Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời khai mâu thuẫn giữa vợ và em trai Nguyễn Thái Luyện

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Võ Thị Thanh Mai cho rằng cáo buộc rửa tiền là oan sai, còn Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện) khai rút tiền theo chỉ đạo của chị dâu.

Sáng 9/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Rút tiền theo chỉ đạo của chị dâu

Trả lời thẩm vấn của HĐXX về hành vi rửa tiền, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện) cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo tội danh trên là oan sai. Bị cáo Mai khai không chỉ đạo em chồng là Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) rút tiền như cáo trạng truy tố. Mai cho rằng thời điểm đó mọi người tự làm việc của mình, không ai chỉ đạo.

"Hôm 18/9/2019, bị cáo có mặt tại công ty nhưng không biết bị khởi tố. Trước đó, bị cáo nhờ Thắng đứng tên trên sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng nhưng bị cáo đang cầm cố sổ đó để vay ngân hàng 18 tỷ. Thời điểm đó, Thắng sợ liên quan khoản vay nên đã chuyển lại trả cho bị cáo", Mai trình bày.

xet xu Nguyen Thai Luyen anh 1

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, Huỳnh Thị Kim Thắng khai làm mọi việc theo sự chỉ đạo của Võ Thị Thanh Mai. Còn bị cáo Nguyễn Thái Lực khai rằng do không am hiểu pháp luật, tin tưởng vào anh trai là Nguyễn Thái Luyện nên bị cáo buộc phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Anh Luyện kêu bị cáo phụ anh việc trợ lý, bị cáo chỉ nhận chuyển thông tin pháp lý từ các công ty về cho anh Luyện chứ không làm việc gì khác", Lực nói.

Đối với hành vi rửa tiền, Nguyễn Thái Lực khai nhận lệnh từ Võ Thị Thanh Mai đi rút tiền giao lại cho Mai. "Chị Mai nói bị cáo ra ngân hàng rút xong đưa về cho chị, bị cáo làm theo và giao tiền cho chị Mai tại trụ sở Công ty Alibaba. Lúc đó chị có chị Mai và bị cáo, còn tiền để trong bao tải", Lực cho rằng chỉ làm theo lệnh của Mai, bị cáo không cất giấu, không biết số tiền phạm pháp, không tư lợi cá nhân...

Không xin lập dự án khi bán đất cho khách hàng

Trước đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện bác bỏ một số nội dung trong cáo trạng. Tuy nhiên, Luyện thừa nhận bản thân là người có quyền quyết định về chủ trương, nguồn đất, giá đất do có kinh nghiệm, từng làm nhiều công ty về bất động sản. Sau đó, Luyện chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện việc vẽ dự án, quảng cáo và bán hàng.

Nguyễn Thái Luyện khai lập 22 công ty và chỉ đạo các nhân viên đứng tên làm giám đốc hoặc đại diện pháp luật vì muốn cấp dưới phát triển được doanh nghiệp riêng. Do các nhân viên chưa đủ năng lực nên họ đứng tên các pháp nhân cho Luyện.

"Những người đứng tên 22 pháp nhân này không được hưởng lợi gì, họ chỉ được nhận lương cho công việc họ đang phụ trách ở Alibaba. Con dấu của các công ty này là do vợ bị cáo (Võ Thị Thanh Mai) quản lý. Mọi thu chi, bị cáo không trực tiếp quản lý mà giao cho vợ và người quản lý tài chính của công ty", Nguyễn Thái Luyện khai.

xet xu Nguyen Thai Luyen anh 2

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Duy Hiệu.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc có xin lập dự án ở địa phương khi làm các dự án để bán cho khách hàng, Luyện khẳng định không xin lập dự án của Nhà nước mà luật quy định người sử dụng đất có quyền làm cho thửa đất của mình tăng giá trị. Do đó, bị cáo mua đất, tách thửa để bán.

Các bị cáo khác khai đứng tên lãnh đạo các công ty con của Công ty Alibaba nhưng chỉ nhận mức lương như nhân viên bán hàng và khoản lợi nhuận theo doanh số. Nhiều bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì sau khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, họ đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật.

Theo cáo trạng, ngày 21/11/2018, Võ Thị Thanh Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thái Lực. Đây là số tiền khách hàng thanh toán mua nền đất tại Công ty Alibaba. Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút số tiền 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua 2 căn nhà ở Đồng Nai cùng đứng tên với Nguyễn Thái Lực. 13 tỷ đồng còn lại vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.

Ngày 18/9/2019, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt và khám xét trụ sở công ty và các chi nhánh Công ty Alibaba, Võ Thị Thanh Mai, Thắng và Lực biết rõ số tiền 13 tỷ đồng còn lại trong sổ tiết kiệm có nguồn gốc bất hợp pháp. Hôm sau (19/9/2019), Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi hơn 13,9 tỷ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên mở tại Ngân hàng ACB. Cùng ngày, Mai chuyển 13 tỷ đồng vào tài khoản của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra, giao lại cho Mai. Quá trình điều tra, Mai khai đã sử dụng hết số tiền đó vào việc cá nhân và trả nợ. Đến nay, cơ quan điều tra chưa thu hồi được.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận cáo buộc lừa đảo

Trả lời thẩm vấn, Nguyễn Thái Luyện khẳng định không lừa đảo. Bị cáo cho rằng nội dung cáo trạng có nhiều chỗ không đúng sự thật.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm