Không chỉ tăng số lượng, bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ung thư là căn bệnh khiến nhiều người lo lắng, nhất là khi tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018.
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Pham Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, cho hay thực tế, số bệnh nhân ung thư tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều lo ngại nhất về căn bệnh này.
Không chỉ tăng số lượng, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa
-Theo GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới bệnh nhân ung thư tăng lên 9 bậc và tỷ lệ tử vong do bệnh này tăng 6 bậc sau 2 năm. Theo chị, đây có phải là con số đáng lo ngại?
- Tỷ lệ mắc mới ung thư tại Vệt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Số liệu bạn vừa nói phản ánh điều đó. Hơn nữa, độ tuổi bệnh nhân mắc ung thư có xu hướng trẻ hóa. Nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ung thư ở độ tuổi < 40. Đặc biệt, có những bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ở độ tuổi dưới 30.
Bên cạnh đó, có những loại ung thư ở thập kỷ trước, thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, trung niên, nay lại xuất hiện ở người trẻ. Ví dụ ung thư dạ dày thường được chẩn đoán ở độ tuổi trung niên. Hiện nay, có những bệnh nhân được chẩn đoán ở độ tuổi dưới 30. Thậm chí, chúng tôi đã gặp bệnh nhân mới chỉ 22 tuổi. Đây là con số mà chúng ta đáng phải lưu tâm và cần phải có chiến lược để làm sao giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng như tầm soát phát hiện sớm.
- Vậy đâu là nguyên nhân?
- Bệnh ung thư có xu hướng tăng không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết nước trên thế giới. Nhiều nguyên nhân lý giải điều này.
Thứ nhất, tuổi càng cao tỷ lệ mắc ung thư càng lớn. Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng ở cả hai giới nhờ nhiều thành tựu y học trong chăm sóc sức khỏe (bình quân 73 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng dài, tỷ lệ mắc ung thư càng cao. Tất nhiên, hiện có nhiều trường hợp trẻ tuổi mắc căn bệnh này.
Thứ hai, công tác tuyên truyền về bệnh tốt hơn. Người dân có ý thức về sức khỏe của bản thân và gia đình, đi khám tầm soát nhiều hơn nên được phát hiện ung thư sớm hơn. Đây là một trong những thành tựu của ngành y tế. Đặc biệt rõ rệt với ung thư vú, chúng ta đã phát hiện được sớm bệnh rất nhiều (90%).
Thứ ba, chúng ta đã có các phương tiện chẩn đoán ung thư tốt và hiện đại hơn. Hiện nay, máy móc, thiết bị nhiều và kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện khối u rất nhỏ, tức là ở giai đoạn rất sớm, kết hợp kinh nghiệm của người thầy thuốc. Tất cả giúp phát hiện bệnh ung thư nhiều hơn.
Thứ tư, môi trường sống (nước, không khí…) ô nhiễm, kém chất lượng cũng là một trong những yếu tố quan trọng gây nên bệnh ung thư. Bên cạnh đó, lối sống không lành mạnh, lười vận động, hút thuốc, uống rượu, lạm dụng chất kích thích, thực phẩm không đảm bảo an toàn… cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều.
- Con số tăng bậc kể trên là số liệu năm 2020. Còn bây giờ, số liệu có thay đổi không? Chị dự đoán tình trạng ung thư tại Việt Nam sẽ như thế nào?
- Tại thời điểm này, chưa có số liệu cập nhật chính thức về số ca mắc mới cũng như tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư. Tuy nhiên, những thống kê, nghiên cứu đơn lẻ tại các bệnh viện cho thấy số bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tăng lên hàng năm. Tôi cho rằng với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như nhận thức của người dân ngày càng tiến bộ, tỷ lệ bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn sớm cũng tăng lên, tăng khả năng điều trị khỏi bệnh.
- Tình hình Covid-19 có ảnh hưởng như thế nào tới việc gia tăng phát hiện bệnh nhân ung thư?
- Tình hình Covid-19 được kiểm soát tốt đã phá bỏ được rào cản về đi lại cũng như tâm lý của người bệnh, giúp họ đi đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế được dễ dàng, kịp thời khi chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, họ được chẩn đoán sớm bệnh. Hơn nữa, tình hình Covid-19 được kiểm soát đã làm giảm sự quá tải ở các bệnh viện, cơ sở y tế. Nhờ đó, việc khám, chữa bệnh được tốt hơn.
Trong 2 tháng gần đây, số lượng người bệnh ung thư mắc Covid-19 cũng xuất hiện trở lại. Hầu hết người bệnh đã được tiêm vaccine phòng bệnh, từng mắc Covid-19 nên các triệu chứng nhẹ. Không có bệnh nhân nào nặng do Covid-19 phối hợp ung thư tại trung tâm tôi. Các bệnh nhân này có thể gián đoạn điều trị một vài ngày, nhưng cũng không ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương cho rằng tỷ lệ mắc mới ung thư tại Vệt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng. Ảnh: T.A. |
Chẩn đoán sớm quyết định khả năng khỏi bệnh
- Trải qua gần ba thế kỷ từ khi loài người biết về ung thư, theo chị, ung thư bây giờ được nhìn nhận ra sao, có còn là án tử?
- Hiện tại, nhiều bệnh ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn rất sớm do có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán cũng như ý thức khám sức khỏe của người dân ngày càng cao. Do đó, bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi, ít tốn kém về kinh tế. Ung thư không còn là án tử nữa.
Ở giai đoạn muộn, chúng ta cũng đã cập nhật và áp dụng được nhiều tiến bộ trong điều trị nên đã giúp kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ, 10 năm trước, bệnh nhân ung thư phổi di căn phổi, xương, não chỉ sống thêm được vài tháng. Ngày nay, có một số bệnh nhân đã đạt được vài năm.
- Việc chữa trị ung thư tại Việt Nam được đánh giá thế nào? Có tiệm cận thế giới hay không?
- Tại Việt Nam, chúng tôi luôn cập nhật các phương pháp chẩn đoán cũng như điều trị mới trên thế giới. Nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại phục vụ cho chẩn đoán như chụp cộng hưởng từ toàn thân, chụp PET/CT, SPECT, SPECT/CT… Và điều trị như các kỹ thuật xạ trị mới, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật bằng robot, các thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch, gene trị liệu… phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh.
Do đó, hiệu quả điều trị ngày càng tăng. Chúng ta cũng đã tiệm cận với nền y học thế giới. Một số kỹ thuật, phương pháp mới, phác đồ mới chúng ta đã ngang tầm khu vực và một số nước trên thế giới.
- Để tầm soát ung thư, hiện nay người dân có những cách nào? Việc khám sức khỏe thông thường (định kỳ hàng năm) liệu có phát hiện được ung thư?
- Đa số bệnh ung thư thường gặp như ung thư phổi, vú, cổ tử cung, tuyến giáp, tuyến tiền liệt, dạ dày, đại trực tràng… đều có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nếu người dân có ý thức đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Quan điểm để phát hiện bệnh ung thư cần phải làm các xét nghiệm có chi phí lớn, thậm chí hàng chục triệu đồng là hoàn toàn sai. Người dân nên có ý thức đi khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường.
Nguy cơ mắc ung thư của mỗi người là khác nhau. Do đó, người dân nên đến các cơ sở chuyên khoa ung bướu để được khám, tư vấn, sàng lọc yếu tố nguy cơ cao, từ đó có kế hoạch tầm soát tốt hơn.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.