“Cô đã trao điều tuyệt vời nhất của mình cho người đàn ông khác”, Mou Linhan nhắn cho Bao Li, ám chỉ trinh tiết của cô gái. “Cô chẳng còn gì cho tôi”.
Bao Li nhắn lại: “Thứ quý giá nhất của em chính là tương lai và em đã trao nó cho anh rồi”.
“Cô thật không biết xấu hổ”, gã đàn ông đả kích và gọi cô là “đồ ngốc kinh tởm”. Thậm chí, gã nhắn lại đầy lạnh lùng: “Tôi muốn cô có thai với tôi rồi sau đó bỏ nó đi”.
Ngày 9/10/2019, Bao Li cố tự tử. Vụ tự tử bất thành, nhưng cô đã chết não. Tin nhắn cuối cùng cô gửi tới người bạn trai là: “Anh thật cao quý, em chỉ như đồ rác rưởi”.
Câu chuyện của Bao Li khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng. Ảnh chụp những đoạn tin nhắn qua lại của họ thu hút gần 1,4 tỷ lượt xem trên Weibo chỉ sau 2 ngày trước khi nó bị xóa đi.
Nhiều người không thể hiểu vì sao Bao Li - cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) danh tiếng - lại có thể là nạn nhân trong mối quan hệ độc hại như vậy. Họ cũng không hề biết đến “chiến thuật” mà những người đàn ông như Mou Linhan sử dụng để theo đuổi phụ nữ. Đó là PUAs - “pickup artists” (tạm dịch: chuyên gia tán tỉnh).
Bùng phát lớp dạy thao túng tâm lý phụ nữ vì quan điểm lệch lạc
Tại Trung Quốc, PUAs còn có ý chỉ những người kẻ sử dụng các chiến thuật thao túng, kiểm soát tâm lý để khiến ai đó nghi ngờ sự tỉnh táo của bản thân. Bạn bè của Bao Li tin rằng Mou Linhan đã sử dụng chiêu trò này trong mối quan hệ với nữ sinh xấu số.
“Nhiều chi tiết về mối quan hệ của họ khiến chúng tôi nghĩ ngay đến PUAs. Sau một thời gian dài bị lạm dụng tinh thần như chửi bới, sỉ nhục, nhiếc móc, cô ấy luôn sợ sãi và đầy đau đớn, mất khả năng phản kháng”, bạn bè của Bao Li viết trong bài đăng trên mạng xã hội. Kèm theo đó, họ thêm một số tin nhắn giữa cặp đôi để chứng minh cho điều này.
PUAs là khái niệm có nguồn gốc từ Mỹ. Nó bắt nguồn từ cuốn sách Trò chơi: Xâm nhập tổ chức bí mật của những chuyên gia tán gái của Neil Strauss. Cuốn sách vốn được coi là “kim chỉ nam” của cộng đồng tán tỉnh chuyên nghiệp.
Trong vòng hơn một thập kỷ, nhiều hình thức kinh doanh dựa trên PUAs đã ra đời và thu lời béo bở. Websie lớn nhất là Paoxuewang. Nó có gần 2 triệu thành viên trước khi bị đóng cửa vào năm 2018. Theo báo cáo của Trung Quốc, đỉnh điểm là cuối năm 2017, Langji, công ty PUAs nổi tiếng, thuê 400 nhân sự để phục vụ gần 100.000 sinh viên tham gia mạng lưới này.
Nhiều đàn ông tại Trung Quốc lợi dụng PUAs để thao túng tâm lý, bạo hành phụ nữ. Ảnh: Freepik. |
Theo thống kê từ WeChat, lượng đề cập đến cụm từ “PUAs” tăng gần 1.700% chỉ sau một đêm khi bài báo Bao Li cố tự tử lan truyền trên mạng Internet.
Trả lời các hãng tin Trung Quốc, Mou Linhan phủ nhận cáo buộc của nhiều người về việc sử dụng PUAs với bạn gái. Mou cho hay mình không hề thao túng tâm lý bạn gái và cũng chưa từng nghe về kiểm soát tâm lý.
Một số khóa học dạy PUAs hướng dẫn nam giới cách ăn mặc đẹp, ứng xử lịch thiệp với phụ nữ, chu đáo trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, nhiều biến tướng của nó ra đời, dạy đàn ông cách thao túng phụ nữ vì mục đích duy nhất: nhu cầu tình dục. Họ gạt bỏ những quan niệm tình yêu lãng mạn. Thay vào đó, các khóa học đề cao tư tưởng bản lĩnh đàn ông thể hiện ở “chiến tích” chinh phục, đưa càng nhiều phụ nữ lên giường càng tốt.
Khóa học như trên kết cấu thành từng chương, bao gồm: Cách triệt tiêu lòng tự trọng của phụ nữ; đặt bẫy thao túng cảm xúc để ngăn đối phương bỏ người đàn ông; gây áp lực để bạn gái thay đổi tính cách và thỏa hiệp, luôn vâng lời; khuyến khích họ tìm đến cái chết; lợi dụng tài chính, bòn rút tiền bạc của họ để mua nhà, xe cộ. “Sau đó, bạn sẽ thống trị thế giới” - hướng dẫn khóa học viết một cách phô trương.
Theo chuyên gia Fang Kecheng, Đại học Hong Kong, Trung Quốc, căn nguyên của mục đích thao túng tâm lý, muốn điều khiển cảm xúc, con người của nam giới đến từ sự bất bình đẳng tại Trung Quốc.
Nhiều chương trình PUAs lợi dụng sự bất bình đẳng đó và công khai dạy những kỹ thuật, truyền bá tư tưởng sai lầm. Điển hình như khóa học của Langji. Giáo viên có tên Wang Huanyu đưa viễn cảnh đàn ông lên giường với 3 phụ nữ một ngày.
“Đó là cuộc sống của một PUAs chuyên nghiệp”, Wang khẳng định với học viên. Gã cũng quả quyết rằng đừng nên hỏi phụ nữ có được nắm tay, hôn môi không mà hãy thẳng thắn làm những hành động đó luôn. Nếu một phụ nữ không sẵn sàng cho chuyện ấy, Wang đưa giải pháp là quấy rối dai dẳng.
Sau thời gian bị nam giới bạo hành, thao túng tâm lý, nhiều phụ nữ rơi vào ngõ cụt, bi quan. Ảnh: The New York Times. |
Các nạn nhân kêu cứu
Từ năm 2017, giới chức Trung Quốc bắt đầu truy quét các công ty PUAs. Wang và công ty của gã trở thành mục tiêu. Năm 2018, gã phải ngồi tù 37 ngày vì tội danh phát tán văn hóa phẩm đồi trụy. Sau khi bị cộng đồng chỉ trích, công ty của Wang đã xoá tất cả nội dung trên website chính thức và đăng bức thư xin lỗi, nói rằng họ đã làm “nhiều việc tồi tệ”.
Năm 2018, 4 sinh viên kiện Langji vì giảng dạy nội dung phi đạo đức, bao gồm cổ xúy, thao túng để phụ nữ làm “chuyện ấy”. Tòa án ở Thành Đô, nơi Langji đặt trụ sở, đã yêu cầu công ty hoàn trả số tiền 1.000-4.250 USD cho những học viên này.
Tháng 5/2019, cảnh sát tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, thông báo bắt giữ người đàn ông điều hành chương trình dạy nam giới khuyến khích phụ nữ tự tử, lạm dụng tình cảm và coi họ như thú cưng, con mồi. Người đàn ông bị giam giữ trong 5 ngày, xử phạt hơn 7.000 USD. Các website, nhóm chat quảng bá khóa học đã bị xóa.
Các chương trình như trên cho thấy sự mất cân bằng trong quyền cơ bản của hai giới tại Trung Quốc. Phụ nữ được giáo dục tốt hơn nhưng họ vẫn có ít cơ hội và chịu nhiều đánh giá không mấy tích cực từ nam giới.
Các nạn nhân nữ trong các mối quan hệ độc hại phải sống với cảm giác ám ảnh lâu dài, khó tin tưởng vào chuyện tình cảm. Ảnh: The New York Times. |
Theo lời kể của Amy, một phụ nữ đến từ Tứ Xuyên, ban đầu bạn trai cũ rất ngọt ngào. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, anh ta bắt đầu chỉ trích, đay nghiến cô vì những điều nhỏ nhất. Trong 3 tháng yêu nhau, gã liên tục nói rằng cô cần phải kết hôn và có con càng sớm càng tốt vì Amy đã ngoài 30 tuổi.
“Hắn ta gọi tôi là chó husky. Hắn còn bắt tôi phải gọi là chủ nhân”, người phụ nữ này cho hay. Đến thời điểm trả lời phỏng vấn, cô vẫn lo lắng gã trừng phạt.
Một phụ nữ khác là Kate Zhang cho biết cô và bạn trai cũ từng học cấp 3 tại Thượng Hải. Rắc rối bắt đầu khi họ du học ở 2 quốc gia khác nhau là Mỹ và Anh. Từ khi lên đại học, bạn trai bắt đầu độc đoán, yêu cầu Zhang giảm cân. Khi Zhang quá áp lực và nói muốn tự sát, bạn trai không ngăn cản mà còn cổ vũ, yêu cầu cô nên làm điều đó.
Cả Zhang và Amy đều phải trị liệu tâm lý sau khi quen bạn trai độc hại. Họ mất niềm tin vào đàn ông và khó tiến tới được các mối quan hệ tiếp theo. “Mỗi khi nhớ về chuyện tình cảm trong quá khứ, tôi không khỏi rùng mình”, Zhang chia sẻ.