giận, hãy chỉ xem đây là một thử thách nho nhỏ và hướng đến “cuối tuần yên tĩnh” khác trọn vẹn hơn.
Đặt mục tiêu phù hợp: Vấn đề chung của đa số người lao động trẻ tuổi là không biết cách sắp xếp lịch trình. Dù kỳ vọng có “cuối tuần yên tĩnh”, họ vẫn chật vật vì chưa hoàn tất những đầu việc được giao đúng hạn.
Do vậy, bạn cần xác định mục tiêu cụ thể dựa trên khả năng và quỹ thời gian của bản thân để hạn chế rơi vào tình trạng này.
Luôn thận trọng: Theo Jill, bạn vẫn cần để điện thoại ở chế độ hoạt động chứ không nên tắt nguồn và “biến mất” hoàn toàn.
Hành động này sẽ giữ cho đồng nghiệp và quản lý không đặt câu hỏi về ý thức cũng như sự cam kết của bạn với công việc. Hãy nhớ rằng chiến lược nghỉ ngơi phải được thực hiện khéo léo nếu bạn muốn duy trì dài lâu.
Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách
Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. "Thậm chí ông ấy còn rất vui mừng khi biết tôi đã tìm được con đường của mình và dốc sức vì nó", Trung cho biết. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...