Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư phải tố giác thân chủ trong một số trường hợp

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật hình sự 2015 trong đó có nội dung thu hẹp phạm vi buộc luật sư phải tố giác thân chủ.

Tranh luận 'nảy lửa' dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 Dự án luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 gây ra nhiều tranh luận ở nghị trường như phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em 14-16 tuổi, luật sư phải tố giác thân chủ...

Chiều 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 với hơn 88% đại biểu tán thành.

Riêng việc sửa đổi, bổ sung điều 19 (không tố giác tội phạm) được 415/459 đại biểu tán thành (chiếm hơn 84,5%). Đây là điều khoản mà trước khi thông qua đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó đa số giới luật sư đều không đồng tình với việc quy định “luật sư tố giác thân chủ”.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ về nguyên tắc, với tư cách là công dân, người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm.

Buoc luat su phai to giac than chu anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chiều 20/6. Ảnh: Quochoi.vn

Nguyên tắc này đã được Hiến pháp ghi nhận và được thể chế hóa trong các luật về tư pháp từ trước đến nay. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong suốt hơn 30 năm (năm 1985 - 2015), chính sách của nhà nước ta về trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa được xác định như mọi công dân khác.

Vì thế, khi thông qua Bộ luật hình sự 2015, Quốc hội đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn chính sách này theo hướng thu hẹp một phần phạm vi trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác trong việc không tố giác tội phạm.

“Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng. Trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”, bà Nga nói.

Tuy nhiên, quá trình soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung, vấn đề này tiếp tục có những ý kiến trái chiều. Ủy ban Thường vụ tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉnh lý điều luật theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.

Cụ thể, khoản 3 điều 19 quy định: Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 sẽ có  hiệu lực từ 1/1/2018.

'Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng, luật sư không thể làm ngơ'

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định luật sư biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà làm ngơ thì không được.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm