Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Luật Phòng, chống ma túy 2021: Siết cung và cầu, quản lý người nghiện

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có nhiều quy định mới được đánh giá là nhân văn. Người nghiện chỉ bị coi là đi chữa bệnh, không để lại tiền sử hay ảnh hưởng đến sau này.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có nhiều quy định mới được đánh giá là nhân văn. Người nghiện chỉ bị coi là đi chữa bệnh, không để lại tiền sử hay ảnh hưởng đến thời gian sau này.

“Tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) nhấn mạnh câu nói trên tại Hội nghị cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết thời gian qua, tội phạm về ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Tội phạm về ma túy gia tăng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn rất mới. Vì lẽ đó, công tác xây dựng ban hành Luật Phòng, chống ma túy 2021 cũng là yêu cầu cấp thiết, phù hợp trong tình hình mới.

Nói về một số chuyên án nổi bật, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thông tin tháng 1/2020, lực lượng điều tra phát hiện đường dây tuồn "hàng trắng” từ Campuchia về Tây Ninh rồi đưa đi TP.HCM tiêu thụ với số lượng lớn, mỗi lần vận chuyển từ 30 đến 40 kg ma túy các loại. Kẻ cầm đầu đường dây này là Trần Huỳnh Vũ (29 tuổi, quê Đồng Tháp).

Theo cơ quan chức năng, Vũ ham mê cờ bạc, thường xuyên sang Campuchia để “nướng tiền” vào các sòng bài hay tụ điểm đá gà. Do thua bạc, Vũ móc nối với nhiều ông trùm buôn ma túy, mua hàng cấm tuồn về TP.HCM để bán lẻ cho người nghiện.

Hơn một năm kiên trì theo dõi, chiều 8/11/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp nhiều lực lượng bắt quả tang Vũ giao ma túy cho Trịnh Thành Danh (21 tuổi, trú TP.HCM) tại đường Trần Nhân Tông, quận 10. Ban chuyên án thu giữ gần 40 kg ma túy các loại, trong đó có 1.000 gói ma túy trên bao bì in hình biểu tượng Mercedes. Đây được xác định là loại mẫu mã mới xuất hiện ở TP.HCM.

Tiếp đó tháng 3/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn từ Lào qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế vận chuyển vào TP.HCM và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Nguyễn Thế Thành (32 tuổi, trú tỉnh Thừa Thiên - Huế) là đối tượng cầm đầu đường dây, điều hành đàn em qua mạng xã hội. Giúp sức đắc lực cho Thành là em trai Nguyễn Thế Lập (23 tuổi).

toi pham ma tuy anh 1

Theo điều tra, sau khi mua ma túy từ Lào, Thành đưa hàng cấm qua các đường mòn, lối mở về tập kết tại những nơi hẻo lánh ở vùng biên giới Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Sau đó, Thành giao cho em trai và đàn em tiếp tục vận chuyển hàng bằng xe khách đi TP.HCM, bán cho Võ Thị Tuyết Hồng (32 tuổi).

Với quyết tâm phá án, Ban chuyên án đã lập 9 tổ trinh sát, giám sát di biến động của Thành và đàn em trong nhiều tháng ròng. Rạng sáng 15/6/2021, lực lượng đánh án bắt quả tang đàn em của Thành là Nguyễn Văn Thăng và Chế Quang Khôi vận chuyển 30 kg ma túy, 01 khẩu súng CZ75 kèm 9 viên đạn tại quốc lộ 13 thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Mở rộng chuyên án, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt giữ Nguyễn Thế Thành và ổ nhóm mua, bán ma túy, thu giữ thêm 2 kg ma túy tổng hợp và nhiều tang vật liên quan.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, 2 vụ án nêu trên nằm trong hàng loạt chuyên án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp nhiều lực lượng đấu tranh, triệt phá trong năm 2021. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đánh giá tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến khó lường, tạo ra nhiều nguồn cung cấp ma túy để tiêu thụ trong nước hoặc vận chuyển sang nước thứ 3 tiêu thụ. Trong khi đó, thực trạng phạm tội về ma túy ở trong nước có chiều hướng gia tăng, Luật Phòng chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008 không còn phù hợp với tình hình mới.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, giai đoạn 2009-2019, số người nghiện trên cả nước tăng 60% (từ 146.731 người lên 235.314 người). Tính đến tháng 6/2021, cả nước có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đánh giá đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn.

toi pham ma tuy anh 2

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, bar, karaoke, sự kiện âm nhạc bùng nổ đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân lợi dụng để tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đánh giá công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Người nghiện ma túy ở ngoài xã hội nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Nhiều trường hợp lần đầu sử dụng ma túy tổng hợp đã gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ người sử dụng ma túy sát hại chính người thân trong gia đình.

Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản nên hiệu quả chưa cao. Việc quản lý sau cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện không còn phù hợp. Bộ luật cũ chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép ma túy, quản lý cai nghiện với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi bổ sung năm 2008 cũng bộc lộ nhiều hạn chế như không đồng nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển.

Ngoài ra, Điều 259 Bộ luật Hình sự 2015 quy định một số hành vi bị xử lý hình sự: Vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất, giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008 chưa nghiêm cấm các hành vi này.

Cũng tại Hội nghị cung cấp thông tin về Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành diễn ra cuối tháng 12/2021, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho hay trước những yêu cầu cấp bách của thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 36 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

“Việc xây dựng ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới”, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhấn mạnh.

Theo tướng Viện, một điểm mới đáng chú ý của Luật phòng, chống ma túy năm 2021 là quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên cơ sở chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Luật cũng đã phân biệt “người nghiện ma túy” với “người sử dụng trái phép chất ma túy” để làm căn cứ áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy.

toi pham ma tuy anh 3

Cụ thể, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ được quản lý tại gia đình trong một năm để kèm cặp, giáo dục. Thời hạn quản lý là một năm kể từ ngày có quyết định quản lý. Trường hợp người vi phạm bị phát hiện tái phạm thì thời hạn quản lý được tính lại từ đầu. Còn người bị xác định là nghiện ma túy thì bắt buộc đi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện.

Đây là những quy định mới đủ sức răn đe, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo quản lý chặt đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, hạn chế gia tăng người nghiện. Mục đích đặt ra cuối cùng là giảm “nguồn cầu" về ma túy, từ đó hạn chế phát sinh các loại tội phạm do tác hại của ma túy gây ra.

Luật mới cũng bổ sung các quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Đáng chú ý, trước thực trạng người sử dụng ma túy đang trẻ hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhấn mạnh Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có quy định mới về việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên luật rất nhân văn, họ chỉ bị coi là đi chữa bệnh, không để lại tiền sử và không ảnh hưởng đến thời gian sau này. Họ cũng có một nơi cai nghiện riêng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

toi pham ma tuy anh 4

Về thời hạn cai nghiện, Điều 34 của luật mới nêu rõ người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa đi cai bắt buộc tương tự như người từ đủ 18 tuổi trở lên. Trường hợp trong thời gian quản lý sau cai mà tái nghiện thì họ được phép đăng ký cai nghiện tự nguyện. Thời hạn cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 6 tháng đến 12 tháng.

Ngoài ra, một điểm mới được bổ sung là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên có 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính, bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ 3 trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng ma túy.

Ngoài những quy định mới để phù hợp với thực tiễn phòng chống ma túy, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cũng bổ sung, điều chỉnh các quy định về sản xuất, kinh doanh tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc.

Theo đó, luật bổ sung nhiều hành vi bị cấm: Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; cho phép người sử dụng ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái quy định; cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể; kỳ thị người sử dụng ma túy hay người đi cai nghiện trở về; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đánh giá tội phạm về ma túy ngày càng hoạt động tinh vi. Các nhóm mua bán, vận chuyển hàng cấm dùng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như sử dụng tàu ngầm, máy bay, sử dụng công nghệ cao để tuồn ma túy vào Việt Nam. Do đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung nhiều quy định về nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy như Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển hay Hải quan trên nguyên tắc tuân thủ Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Biên phòng, Luật Cảnh sát biển và Luật Hải quan.

Việc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp 11 và có hiệu lực từ 1/1/2022 đã có nhiều quy định tiến bộ hơn.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong năm 2021, toàn lực lượng phát hiện 25.175 vụ án, bắt giữ 37.046 người liên quan. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thu giữ gần 3,5 tấn ma túy tổng hợp các loại; gần một tấn cần sa; 67 súng quân dụng, 7 lựu đạn cùng hàng trăm viên đạn.

Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị khám phá 74 vụ án, bắt giữ 213 người liên quan, trong đó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trực tiếp điều tra 39 vụ với 139 bị can. Lực lượng chức năng còn thu giữ hơn một tấn ma túy các loại, 1 kg thuốc phiện, 13 súng quân dụng.

Hoàng Lam - Giang Trân Nguyên

Đồ họa: Phương Thảo

Bình luận

Bạn có thể quan tâm