Liên quan đến vụ “hai cha con bị bắt cóc tại Bình Thuận” sáng 26/8, trước cổng trường mầm non Tuổi Thơ tại thị xã La Gi, nhiều luật sư đã gửi đến Zing.vn quan điểm của mình dưới góc độ pháp lý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng về nguyên tắc, công dân được cơ quan công an mời lên trụ sở làm việc thì phải có nghĩa vụ chấp hành, hợp tác điều tra làm rõ. Trong trường hợp này, anh Lê Hồng Phong là người bị điều tra có liên quan đến vụ án của Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang thụ lý.
Nhưng việc mời công dân lên cơ quan công an cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật. Theo thông tư 01/2006 của Bộ Công an hướng dẫn việc thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì: Trước khi triệu tập hoặc mời thì điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời.
Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở công an hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện ủy thác điều tra.
Sáng 26/8, anh Phong lái ôtô đưa con gái đến trường mẫu giáo thì bị nhóm công an ập đến, đưa đi nơi khác. Ảnh: Ngọc An.
|
Đối chiếu quy định trên thì thấy trong vụ việc này, cơ quan điều tra Công an quận Hai Bà Trưng phải mời anh Phong đến trụ sở Công an thị xã La Gi hoặc bất kể trụ sở công an nơi gần nhất. Bên cạnh đó cơ quan này phải làm việc với chính quyền địa phương có như thế mới tránh sự hiểu lầm đáng tiếc trên.
Còn luật sư Trịnh Cẩm Bình (Văn phòng luật sư Biển Đông) chia sẻ, việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp được quy định rõ tại Điều 81, 83, 84, 85 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Theo đó, người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.
Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.
Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.
Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.
Như vậy theo quy định trên, khi anh Phong bị bắt khẩn cấp thì việc thi hành lệnh bắt phải lập thành biên bản và có những người chứng kiến ký tên. Tại thời điểm bắt giữ ông Phong ở gần cổng trường mầm non, công an thi hành lệnh bắt có lập biên bản và có người chứng kiến theo quy định ký vào biên bản hay không?.
Nếu việc lập biên bản thực hiện tại thời điểm bắt giữ anh Phong tại gần cổng trường thì khó có thể dẫn đến sự hiểu lầm của những người dân chứng kiến sự việc. Điều này cần có sự giải thích của phía cơ quan công an khi thi hành lệnh bắt.
Ngoài ra, ngay sau khi đã bắt giữ được anh Phong thì cơ quan công an cần thông báo cho chính quyền địa phương theo quy định. Theo giải thích của cơ quan công an, để đảm bảo bí mật nên bắt giữ xong mới thông báo. Điều này là hoàn toàn đúng để đảm bảo bí mật điều tra và truy bắt tội phạm.
Tuy nhiên, theo thông tin báo đưa, thời điểm công an bắt giữ anh Phong là vào 7h30 sáng. Vậy tại sao đến tận buổi trưa hôm đó, cách thời điểm bắt giữ đến khoảng 3 giờ, cơ quan Công an Bình Thuận mới biết thông tin và xác định không có vụ bắt cóc.
Trường hợp sau khi cơ quan Công an Hà Nội bắt giữ được anh Phong lúc 7h30 và thông báo ngay cho chính quyền địa phương thì có thể đã có giải thích sớm về vụ việc, tránh sự hiểu lầm, hoang mang của người dân. Bên cạnh đó, cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận đã không phải huy động lực lượng lớn để phong tỏa các tuyến đường, liên hệ công an các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để phối hợp truy bắt đối tượng của vụ bắt cóc hoàn toàn không có như vậy.
Về vấn đề người dân chứng kiến sự việc nghi ngờ là vụ bắt cóc, đã trình báo đến cơ quan công an và thông tin cho nhau qua các phương tiện thông tin như điện thoại, mạng xã hội cũng là suy nghĩ và cách làm bình thường của người dân. Bởi vì khi nghi ngờ có tội phạm xảy ra thì việc thông báo để mọi người cảnh giác cũng là cách hiểu thông thường.
Do đó việc xử lý người đưa thông tin lên mạng xã hội cũng không cần thiết và không nên đặt ra. Chỉ những trường hợp sự việc, những tin thất thiệt không có thật mà người dân đưa lên mạng xã hội gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân thì mới cần xem xét, xử lý.
Đối với con anh Phong, tổ công tác hoàn toàn có đủ điều kiện để cho cháu vào học rồi mới đưa người bố đi. Trường hợp anh Phong đề nghị cho cháu đi cùng ôtô để gọi mẹ cháu đến đón thì cũng hoàn toàn hợp lý.
- Khoảng 7h30 ngày 26/8, anh Lê Hồng Phong (37 tuổi, thị xã La Gi, Bình Thuận) chủ một khách sạn điều khiển ôtô đưa con đến trường mầm non tuổi thơ gần nhà. Đến trước cổng trường, một nhóm người trên ôtô 7 chỗ ùa xuống áp sát phương tiện, bắt anh Phong mở cửa xe.
Lúc này, nhóm người vào phương tiện của anh Phong, khống chế hai cha con và buộc họ ra ngồi ghế sau. Những người lạ mặt đã lái xe này đi khiến nhiều người nghi đây là vụ bắt cóc.
- Chia sẻ với Zing.vn, đại tá Đinh Huy Hoàng – Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết anh Phong là nghi phạm trong một chuyên án lớn liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ ở nhiều tỉnh thành mà công an quận này đang thụ lý điều tra. Ông Hoàng cho biết đang xác minh, làm rõ ai tung tin về vụ hai cha con bị bắt cóc để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Đại diện Công an Hà Nội trả lời rằng, Công an quận Hai Bà Trưng và Cục nghiệp vụ Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Phong tại Bình Thuận theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. “Một số anh em khi làm nhiệm vụ mặc thường phục, có thể khiến người dân hiểu lầm”, người phát ngôn Công an Hà Nội nói.