Nhiều phụ huynh cho rằng con cái họ đã mang họa khi “thử nghiệm” một chương trình không phù hợp khiến kết quả học tập ngày càng sa sút.
Trước đó không lâu, phụ huynh của trường THCS Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên cùng cha mẹ một số trường học ở TP Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tạo áp lực yêu cầu các trường phải ngưng chương trình này.
Tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An), lãnh đạo sở GD&ĐT cũng đã phải gặp gỡ hàng chục phụ huynh phản đối việc cho con em tiếp tục theo mô hình VNEN…
Vì sao phụ huynh tại nhiều địa phương không tin tưởng, ủng hộ VNEN và yêu cầu dừng triển khai mô hình này?
Lớp học VNEN tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh). Ảnh: Dự án VNEN .
|
Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hợp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy học sinh trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Dù mô hình này có một số tích cực, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, như tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng được tăng cường…, nhưng cũng không tạo được niềm tin cho phụ huynh bởi việc áp dụng mô hình trường học mới này tại Việt Nam chưa thực sự phù hợp.
Nhiều phụ huynh cho rằng cách học theo hình thức chia nhóm, học sinh tự học, tự thảo luận đối với bậc tiểu học là không cần thiết khi các em còn quá nhỏ. Nhiều em học lực khá giỏi có thể mạnh dạn trao đổi, thảo luận, còn những học sinh học lực trung bình, kém thì ngày càng hổng kiến thức và thiếu tự tin.
Thực tế, sau khi hết bậc tiểu học, nhiều học sinh theo chương trình này đã không thể theo kịp những học sinh học theo chương trình truyền thống khi lên bậc THCS.
Dự án VNEN kết thúc từ ngày 31/5 và bắt đầu ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường. Sau khi “kết thúc”, một lối đi cho chương trình này đã hoàn toàn bỏ ngỏ.
Bộ GD&ĐT chỉ phát đi một văn bản rút kinh nghiệm sâu sắc khi áp dụng mô hình vì một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc; việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Bộ này cũng chỉ khuyến khích các địa phương tiếp thu những ưu điểm của chương trình và triển khai chương trình theo tinh thần tự nguyện. Không có một hướng đi nào rõ ràng cho một mô hình mà sau hơn 3 năm triển khai (từ năm học 2012-2013), cả nước có đến 54 tỉnh, thành thực hiện mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS!
Tại sao khi triển khai mô hình, bộ không thấy được những bất cập khi áp dụng và tương lai của nó khi kết thúc?
Khi nguồn hỗ trợ đã hết, hàng chục ngàn học sinh theo học mô hình này hụt hẫng, phụ huynh bức xúc và đau đáu cho tương lai của con em mình. Hiện một số địa phương chủ động ngưng chương trình này như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Hà Giang... và sẽ còn nhiều địa phương khác sẽ phải ngưng chương trình để quay về cách dạy học truyền thống.
Như vậy, việc “thí điểm” một chương trình trên quy mô lớn đã thất bại. Bộ GD&ĐT tại thời điểm này không chỉ là “rút kinh nghiệm sâu sắc” mà phải có giải pháp thể hiện trách nhiệm đối với tương lai hàng chục ngàn học sinh của VNEN.