Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lối sống 'gấp đôi thu nhập, không con cái' đã đến Singapore

Ngày càng nhiều người Singapore chọn lối sống DINK (gấp đôi thu nhập, không con cái). Họ tập trung vào sự đồng hành, tài chính và đam mê cá nhân thay vì sinh con.

Nhiều cặp vợ chồng Singapore chọn không sinh con để tận hưởng sự tự do, theo đuổi sở thích cá nhân và tránh áp lực nuôi dạy con trong xã hội cạnh tranh. Ảnh minh họa: Mike Blake/Reuters.

Bất kể là lựa chọn cá nhân hay do hoàn cảnh, số phụ nữ lập gia đình nhưng không có con ở Singapore đang gia tăng đáng kể.

Theo số liệu do Cục Thống kê Singapore công bố ngày 18/2, năm 2024 có 15% phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi từng kết hôn không có con, gấp đôi mức 7,1% của năm 2004 và tăng mạnh so với 11,2% của năm 2014, The Straits Times đưa tin.

Xu hướng này phần nào phản ánh sự phổ biến ngày càng tăng của mô hình “double income, no kids” (DINK), tức các cặp vợ chồng có hai nguồn thu nhập nhưng không sinh con.

Tan (49 tuổi, Singapore) chia sẻ rằng ngay từ khi còn là thiếu niên, cô đã xác định không muốn có con.

“Sinh con là một trách nhiệm rất lớn và tôi không muốn chịu trách nhiệm về cuộc đời của một người khác", cô nói.

Cô cũng nhấn mạnh rằng bản thân coi trọng sự tự do, muốn được sống theo cách mình mong muốn, và việc có con sẽ hạn chế nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Chồng Tan cũng cùng quan điểm sống với cô. Cả hai thích đi du lịch, khám phá cuộc sống và cho rằng việc có con sẽ khiến họ khó linh hoạt trong các kế hoạch.

Thay vì dành thời gian chăm sóc con cái, Tan chọn tham gia các hoạt động tình nguyện và theo đuổi những sở thích cá nhân, trong đó có việc hỗ trợ phụ nữ phát triển bình đẳng. Ngoài ra, cô cũng không muốn chịu áp lực từ việc nuôi dạy con cái, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh như hiện nay.

Lo ngại trách nhiệm làm cha mẹ

Không chỉ phụ nữ, nhiều nam giới cũng bày tỏ sự e ngại khi nói về việc có con. Chin (41 tuổi, Singapore), tổng giám đốc doanh nghiệp, cho biết anh và vợ (độ tuổi 40) quyết định không sinh con vì không muốn đối mặt với những áp lực tâm lý.

“Điều chưa biết quá nhiều khiến tôi không thể đưa ra quyết định có con. Đứa trẻ sẽ lớn lên thế nào? Tôi có thể trở thành một người cha tốt không? Đó là gánh nặng quá lớn", anh nói. Thay vào đó, vợ chồng anh chọn nuôi 3 chú mèo, tận hưởng cuộc sống theo cách riêng.

DINK la gi,  loi song DINK,  ket hon DINK,  DINK singapore, anh 1

Tỷ lệ phụ nữ có gia đình nhưng không sinh con tại Singapore đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Ảnh minh họa: Aly Song/Reuters.

Sự gia tăng số lượng phụ nữ có gia đình nhưng không sinh con diễn ra trong bối cảnh chính phủ Singapore đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích sinh con, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình đông con. Trong bài phát biểu ngày 18/2, Thủ tướng Lawrence Wong thông báo rằng từ ngày 18/2, các gia đình có con thứ ba trở đi sẽ nhận thêm 16.000 SGD (khoảng 11.900 USD) hỗ trợ theo chương trình "Large Families.

Dù vậy, những người lựa chọn không có con cho biết họ không chịu áp lực từ gia đình hay xã hội.

"Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong thời đại mà sự tự hoàn thiện cá nhân quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây. Bản sắc cá nhân mạnh mẽ hơn, thay vì hy sinh vì một định nghĩa chung về lợi ích lớn hơn", Tan nói.

Tương lai thiếu hụt nguồn lực

“Việc ngày càng nhiều cặp vợ chồng chọn không có con đánh dấu một sự thay đổi lớn trong xã hội. Hôn nhân không còn gắn liền với trách nhiệm sinh con như trước đây", Giáo sư Jean Yeung (Singapore), Giám đốc Khoa học Xã hội tại Viện Phát triển và Tiềm năng Con người A*Star, nhận định.

Từ lâu, hôn nhân đã gắn liền với việc duy trì dòng dõi. Tuy nhiên, sự gia tăng của các cặp vợ chồng theo mô hình DINK đang khiến quan niệm này dần thay đổi.

Giáo sư Yeung cho rằng xu hướng này giúp các cặp vợ chồng tập trung vào sự đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau, và những mục tiêu cá nhân hoặc tài chính chung, thay vì việc sinh con.

DINK la gi,  loi song DINK,  ket hon DINK,  DINK singapore, anh 2

Tình trạng tỷ lệ sinh thấp kéo dài đặt ra bài toán nhân lực dài hạn. Ảnh minh họa: Tyrone Siu/Reuters.

2024 là năm Thìn, năm được coi là cát tường trong văn hóa Trung Hoa, song tỷ lệ sinh vẫn không có sự khởi sắc. Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Singapore trong năm 2024 vẫn ở mức 0,97, tương đương năm 2023 và thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

“Ảnh hưởng của năm Thìn đối với tỷ lệ sinh đang giảm dần theo thời gian, phản ánh sự thay đổi thế hệ trong quan điểm và ưu tiên của các cặp vợ chồng trẻ", Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng chính phủ Singapore Indranee Rajah cho biết trong phiên họp Quốc hội ngày 28/2.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng với ngày càng nhiều cặp vợ chồng không có con, tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm và cấu trúc gia đình tại Singapore sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai.

Tiến sĩ Kalpana Vignehsa (Singapore), chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), cho rằng sự sụt giảm tỷ lệ sinh sẽ khiến Singapore phải tìm kiếm các giải pháp để bù đắp lực lượng lao động trong tương lai. Chẳng hạn như phải chấp nhận mức nhập cư cao hơn hoặc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm thiểu tác động của lực lượng lao động thu hẹp.

Đua nhau diện trang phục quan họ Bắc Ninh như Hòa Minzy

Sau sự phủ sóng của MV "Bắc Bling", trang phục quan họ của Hòa Minzy cũng được các tín đồ thời trang, làm đẹp nhiệt tình hưởng ứng, tạo ra trào lưu mới.

Các CLB sách 'hưởng lợi' từ các cô gái Gen Z

Trong bối cảnh xã hội ngày càng cô đơn, nhiều phụ nữ thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012) đang tìm đến các câu lạc bộ sách để kết nối và xây dựng mối quan hệ. Theo Business Insider, số lượng phụ nữ trẻ tự lập hoặc tham gia các câu lạc bộ sách đã tăng mạnh, với sự phổ biến của các nền tảng và xu hướng chia sẻ về sách trên mạng xã hội.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm