Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời kể của cựu giáo viên làm 'cò' chạy việc

"Năm 2014, chị chạy cho một đứa với giá 150 triệu. Kết quả báo điểm trên trang web nó đỗ, nhưng một giáo viên khác xin phúc khảo, đỗ 'chèn' lên nó...".

Lắt léo

Qua theo dõi, chúng tôi được biết, trong số rất nhiều “cò” đã và đang tung hoành trên “thị trường” mua bán chỗ làm trong ngành giáo dục, có một cặp đôi rất “số má”, tên là Hiền và Vui. Hai người này thường xuyên xuất hiện cùng nhau mỗi khi tiếp cận những người có nhu cầu xin việc.

Đầu tháng 8/2015, thông qua những giáo viên từng được hai “cò” này chào mời chạy viên chức mầm non, chúng tôi thiết lập cuộc hẹn tại một quán nước, đối diện chùa Non Nước (Sóc Sơn, Hà Nội).

'Cò' viên chức giáo dục lộng hành

Không chạy, giỏi đến mấy cũng trượt. Nếu chạy thì dốt mấy cũng đỗ. Năm ngoái anh giúp một cô bé tên Th., dốt lắm. Nhưng anh vẫn lo cho nó đỗ.

Thấy có khách, “cò” Hiền và Vui thuê một chiếc taxi từ trung tâm huyện Đông Anh lên Sóc Sơn, Hà Nội ngay. Vừa xuất hiện, “cò” Hiền đã trách móc cô giáo Y. (tên đã được thay đổi): “Em dại quá, năm 2014, chị rủ chạy thì không chịu, năm nay giá cao lắm đấy!”.

Cô Y. hỏi: “Giá cao là bao nhiêu? Tại sao?”. “Cò” Hiền đáp: “Giá cao vì huyện Sóc Sơn chỉ được phân khoảng 50 chỉ tiêu biên chế thôi. Hơn nữa, vừa rồi huyện cắt hợp đồng một loạt, các cô chưa biên chế phát hoảng nên thi nhau chạy. Nếu em làm, chị nói luôn là 200 triệu, chị giảm cho riêng em 10 triệu. Người khác phải 200 triệu trở lên thì chị mới làm”.

“Cò” Vui chen vào: “Thật sự là năm nay bọn chị sẽ chỉ nhận bằng một phần năm của năm ngoái thôi. Nhưng đã nhận là chắc chắn đỗ. Chị vừa nhận một cô giáo ở Đông Anh, làm hợp đồng ở trường 12 năm không vào nổi biên chế.

“Cò” Vui và “cò” Hiền (phải) đều là cựu giáo viên. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM.

Năm nay, nó phải chấp nhận nhờ chị chạy. Năm ngoái, bọn chị làm ở Đông Anh, tỷ lệ thành công nhiều hơn Sóc Sơn. Ngoài ra, bọn chị còn nhận làm ở Tây Hồ, Thanh Xuân, Thanh Trì, Mê Linh…

Hay là em sang Mê Linh đi, H.Mê Linh năm nay lấy nhiều gấp đôi Sóc Sơn đấy. Em thích quận nào cũng được. Chị chạy từ trên Sở xuống nên chỗ nào cũng làm được…

Bọn em cứ xác định là phải chạy mới vào được biên chế. Bỏ ra 200 triệu để chạy thì chấp nhận làm không công mấy năm, nhưng đổi lại là có chế độ lương bổng cả cuộc đời. Nói ngắn gọn là không đặt cọc gì hết, chồng đủ 200 triệu luôn, viết giấy tờ vay nợ đàng hoàng luôn nhé!

Năm nay phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ thất bại năm ngoái các em ạ. Thông thường thì mỗi suất chia làm ba phần, rải ba nơi khác nhau. Nhưng tại bọn chị nghĩ đơn giản là biết đề, có đáp án, nên bỏ qua một bước ở Sở. Hậu quả là ở Sóc Sơn năm ngoái bị trượt quá nhiều, năm nay không dám bỏ qua bước ở Sở nữa” (?).

Cô Y. hỏi: “Chị gặp sếp nào đấy?”. “Cò” Hiền đáp: “Không nói được, người ta đã tránh tiếng rồi thì mình phải giữ cho người ta chứ. Nếu ai cũng gặp được thì người ta làm luôn chứ nhờ qua bọn chị làm gì”.

Tại cuộc gặp, “cò” Hiền và “cò” Vui nhận sẽ chạy hai suất mầm non, mỗi suất 200 triệu đồng. Trong đó, suất của cô giáo Y. được giảm giá 10 triệu đồng. Hẹn bốn ngày sau giao tiền để các “cò” xếp chỗ.

Ngoài ra, bà Hiền tiết lộ một chuyện động trời: “Năm 2014, một giáo viên mầm non của H.Đông Anh, nhờ chị chạy với giá 150 triệu. Chị chạy “cửa dưới” cho nó đã đỗ rồi, kết quả báo điểm trên trang web của huyện là đã đỗ. Nó sướng lắm, ăn mừng rồi mà đột nhiên lại được tin sét đánh là bị một giáo viên khác xin chấm phúc khảo, đỗ “chèn” lên nó.

Chị hỏi thì các ông ấy nói thông cảm, suất “cửa trên” ấn xuống, khó khước từ lắm. Bọn chị phải gặp riêng con bé đó, trả lại tiền và nói nó đợi thêm một năm nữa. Con bé đó không chịu, cứ làm um lên, hết đòi phúc khảo bài thi, rồi lại đòi kiện cáo linh tinh cả lên.

Hình như nó còn ghi âm, mặc cả gì đó, nên nó có cớ làm toáng lên, bọn chị khuyên không được. Cuối cùng, chị hỏi ra mới biết, không phải từ “cửa trên” ấn xuống gì cả, mà do một tay đại gia buôn gỗ khét tiếng ở Đông Anh bỏ một khoản tiền lớn để cho con ông ấy đỗ.

Khổ lắm, khuyên mãi nó không chịu nghe, cứ gào lên, bây giờ bị ra khỏi ngành, phải đi phục vụ quán ăn rồi các em nhé! Bọn chị có đường dây chặt chẽ lắm rồi. Làm sao mà nó thắng kiện được. Có mà con kiến đi kiện củ khoai! Chị nói thế để các em thấy, giỏi giang mà chi tiền không đẹp thì cũng chẳng ăn thua”.

'Cò' về buôn dụ trẻ em bỏ học đi làm

Năm 2014, hơn 20 đối tượng là người dân tộc ít người của huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, được một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê về các buôn tuyển lao động trẻ em.

http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/co-vien-chuc-giao-duc-long-hanh-loi-ke-cua-mot-cuu-giao-vien-lam-co-59798/

Theo Phụ Nữ TP HCM

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm