Christine Ji là một trong số nhiều nhân viên Gen Z đang rời bỏ các công việc văn phòng, nơi đề cao thành tích và thờ ơ với sức khỏe nhân viên, vì kiệt sức. Ảnh minh họa: Wilddaisy278/Pexels. |
Cũng như nhiều người trẻ đầy nhiệt huyết và tham vọng, Christine Ji khao khát công việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư với mức lương sáu chữ số, cơ hội thăng tiến trong tương lai và môi trường tiếp xúc với giới thượng lưu.
Khi còn là sinh viên năm 2, cô đã trải qua hơn 100 giờ phỏng vấn, tham gia hơn 50 cuộc gọi và phỏng vấn tại 4 ngân hàng và giành được vị trí thực tập đáng mơ ước - chuyên viên phân tích đầu tư.
Cô gái trẻ cuối cùng đã ký hợp đồng chính thức với ngân hàng vào mùa thu năm 2022 và tin rằng mình đã tìm được công việc lý tưởng.
Tuy nhiên, hiện thực công việc văn phòng đã khiến Gen Z nhanh chóng kiệt sức và vỡ mộng. "Giấc mơ Phố Wall" dần tan biến khi sinh viên mới ra trường nhận ra mình đang đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc để theo đuổi đồng lương, theo Business Insider.
Cường độ làm việc 90 giờ/tuần "vắt" kiệt sức nhân viên văn phòng trẻ tuổi Christine Ji. Ảnh: @Christine Ji. |
Thực tế khắc nghiệt
Khởi điểm với mức lương 110.000 USD, con số tưởng chừng đáng mơ ước này thực chất khi chia theo số giờ làm việc tương đương với mức lương chỉ 25 USD/giờ.
Chuyên viên phân tích "nhập môn" như Ji có nhiệm vụ hoàn thành mọi yêu cầu từ các nhân viên ngân hàng cấp cao cả ngày.
Công việc "tư vấn mua bán sáp nhập" chính xác hơn là lập các bảng phân tích tài chính trên Excel, chỉnh sửa logo trong PowerPoint, trả lời email 24/7, thậm chí cần liên hệ nhà hàng để thương lượng giá khay hors d'oeuvres (khay đựng món khai vị) cho các bữa tiệc hội nghị.
Nếu thuận lợi, công việc văn phòng sẽ kết thúc vào khoảng nửa đêm, nếu không, Ji thậm chí không có thời gian để ngủ.
Dù có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn, Ji lại cảm thấy áp lực và thiếu sự ổn định khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp mất việc qua các đợt cắt giảm nhân sự.
8 tháng sống trong guồng quay công việc hối hả, Gen Z cuối cùng đã kiệt sức. Nhân viên văn phòng liên tục thiếu ngủ, luôn trong tình trạng lo lắng, nạp thêm caffeine để thức trắng đêm theo dõi tiến độ công việc.
Sau nhiều ngày làm việc căng thẳng, Ji đã bất chợt ngất xỉu trong lúc nói chuyện với đồng nghiệp, cô thở dốc trong khi nước mắt giàn giụa.
Suốt ngày dài trong phòng cấp cứu, cô đau đầu dữ dội và cảm thấy buồn nôn. Bác sĩ kết luận không có vấn đề gì nghiêm trọng và khuyên Ji về nhà nghỉ ngơi.
Trong cuộc họp nhóm về tình trạng xảy ra với Ji, không một ai đưa ra ý kiến cải thiện môi trường làm việc. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Văn hoá làm việc độc hại
Sau ca cấp cứu của Christine Ji, phản ứng của các đồng nghiệp phần nào nói lên góc khuất của văn hóa làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.
Thay vì bày tỏ sự quan tâm, các đồng nghiệp trấn an nhân viên văn phòng trẻ tuổi rằng đây là chuyện không hiếm khi xảy ra và gợi ý cô dùng thuốc chống lo âu như một liệu pháp tạm thời.
Ji quyết định dành một tuần nghỉ ngơi, cố gắng bù đắp tình trạng thiếu ngủ nhiều tháng qua, mặc văn hoá "hạn chế nghỉ phép" ở văn phòng.
Tháng 3 vừa qua, trong 1 tháng sau sự cố sức khoẻ, Gen Z quyết định nghỉ việc và theo đuổi lĩnh vực mới - ngành báo chí.
“Rất ít tài liệu hướng dẫn cách rời bỏ công việc phân tích đầu tư, trong khi có vô số bài viết đưa ra lời khuyên ‘cắn răng’ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thậm chí, nhiều quan điểm cho rằng nghỉ việc trước khi nhận thưởng hoặc tìm được việc khác là một quyết định thiếu suy nghĩ", cô gái 23 tuổi chia sẻ.
Ji nhận ra rằng cô không muốn đánh giá sự nghiệp của mình dựa trên tiêu chuẩn “bình thường hóa” việc làm thêm giờ đến kiệt sức. Nhìn lại những đồng nghiệp cũ, cô thấy họ đang đánh đổi sức khỏe tinh thần và thể chất để đổi lấy một công việc như “những cỗ máy tạo slide PowerPoint”. Điều đáng buồn là khi nhân viên kiệt sức, luôn có những sinh viên đại học đầy nhiệt huyết sẵn sàng thế chỗ.
"Kinh nghiệm giao dịch và kỹ năng sử dụng Excel trình độ sơ cấp có thể là những điểm sáng trong hồ sơ xin việc, nhưng chúng cũng đi kèm với cái giá rất đắt", Gen Z nói.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.