Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lùi lịch thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học diễn ra như thế nào?

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc thông tin kế hoạch tuyển sinh dự kiến kết thúc ngày 31/12. Các cơ sở giáo dục đại học chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện tuyển sinh.

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo, phối hợp cơ sở giáo dục đại học chủ động tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực đang có để đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời góp sức cùng cả nước vượt qua đại dịch.

thpt quoc gia 2020 anh 1

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc thông tin 92 cơ sở giáo dục đại học dạy, học trực tuyến. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Kế hoạch tuyển sinh dự kiến kết thúc ngày 31/12

- Theo khung kế hoạch năm học được Bộ GD&ĐT điều chỉnh lần thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8/8 đến 11/8. Việc này có ảnh hưởng lịch trình tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay?

- Trong điều kiện kỳ thi THPT quốc gia diễn ra muộn hơn, các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng cũng sẽ lùi tương ứng. Kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, ngày 31/12.

Các năm trước, dù kế hoạch tuyển sinh của hầu hết trường bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết năm, thực tế, các trường kết thúc tuyển sinh vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, đa số ngừng tuyển sinh vì không phù hợp kế hoạch năm học và hầu như hết nguồn tuyển.

Như vậy, tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng kết quả. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.

Về quy định, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt một năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia.

Với quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Căn cứ kết quả tuyển sinh đợt một và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020.

Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh sẽ chủ động và linh hoạt hơn. Theo quy chế tuyển sinh, các trường xác định và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký.

- Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục đại học diễn ra như thế nào?

- Toàn hệ thống hiện có 84 cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức học tập trung, 92 cơ sở dạy, học trực tuyến. Các trường còn lại cũng tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc kết hợp để đảm bảo chương trình.

Trong quỹ thời gian hàng năm, khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ tuỳ theo từng trường và có khoảng 5-6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian cho phép đó và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Việc kết thúc kỳ học, năm học, các trường sẽ điều chỉnh theo điều kiện thực tế và yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, các trường có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.

- Bộ GD&ĐT có những giải pháp gì để đảm bảo chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học khi áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến, từ xa trong thời gian qua?

- Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn về việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, công văn hướng dẫn các trường chủ động, nhanh chóng triển khai đào tạo trực tuyến nói riêng và các hình thức đào tạo từ xa nói chung.

Để công nhận kết quả tích luỹ các học phần dạy học trực tuyến trong đào tạo chính quy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chỉ tổ chức đánh giá kết thúc học phần khi đã thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần. Đồng thời, việc công nhận kết quả tích luỹ chỉ được thực hiện khi nhà trường đảm bảo chuẩn đầu ra của từng học phần.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả học tập tích luỹ, quản lý và lưu trữ các thông tin liên quan đến các học phần tổ chức đào tạo trực tuyến.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chưa có điều kiện triển khai tốt hợp tác với những trường đào tạo cùng ngành, có hệ thống LMS, LCMS tốt, có đầy đủ học liệu và hệ thống mô phỏng thí nghiệm, thực hành… để phối hợp triển khai tổ chức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa cho sinh viên trong thời gian không học tập trung để thực hiện kế hoạch năm học.

Đóng góp phòng, chống dịch Covid-19

- Vừa qua, Bộ GD&ĐT kêu gọi các cơ sở giáo dục đại học sẵn sàng cho trưng dụng ký túc xá làm khu cách ly tập trung. Công tác này đã diễn ra như thế nào và kết quả ra sao?

- Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu các trường chưa tổ chức học tập trung phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương để trưng dụng ký túc xá làm nơi cách ly trong trường hợp cần thiết.

Đến ngày 26/3, theo báo cáo của các trường, 28 cơ sở với gần 53.000 chỗ ở đã sẵn sàng để UBND các tỉnh thành phố trưng dụng làm khu cách ly (hiện các cơ sở ở khu vực Hà nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và TP.HCM đã được trưng dụng).

15 khu ký túc xá với hơn 20.000 chỗ của các cơ sở đã được UBND tỉnh, thành phố kiểm tra và có kế hoạch sử dụng làm cơ sở cách ly trong các ngày qua.

- Với lợi thế về cơ sở vật chất và tinh thần chủ động, các cơ sở giáo dục đại học tích cực tham gia phòng, chống Covid-19. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những hoạt động này?

- Cùng việc sẵn sàng cho sử dụng ký túc xá, các cơ sở giáo dục đại học còn tích cực phát huy tinh thần chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học, cử cán bộ, sinh viên trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.

Các trường khối y dược tích cực sản xuất nước sát khuẩn, cung cấp kiến thức, tài liệu phòng chống dịch. Các trường huy động cán bộ giảng viên, sinh viên sẵn sàng tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch khi cần. Giảng viên, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai hoạt động nghiên cứu và đạt những kết quả đáng khích lệ.

Đặc biệt, kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y phát triển đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, được xem là công cụ quan trọng và cần thiết để góp phần kiểm soát bệnh dịch do SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Ngoài ra, Học viện Quân y cũng tham gia hỗ trợ các trường diễn tập ứng phó phòng dịch.

Những ngày qua, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Bách khoa Đà Nẵng lần lượt ra mắt các thiết bị, giải pháp giúp hạn chế lây lan, phòng chống dịch Covid-19.

Sau khi chế tạo và chạy thử nghiệm thành công, ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng kịp thời chuyển giao ứng dụng robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm cho khu cách ly phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao những đóng góp của toàn hệ thống giáo dục đại học và sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp để động viên các nhóm nghiên cứu, các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19

Có thể nói, trong mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn, các cơ sở giáo dục đại học đã vững vàng tinh thần chủ động, tiên phong, quyết liệt và phát huy tối đa nguồn lực để chung tay với nhiệm vụ lớn của quốc gia.

Tôi mong rằng tinh thần này sẽ được lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống giáo dục đại học, đóng góp hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của đất nước.

Hỗ trợ nghìn tỷ đồng học từ xa miễn phí trên toàn quốc

Bài giảng được Bộ GD&ĐT thẩm định, phát sóng trên truyền hình. Học sinh, sinh viên truy cập dữ liệu học từ xa không phải trả tiền.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm