Đó là bệnh nhi 4 tuổi, đến viện trong tình trạng mắt lồi to, đau đớn vì dị dạng bạch mạch. Ảnh: Vietnamnet. |
Bác sĩ CKI Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại thần kinh phẫu thuật, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nơi đây đã tiếp nhận một bé trai bị biến dạng mắt trái do bệnh lý bẩm sinh.
Đó là bệnh nhi 4 tuổi, đến viện trong tình trạng mắt lồi to, đau đớn vì dị dạng bạch mạch. Căn bệnh khiến em gần như mất thị lực mắt trái. Bé phải trải qua điều trị suốt 6 tháng mới giảm được 90% tình trạng, tuy nhiên mắt vẫn hơi sưng nề so với bên còn lại.
Bệnh viện cũng tiếp nhận một nữ sinh 17 tuổi, đi khám vì đau và khó há miệng. Bên má trái của cô gái hơi nề, tăng dần đã 5 năm qua, điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi.
Bé trai 4 tuổi trước và sau khi can thiệp dị dạng mạch máu. Ảnh: BSCC. |
Kết quả MRI phát hiện bệnh nhân có tổn thương vùng hàm trái nghi dị dạng tĩnh mạch, nằm khuất trong xương hàm dưới. Bác sĩ tiến hành chích xơ dưới hướng dẫn của DSA (chụp mạch máu xóa nền) và DYNA CT giúp lách được mũi kim qua xương vào tổn thương.
Sau can thiệp 3 tháng, cô gái không còn đau, há miệng và nhai hoàn toàn bình thường. Tiến hành MRI kiểm tra ghi nhận đã hết hẳn dị dạng.
Theo bác sĩ Tuấn, hai trường hợp trên bị dị dạng mạch máu bẩm sinh. Nếu dị dạng mạch máu ở đầu mặt cổ, tùy vị trí và tùy loại mà có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh hoạt của bệnh nhân.
Một số loại dị dạng có thể tự thoái triển và không cần điều trị can thiệp. Một số khác có thể gây ra triệu chứng như chảy máu, chèn ép mô lành xung quanh, biến dạng phần cơ thể có dị dạng. Trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý trong quá trình lớn lên.
Riêng các dị dạng mạch máu nội sọ bẩm sinh, nguy cơ cao hơn rất nhiều. Nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ và suy tim do tăng lượng máu về tim quá nhiều ở trẻ nhỏ.
"Các dị dạng mạch máu nội sọ cần được phát hiện sớm, lý tưởng nhất là phát hiện qua tầm soát tiền sản. Trẻ cần được điều trị sớm khi có triệu chứng, có kế hoạch tiếp cận và theo dõi lâu dài”, bác sĩ nói.
Trước đây, đa số các dị dạng mạch máu bẩm sinh ở trẻ em được điều trị bằng phẫu thuật hoặc xơ hóa. Phẫu thuật thường không làm hết được tổn thương, để lại sẹo co rút gây ảnh hưởng sinh hoạt. Xơ hóa nếu không có siêu âm và DSA hỗ trợ sẽ khó tiếp cận các dị dạng ở vị trí phức tạp, khiến hiệu quả điều trị chưa được tối ưu.
Hiện nay, phương pháp can thiệp với các chất xơ hóa chọn lọc kỹ lưỡng với từng nhóm tổn thương, dưới hỗ trợ của siêu âm và máy DSA có hiệu quả cao hơn. Phương pháp này hạn chế biến chứng, tiếp cận chính xác tổn thương ở vị trí khó và phức tạp, quan trọng như mắt, hầu họng, vùng khẩu cái…
Ngoài ra, can thiệp nội mạch cũng có hiệu quả trong điều trị dị dạng mạch máu nội sọ dù là hướng phát triển khá mới.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.