Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lớp tiếng Anh của thầy giáo mù

Trong 4 học viên, có 3 nữ sinh viên đại học Quốc tế, một doanh nhân tuổi đã ngoài 45. Thầy giáo ngồi riêng ở góc phòng, tay lướt trên bàn phím máy tính, đầu nghiêng qua nghiêng lại lắng nghe "học trò" nói tiếng Anh.

Lớp tiếng Anh của thầy giáo mù

Trong 4 học viên, có 3 nữ sinh viên đại học Quốc tế, một doanh nhân tuổi đã ngoài 45. Thầy giáo ngồi riêng ở góc phòng, tay lướt trên bàn phím máy tính, đầu nghiêng qua nghiêng lại lắng nghe "học trò" nói tiếng Anh.

Lớp học đặc biệt của thầy giáo mù Nguyễn Phước Thiện ở số 224- lô B chung cư Nguyễn Thiện Thuật- TP.HCM. Hai nữ sinh viên Anh Thư và Phương trao đổi liến thoắng bằng tiếng Anh về mọi chủ đề trong cuộc sống, đặc biệt xoáy vào việc tại sao Phương đến muộn 10 phút. Hóa ra cô sinh viên này muốn đến lớp học phải chạy xe gắn máy từ Củ Chi đến đây, khoảng hơn 30km.

Phương trả lời khá lưu loát, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh vì trong lớp học không khuyến khích dùng tiếng Việt. Thi thoảng, thầy giáo yêu cầu dừng lại vài chỗ để chỉnh phát âm lại chính xác hơn, đồng thời gõ trên bàn phím để hiển thị lên màn hình.

Lớp học không giáo án, không rườm rà, học trò được động viên chủ động nói bằng tiếng Anh. Phát âm sai chỗ nào, sửa ngay chỗ ấy. Lối diễn đạt còn yếu sẽ được thầy góp ý, bổ sung ngay. "Đến với lớp học này, chúng em được bồi dưỡng rất nhiều về cách phát âm chuẩn, giao tiếp bằng tiếng Anh. Trước kia, mọi người ngại nói lắm. Điển hình là Phương rất rụt rè. Bây giờ bạn ấy giao tiếp tiếng Anh như sáo, chỉ sau vài tháng..."-nữ sinh viên Anh Thư nói về bạn học của mình.

 Thứ thấy nhiều nhất trong phòng chính là máy ghi âm, cassette.

Anh Thư cũng chia sẻ: "Trước kia, lối diễn đạt của em rất hạn hẹp về ngữ pháp và ngôn từ. Điều này khiến em chẳng mấy tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài hoặc người có trình độ tiếng Anh cao. Học ở đây, các nhược điểm đã được thầy Phước chỉ dạy, khắc phục được lúc nào không hay! Lối dạy của thầy chẳng giống bất cứ trung tâm Anh ngữ nào, nhưng giúp em tiếp cận tiếng Anh thật dễ dàng, thoải mái".

Thầy giáo Nguyễn Phước Thiện không bao giờ để học trò trong lớp im lặng quá lâu. Tất cả đều phải nói, phải "động não" liên tục. Tham dự lớp học, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi lối dạy không kém phần "tân kỳ" với sự hỗ trợ của những phần cứng, phần mềm máy tính lạ lẫm của thầy giáo Thiện. Chúng tôi còn bất ngờ hơn khi gặp một nhóm 5 người đang chờ thầy để đăng ký lớp học mới.

Nghề chọn người

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Phước Thiện kể: "Mình từng học đàn tranh 5 năm vì yêu thích nó và định mưu sinh bằng nghề đàn, nhưng nghề giáo lại chọn mình và giữ chân mình đến giờ phút này...". Hóa ra, câu nói "nghề chọn người" không sai, ít ra là với thầy Thiện.

Năm 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Phước Thiện bị mất thị lực trong một tai nạn. Sau vài năm phải dưỡng sức và để quên cú sốc quá lớn, Phước Thiện quyết chí lập thân bằng con đường học tập vốn đầy chông gai. "May mắn cho mình, hồi đó có lớp hòa nhập, cho phép người mù học cùng các bạn sáng mắt. Mình nhớ rõ đến năm học lớp 11, trong các đợt thi tiếng Anh, nhiều bạn học cùng lớp thấy mình có khả năng về môn này mới đề nghị: 'Hay là Thiện kèm tụi mình nghen'- Ừ thì kèm! Ban đầu còn kèm ở lớp, sau chuyển đến nhà mình kèm luôn. Tự nhiên mình trở thành người hướng dẫn các bạn. Cũng chỉ là giúp nhau thôi! Vả lại, nhà chỉ có 2 mẹ con, có bạn bè đến ngoài giờ học, vui hơn nhiều. Sau các cuộc thi, các bạn có kết quả tốt, người này kể với người kia. Vậy là có thêm "học trò", thầy Phước Thiện cười khi nhớ lại khoảng thời gian mà theo anh là "nghề chọn người".

 Đôi mắt tối nhưng bàn tay thầy Phước Thiện lướt bàn phím như đánh đàn piano.

- "Thế lúc ấy không có máy tính như bây giờ, thầy dạy thế nào?".

- Thầy Thiện trả lời tỉnh queo: "Truyền miệng chứ sao".

- "Thế lúc ấy làm sao mà thầy viết lách như các bạn?"

- "Nhờ máy đánh chữ đó. Mình đi học thì mang theo máy ghi âm và máy chữ",  thầy Thiện trả lời.

Quả thật trong căn phòng bé nhỏ này, thứ nhiều nhất chính là máy ghi âm walkman và máy cassette, dĩ nhiên là thế hệ cũ, bây giờ thuộc diện "hàng hiếm". Ra là vậy, nhờ máy đánh chữ mà chàng trai mất thị lực Phước Thiện có cơ hội ngồi cùng bạn học sáng mắt. Cũng nhờ máy đánh chữ mà giờ đây, thầy giáo mù Phước Thiện có thể gõ chữ như múa trên bàn phím.

Học xong lớp 12, Phước Thiện quyết định chọn thi vào Đại học Sư Phạm TP.HCM, khoa tiếng Anh. Sau hơn 4 năm đèn sách, Phước Thiện trở thành một trong những cử nhân tiếng Anh loại xuất sắc của trường. Phước Thiện cũng là sinh viên mất thị lực đầu tiên của trường Đại học Sư phạm TP.HCM (tính đến thời điểm này) hoàn tất bằng cử nhân, đoạt loại xuất sắc. "Khi ta dạy cũng là lúc ta học", với phương châm đó, thầy Thiện ngày càng trau dồi, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình. Hiện tại, mỗi ngày thầy Thiện đứng ít nhất là 4 lớp, dĩ nhiên là lớp học tại nhà- số 224 lô B chung cư Nguyễn Thiện Thuật- TP.HCM.

"Con trai rượu"

Nhà thầy giáo Thiện hiện chỉ một mẹ một con vì người bố không may mất sớm. Hai mẹ con nương tựa vào nhau đến ngày hôm nay. Nếu có ai hỏi, bà mẹ sẽ bảo:"Con trai rượu của tôi đấy."

Những người sống ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật ai cũng biết câu chuyện thầy giáo Thiện từng cõng mẹ lần mò cầu thang từ lầu 2 xuống đất để mua thuốc giữa đêm khuya."Lần ấy, nó cõng bác dò dẫm từng bậc thang, lúc đó bác đau quá lả người đi, không biết gì. Nhà chỉ có hai mẹ con nên những lúc bác đau bệnh, Thiện lo cho mẹ cuống quýt cả lên."- bà Thi- mẹ thầy Thiện kể lại mà mắt ngấn lệ. Thầy Thiện không chỉ nổi tiếng là thầy giáo dạy Anh văn kỳ lạ và "mát tay", mà còn nổi tiếng bởi tính hiếu thảo và tấm lòng nhân ái. "Bữa nào trước khi ngủ, Thiện cũng bóp vai cho bác 15 phút. Có hôm dạy nhiều mệt quá, nó lăn ra ngủ. Y như rằng hôm sau Thiện nhất định bóp vai cho mẹ thêm 15 phút nữa mới chịu thôi."-bà Thi kể với ánh mắt hạnh phúc pha lẫn tự hào.

 Thầy giáo Phước Thiện và mẹ trong dịp TP.HCM tuyên dương "Người con hiếu thảo" năm 2010.

Vừa làm mẹ, vừa làm bố gần 30 năm ròng rã, bà Thi không tự hào sao được khi có "con trai rượu" đầy nghị lực, tài năng và hiếu thảo.Toàn bộ thu nhập có được từ việc dạy học, thầy Thiện "cưa đôi", nửa cho mẹ lo sinh hoạt gia đình, nửa cho mình để làm từ thiện. Nhiều chùa chiền, mái ấm cơ nhỡ không lạ gì thầy giáo mất thị lực mà tràn đầy lòng hảo tâm Nguyễn Phước Thiện.

Với bà Thi, "con trai rượu" Nguyễn Phước Thiện chỉ còn điều duy nhất khiến bà phải lo nghĩ: Chuyện duyên phận."Cũng có người thương nó lắm nhưng chắc duyên phận chưa đến hay sao ấy!? Chỉ có hai mẹ con lủi thủi sống với nhau, lắm lúc tôi cũng chạnh lòng vì đâu phải chuyện gì người mẹ này cũng chia sẻ hết với con trai được. Trong nhà có thêm người nữa thì tốt biết mấy. Ước là mình ước vậy thôi, chứ chuyện duyên phận của con, thôi cứ để tự nó quyết định vậy", bà Thi bùi ngùi.

Theo Gia Đình

Theo Gia Đình

Bạn có thể quan tâm