Nhiều công ty chọn không tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp vào năm tới. Ảnh minh họa: resumegenius/Pexels. |
Tháng 8, tạp chí Intelligent đã khảo sát 966 nhà lãnh đạo tại Mỹ có tham gia vào quá trình tuyển dụng tại công ty để tìm hiểu thái độ của họ đối với việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học - những người trẻ thuộc Gen Z (sinh năm 1997-2012).
Kết quả cho thấy cứ 6 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp chần chừ trong việc nhận những tân cử nhân vào làm. Họ lo ngại người trẻ chưa sẵn sàng cho công việc, cũng như chưa đáp ứng đủ tính chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp trong công việc.
Thêm vào đó, với mỗi 10 công ty được khảo sát thì có tới 6 công ty đã sa thải những sinh viên mới tốt nghiệp đại học được tuyển dụng vào năm 2024. Ngoài ra, 1 trong 7 công ty cho biết họ có thể sẽ không tiếp nhận những ứng viên tương tự vào năm tới.
Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn nằm ở Gen Z, mà các công ty cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ các tân binh của thị trường lao động, theo Newsweek.
Nhân viên Gen Z chưa sẵn sàng cho môi trường lao động vì chưa có đủ vốn kinh nghiệm và kiến thức liên quan. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
Trong báo cáo khảo sát, Huy Nguyen, trưởng cố vấn về phát triển nghề nghiệp và giáo dục của Intelligent, đề cập rằng nhiều sinh viên mới ra trường gặp khó khăn khi đi xin việc. Lý do là công việc thực tế phức tạp hơn rất nhiều so với kiến thức lý thuyết trên giảng đường.
"Các bạn trẻ thường chưa thích nghi được với môi trường làm việc linh hoạt và văn hóa công ty khác biệt. Dù có kiến thức nền tảng, các bạn vẫn thiếu những kỹ năng thực tế cần thiết để thành công trong công việc", trưởng cố vấn chia sẻ.
Thế hệ Z thường bị đánh giá là lười biếng và khó làm việc cùng, vì vậy các nhà tuyển dụng rất thận trọng khi tuyển dụng họ. Theo khảo sát, 75% công ty cho biết một số hoặc tất cả nhân viên mới tốt nghiệp của họ không đạt yêu cầu trong công việc. Các vấn đề thường gặp bao gồm thiếu động lực (50%), kỹ năng giao tiếp kém (39%) và thiếu tính chuyên nghiệp (46%).
Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn nhân sự Bryan Driscoll, nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ mới ra trường gặp khó khăn trong công việc không phải do họ lười biếng, mà là do hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Các công ty cũng có trách nhiệm trong việc đào tạo những nhân viên mới tốt nghiệp trở nên phù hợp cho vai trò của mình. Ảnh minh họa: Fauxels/Pexels. |
Ông chỉ ra rằng các trường đại học quá tập trung vào kiến thức lý thuyết, mà bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng thực tế. Chẳng hạn, kiến thức về thần thoại Hy Lạp khá thú vị, nhưng lại khó có thể giúp mọi người thể hiện sự chuyên nghiệp hoặc giao tiếp tốt khi đi làm.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những kỹ năng mà trường học không ưu tiên giảng dạy, dẫn đến tình trạng sinh viên mới ra trường thường không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Thay vì đào tạo lại, nhiều công ty lại chọn cách sa thải nhân viên. Đây là một vòng luẩn quẩn cho thấy cả hệ thống giáo dục và các doanh nghiệp đều chưa làm tốt vai trò của mình.
Để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức ở trường và yêu cầu của công việc thực tế, các công ty cần đầu tư vào việc định hướng và hỗ trợ nhân viên mới một cách hiệu quả.
Theo ông Driscoll, cách làm việc hiện tại của các công ty không chỉ khiến người trẻ cảm thấy thất vọng mà còn gây hại cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Thế hệ trẻ mong muốn được học hỏi và tiến bộ, nhưng nếu các công ty không tạo điều kiện cho họ thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân tài.
Cùng với đó, ông chỉ trích việc doanh nghiệp chỉ dựa vào bằng cấp mà không quan tâm đến việc đào tạo nhân viên. Chuyên gia nhân sự nhấn mạnh rằng thay vì ngừng tuyển dụng sinh viên mới, các công ty cần thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của giáo dục và đào tạo nghề nghiệp.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.