Nam sinh 14 tuổi bị đau đầu suốt nhiều ngày do bệnh lý bất thường ở não. Ảnh minh họa: Pexels. |
Trường hợp này được TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ. Bệnh nhân là H.T.T. (14 tuổi, ngụ tại Tân Uyên, Bình Dương)
Đau đầu dữ dội suốt nhiều giờ
Nam sinh T. nhập viện hồi tháng 2 với lý do đau đầu dữ dội. Theo khai thác bệnh sử, nam sinh cho biết bị đau đầu ở vùng thái dương đỉnh hai bên, bên phải đau nhiều hơn bên trái. Cơn đau đầu tăng lên khi em vận động và ho, đau dữ dội kèm buồn nôn và nôn.
Gia đình có cho T. uống thuốc nhưng vẫn không thuyên giảm. Sau 3 ngày, cơn đau đầu vẫn chưa khỏi nên gia đình đã cho em nhập viện.
Thời điểm đến Bệnh viện Nhi đồng 2, nam sinh không sốt, không mờ mắt, vận động tay chân bình thường. Duy nhất là cơn đau đầu không thuyên giảm đã kéo dài suốt 3 ngày qua.
Về tiền sử gia đình, nam sinh là con thứ 2, chu sinh bình thường. Về tiền sử tiêm phòng, trẻ được tiêm đầy đủ theo chương trình, tuy nhiên, gia đình không nhớ rõ về thời điểm tiêm vaccine phế cầu, não mô cầu.
“Khi thăm khám, bác sĩ đã cố gắng khai thác thêm thông tin và được bệnh nhân cho biết đã bị đau đầu một vài lần trước đó trong vòng 4 đến 5 tháng qua”, TS Hiếu kể.
Xác định đây là tình trạng không bình thường, TS Hiếu chỉ định cho nam sinh làm xét nghiệm công thức máu. Kết quả cho thấy bạch cầu tăng, CRP (một xét nghiệm quan trọng để xác định và đánh giá tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng) hơi tăng nhẹ.
Sau khi xét nghiệm khoảng vài giờ thì bệnh nhân có sốt, nôn và đau đầu nhiều ở thái dương hai bên.
Sau đó, bác sĩ đã tiến hành CT Scan đầu thì nhận thấy não không có tổn thương nào và xét nghiệm dịch não tủy phát hiện tế bào có 733 con. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ xác định nam sinh bị viêm màng não do vi trùng.
Nguyên nhân
TS.BS Nguyễn Lê Trung Hiếu khuyến cáo trường hợp bệnh nhân mắc viêm màng não thường khởi phát bằng đau đầu, không sốt. Chính biểu hiện mơ hồ này khiến người bệnh và gia đình dễ bỏ sót và không đến bệnh viện để thăm khám sớm.
Đặc biệt, đau đầu cấp và đau đầu có sốt là dấu hiệu cảnh báo quan trọng để tìm ra nguyên nhân.
Có hai loại đau đầu được phân loại, bao gồm đau nguyên phát và đau thứ phát. Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng đau đầu cấp nặng, thậm chí đau như sét đánh, thường do chấn thương đầu - cổ, bệnh mạch máu não, nhiễm trùng, rối loạn cân bằng nội mô, bệnh lý hộp sọ, rối loạn tâm thần…
Theo TS Hiếu, khi trẻ than đau đầu với biểu hiện tăng nặng dần như đau khi nằm ngửa, khi gắng sức hoặc ho, đau nặng hơn khi ngồi dậy kèm dấu hiệu về thị lực hoặc các triệu chứng toàn thân khác…
Phụ huynh nên theo dõi sát, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được kiểm tra, điều trị sớm.
“Quản lý đau đầu ở trẻ em là một trong những điều quan trọng và chúng ta phải cố gắng làm sao để trẻ ít bị ảnh hưởng nhất”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.