Ngã rẽ sai lầm
Nguyễn Văn Vân (sinh năm 1974) ở làng Đanh, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Gia đình làm nông, lại đông con, hoàn cảnh khó khăn, vất vả nên bố mẹ hắn bỏ quê lên mưu sinh ở cửa khẩu Tân Thanh, với hy vọng đổi đời. Tại đây, Vân đã tự chọn cho mình nghề bốc vác tự do, suốt ngày bám khu vực cửa khẩu để mưu sinh.
Nguyễn Văn Vân tại trại giam.. |
Công việc tuy mệt nhọc nhưng bù lại, gia đình hắn đã thoát khỏi cảnh ăn bữa trưa, lo bữa tối. Cuộc sống càng ngọt ngào hơn khi trong những ngày chạy lăng xăng, hắn đã được một người con gái có cửa hàng kinh doanh to nhất, nhì Văn Lãng đem lòng yêu mến.
Rồi hai người nên vợ, thành chồng. Một đám cưới long trọng đã được tổ chức, hai đứa con ra đời sau đó không lâu là tất cả những gì hắn mơ ước.
Không bằng lòng với những gì mình có, Vân luôn ôm ấp mộng làm giàu, dù đã có vợ đẹp con khôn, thu nhập ổn định. Hơn nữa, công việc buôn bán trên đất cửa khẩu nổi tiếng phức tạp này đã đưa Vân đến với những mối quan hệ mới.
Trong những mối quan hệ đó, Vân đặc biệt ngưỡng mộ về mức độ giàu có và chịu chơi của một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc. Sau nhiều lần hàn huyên, tâm sự, Vân đã chiếm trọn cảm tình của ông ta. Đến lúc đó, ông ta mới rủ rê lôi kéo Vân vào con đường buôn bán ma túy.
Lóa mắt trước đồng tiền, Vân đã nhận lời mời tham gia làm chân rết cho một đường dây vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Việt do bà trùm Nguyễn Thị Thơm cầm đầu. Cuộc sống của hắn cũng bắt đầu thay đổi từ đận đó.
Là "thổ địa" của vùng đất biên giới, Vân không quá khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vân đã tạo được lòng tin và khẳng định được vị trí trong đường dây. Nhưng, hắn cũng đầu ngờ rằng, cùng thời điểm đó, đường dây này đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an.
Đó là vào khoảng tháng 3/2004, Công an Hà Nội phối hợp với Công an các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, C17 Bộ Công an đã xác lập chuyên án nhằm triệt phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Lương Dân (Bắc Giang) cầm đầu.
Theo nhận định của cơ quan điều tra, đây là một đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ vùng biên giới Lào - Việt - Trung có quy mô lớn, hoạt động tội phạm có tổ chức.
Đường dây liên quan đến nhiều nghi can cư trú ở các tỉnh phía Bắc và một số người Việt làm ăn, sinh sống ở Bằng Tường, Trung Quốc. Điều đặc biệt nghiêm trọng là các nghi can trong đường dây còn sử dụng những công cụ của cơ quan chức năng như đèn quay ưu tiên, dùi cui điện, mũ cảnh sát... để phục vụ hoạt động vận chuyển ma túy. Khi bị phát hiện, truy đuổi, bọn chúng sẽ sử dụng các công cụ trên nhằm đào thoát nhanh chóng, gây hiểu lầm cho nhân dân.
Ngoài ra, bọn chúng còn sử dụng vũ khí nóng và các loại vũ khí thô sơ khác để áp tải hàng hoặc chống trả cơ quan chức năng nếu bị phát hiện; thường xuyên sử dụng 2-3 ôtô áp tải heroin và dùng bộ đàm liên lạc suốt quá trình vận chuyển để tránh các chốt, trạm tuần tra kiểm soát.
Sau thời gian theo dõi, ngày 23/6/2006, cơ quan điều tra đã bắt giữ Nguyễn Thị Thơm. Sau đó, đám đàn em, những mắt xích quan trọng trong đường dây của Thơm cũng lần lượt bị tóm gọn.
Tại cơ quan điều tra, bọn chúng khai đã mua bán hàng nghìn bánh heroin, mỗi chuyến “hàng” chúng vận chuyển từ 5 đến 30 bánh heroin, có thời điểm vận chuyển cả 7 ngày trong tuần, có ngày 2 chuyến.
Ngoài việc chủ yếu xuất hàng sang Trung Quốc, các nghi can này còn hình thành một đường dây mua bán heroin, ma túy tổng hợp hai chiều Hà Nội - Đồng Nai - Bình Dương - TP. HCM. Trung bình, mỗi chuyến hàng chúng vận chuyển từ 5-30 bánh heroin, có thời điểm vận chuyển cả 7 ngày trong tuần, có ngày 2 chuyến.
Kết thúc quá trình điều tra, cảnh sát đã xác định, đường dây ma túy do Thơm cầm đầu có hơn 100 người tham gia, chúng đã buôn bán, vận chuyển 1.479 bánh và 12,39 cây heroin từ năm 2002 đến tháng 3/2004.
Khi đường dây này bị triệt phá, đã có 22 người bị truy tố và xét xử vào năm 2007. Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, có 11 án tử hình, 8 tù chung thân, 2 người bị 20 năm tù và 15 tháng tù. Với việc vận chuyển và buôn bán 52 bánh heroin, Nguyễn Văn Vân phải nhận bản án tử hình.
Cuộc sống "hồi sinh"
Nguyễn Văn Vân nhớ lại, ngày hắn bị bắt, cả đại gia đình hắn vô cùng ngỡ ngàng. Vợ và mẹ hắn cứ cam đoan với cơ quan chức năng là do nhầm lẫn, nhưng rồi nhìn thấy hắn lẳng lặng, lầm lũi bước đi, họ đã hiểu ra được vấn đề. Quá đau xót, mẹ và vợ hắn ốm liệt giường.
Trại giam là nơi để những kẻ lầm lỗi như Vân bắt đầu làm lại cuộc đời. |
Dẫu biết chắc với tội trạng vận chuyển 52 bánh (tương đương 8 cây heroin), cái chết đã kề đến cổ, nhưng trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, khi bị HĐXX tuyên phạt tử hình, Vân vẫn không tránh khỏi cảm xúc hoang mang tột độ, miệng cứng lại không thốt ra được lời nào và ngất xỉu tại tòa.
Vân kể, trong những ngày đầu ở biệt giam, đêm nào hắn cũng khóc, tâm trạng gần như hoảng loạn. Thỉnh thoảng hắn lại như bị lên cơn động kinh, hú hét, nói cười lảm nhảm. Bởi, cũng giống như muôn vàn tử tù khác, Vân không biết ngày nào là “ngày tận thế” của mình. Chờ đợi làm thần kinh hắn căng thẳng. Mỗi khi màn đêm buông xuống, mắt hắn thường mở trừng trừng nhìn miết vào bóng tối. Mỗi âm thanh dù nhỏ, mỗi tiếng giầy khua nhẹ cũng đủ để hắn giật mình thon thót, mồ hôi vã ra như tắm. Hắn sợ bị đưa lên “đoạn đầu đài”…
Trong những ngày đó, nhiều lần Vân đã nghĩ đến việc quyên sinh để giải thoát cho mình, nhưng sau nhờ sự động viên của các cán bộ trại giam, hắn dần bình tâm lại. Trong lúc chờ thi hành án, Vân đã mạnh bạo viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước. Lá đơn với những nét chữ run run được gửi đi. Quãng ngày chờ đợi hồi âm là những ngày căng thẳng nhất đối với Vân, ngay cả trong thâm tâm hắn cũng biết, hy vọng sống là rất đỗi mong manh.
Và, như một điều kỳ diệu đã xảy ra, đơn của hắn đã được chấp nhận. Hắn như được tái sinh lần hai. Sau khi nhận được thông báo của cán bộ trại giam, Vân đã đứng lặng cả tiếng đồng hồ. Hắn không thể tin rằng mình được sống. Sau khi được ân giảm xuống án chung thân, Vân được đưa về cải tạo tại Trại giam số 6 - Bộ Công an.
Vân bảo, tuy là một mắt xích, một "trạm trung chuyển" khá tin cậy trong đường dây do Thơm và Dân cầm đầu nhưng chưa một lần hắn được gặp mặt các đại ca của mình. Có chăng chỉ là sự chỉ đạo qua điện thoại hoặc nghe theo lệnh của trung gian. Phải mãi đến khi đường dây bị triệt phá và đưa ra xét xử, hắn mới có dịp giáp mặt với các "đàn anh, đàn chị".
Nhắc đến đồng bọn và án dựa cột, bất giác nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ của Nguyễn Văn Vân tắt ngấm, dường như hắn vẫn còn chưa tin mình đã được sống hoàn toàn.
Vân bảo, thực ra từ khi bập vào ma túy, chuyến đầu tiên vận chuyển qua biên giới trót lọt hắn đã rất sợ. Nhưng "đâm lao rồi nên phải theo lao" không thể quay đầu lại, một phần vì hám tiền, thứ nữa là sự đe dọa từ những gã giang hồ máu mặt trong đường dây mà hắn tham gia.
Những ngày đầu mới bị bắt, sống với tâm trạng chờ chết, điều hắn khổ tâm nhất thời điểm đó là, ngay sau khi phát hiện ra chồng buôn ma túy, vợ hắn đã để hai đứa con cho bà nội nuôi, bỏ đi biệt xứ.
Gợi đến chuyện gia đình, Vân bỗng rơi nước mắt. Hắn bảo thương mẹ già và các con lắm, ngày tòa xử, để có tiền nộp phạt, mẹ hắn phải lọ mọ về quê để bán đất. Mẹ đã già rồi, như ngọn đèn trước gió, không biết rồi mai này các con của hắn sẽ ra sao khi bà nội già yếu.
Nghĩ về các con nhưng không thấy Vân đả động gì đến vợ. Vân bảo, giá như hắn biết bằng lòng với những gì mình có thì đâu đến nỗi tự tay đóng sập cánh cửa cuộc đời từ khi còn rất trẻ. Không chỉ vậy, hắn còn để lại nỗi đau hóa đá của những người thân.
Giờ đây, dù đã được giảm xuống án chung thân nhưng Vân vẫn phải chôn vùi quãng đời phía trước sau song sắt, đó cũng là cái giá mà hắn phải trả cho tội lỗi của mình.
Đoán biết trước được tương lai khốn khó đang chờ đợi cả đại gia đình, Vân khóc, bảo: "Nhờ sự khoan hồng của pháp luật mà tôi được sống, không phải canh cánh nỗi lo lên "đoạn đầu đài".
Giờ tôi chỉ mong hai đứa con mình sẽ vượt qua những khó khăn vất vả, những dị nghị đời thường, phấn đấu học cho tốt. Bởi, chỉ có học hành đến nơi đến chốn mới giúp chúng trưởng thành và cứng cáp lên được. Đồng thời, tôi cũng mong con mình không đi theo “vết xe đổ” của bố, không bị cuốn vào vòng quay nghiệt ngã của ma túy".