"Vấn đề thực sự ở đây là sự kiêu ngạo và lòng tham", Peter Girguis, giáo sư Đại học Harvard và nhà hải dương học, nói với CNN về thảm họa nổ tàu ngầm Titan trong khi theo dõi phiên điều trần đang diễn ra.
"Thật bi thảm và trớ trêu khi thảm họa về sự kiêu ngạo này lại xảy ra cách một ví dụ về sự kiêu ngạo khác chỉ vài trăm mét, đó là Titanic", Girguis nói thêm, ám chỉ tai nạn hàng hải kinh hoàng trong quá khứ liên quan đến con tàu chở khách lớn nhất thế giới Titanic - thứ được coi là "không thể chìm" - khi nó đâm phải tảng băng trôi vào năm 1912.
Tất cả đều là ảo tưởng
Titan là dự án tàu ngầm hướng tới thám hiểm xác con tàu Titanic. Nhưng nó đã nổ tung vào sáng 18/6/2023, chỉ sau 90 phút lặn xuống, khiến cả 5 nhà thám hiểm trên đó tử vong.
Các nhà chức trách kết luận con tàu đã bị "nổ tung thảm khốc", một vụ sụp đổ đột ngột bên trong do áp lực cực lớn. Gần các mảnh vỡ trên đáy biển, "những phần còn lại được cho là của con người" đã được tìm thấy.
Theo các chuyên gia trong ngành, cho đến sáng hôm đó, chưa từng có tàu ngầm có người lái nào bị nổ tung ở vùng biển sâu.
Trong phiên điều trần kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 16/9, những người từng làm việc với công ty thám hiểm OceanGate và những người khác đã phân tích thông điệp cuối cùng được Titan gửi về tàu mẹ.
Họ gọi văn hóa công ty "thật giả tạo" - chỉ tập trung vào lợi nhuận hơn là khoa học. Nhân chứng cho biết Titan đã có sự cố trục trặc chỉ vài ngày trước khi phát nổ và những cảnh báo khủng khiếp liên tục bị bỏ qua trước khi thảm họa xảy ra.
Hình ảnh xác tàu ngầm Titan được công bố trong phiên điều trần. Ảnh: OceanGate. |
Một nhân chứng quan trọng trong tuần đầu tiên của phiên điều trần là David Lochridge, cựu giám đốc điều hành hàng hải của OceanGate, người đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự an toàn của tàu ngầm Titan. Ông nói rằng văn hóa công ty của OceanGate tập trung vào việc "kiếm tiền" và "cung cấp rất ít kiến thức khoa học".
Lochridge đã mô tả một báo cáo năm 2018, trong đó ông bày tỏ mối lo ngại về an toàn đối với hoạt động của OceanGate và nói rằng "Tôi không đời nào ký vào báo cáo này". Ông đã làm chứng rằng mình "hoàn toàn không tin tưởng" vào việc chế tạo tàu ngầm.
"Tất cả đều là ảo tưởng", ông nói về cách công ty này hoạt động.
Nhà sản xuất cửa sổ quan sát của Titan - một cửa sổ acrylic trên tàu ngầm - đã chế tạo và chứng nhận nó ở độ sâu 1.000 m. Nhưng OceanGate có ý định đưa tàu "xuống độ sâu tận 4.000 m với những hành khách không biết sự thật này", Lochridge cho biết.
Theo Lochridge, OceanGate và Stockton Rush - nhà sáng lập kiêm CEO, người cũng đã tử nạn trên tàu - đã bỏ qua mối quan ngại của nhà sản xuất và lời đề nghị xây dựng một cửa sổ quan sát được chứng nhận ở độ sâu hơn 3.962 m. Thay vào đó, Rush để OceanGate tự thiết kế cửa sổ quan sát tại chỗ và sản xuất bởi bên thứ 3.
Theo Lochridge, tầm nhìn của Rush là "đưa cho ai đó bộ điều khiển PlayStation và trong vòng một giờ họ sẽ trở thành người lái tàu".
Những lời cảnh báo bị phớt lờ
Lochridge đã bị sa thải vào năm 2018 sau khi ông cảnh báo về các vấn đề an toàn.
Biên bản ghi chép cuộc trao đổi của Lochridge với Stockton Rush và các nhân viên khác của OceanGate khi rời đi cho thấy sự căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo công ty. Biên bản được biên tập lại đã được công bố trong phiên điều trần của Cảnh sát biển.
Những vấn đề về sự an toàn của Titan đã được cảnh báo nhưng đều bị bỏ qua. Ảnh: LAPRESSE. |
OceanGate đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng đối với các hoạt động của mình trong những năm gần đây, trong bối cảnh có nhiều báo cáo về các vấn đề an toàn. Các cựu nhân viên cho biết công ty và một giám đốc điều hành cấp cao đã cắt xén và tránh sự giám sát khi vội vã bắt tay vào các nhiệm vụ với một tàu ngầm được thiết kế kém.
"Họ đã không chế tạo một phương tiện an toàn. Trời ơi, 3 năm trước thảm kịch, họ đã hỏi tôi và tôi đã nói với họ rằng 'Đừng đến gần nó'", Alfred McLaren, cựu thuyền trưởng Hải quân, thợ tàu ngầm và nhà thám hiểm biển sâu, nói với CNN.
McLaren, một người bạn của Nargeolet - một trong 5 người có mặt trên tàu Titan khi nó phát nổ - cho biết: "Tất nhiên, sẽ có những cuộc thử nghiệm và chứng nhận mà họ phải trải qua. Nhưng họ đã cắt xén tất cả quy trình này để tiết kiệm tiền, hoặc tôi đoán là để họ có thể xuống Titanic sớm nhất bằng cách chấp nhận mọi rủi ro".
Theo lời khai tại phiên điều trần, Rush, một kỹ sư hàng không vũ trụ, có ý định biến chuyến du ngoạn dưới biển sâu trở nên dễ tiếp cận hơn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu giàu có bằng cách sẵn sàng phá vỡ các quy tắc - thứ mà các chuyên gia mô tả là một tàu ngầm được vận hành mà không qua thử nghiệm nghiêm ngặt.
"Luôn có những nhà thám hiểm vượt qua giới hạn và đặt mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm. Máy bay thử nghiệm, tàu vũ trụ. Có những người sẵn sàng đặt mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm để vượt qua giới hạn và công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình khám phá. Đây (Rush) là một ví dụ về một người đã đặt mạng sống của họ vào vòng nguy hiểm cùng mạng sống của 4 người khác, và đó là sự liều lĩnh", Girguis nói.
"Vấn đề là chúng ta phải lưu tâm đến những người như Stockton Rush, người vô cớ đặt mạng sống của người khác vào vòng nguy hiểm", Girguis nhấn mạnh.
Đại diện của OceanGate từ chối bình luận về các câu hỏi liên quan đến lời khai của Rush. Trong một tuyên bố, công ty cho biết không còn hoạt động nữa, đồng thời gửi lời chia buồn đến người thân của các nạn nhân và lưu ý rằng họ đang hợp tác với Cảnh sát biển và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ trong cuộc điều tra.
"Không có lời nào có thể xoa dịu nỗi mất mát mà các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố tàn khốc này phải gánh chịu, nhưng chúng tôi hy vọng phiên điều trần này sẽ giúp làm sáng tỏ nguyên nhân của thảm kịch", công ty cho biết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.