Hàng nghìn bài hát bị cấm phát sóng ở Hàn Quốc (chưa kể nhiều trường hợp đã chỉnh sửa nội dung để được lên sóng). Trường hợp gần nhất là ICON trích từ album Formula of Love: O+T=<3 của nhóm nhạc TWICE.
Các đài truyền hình Hàn Quốc như KBS, SBS và MBC luôn có quy định nghiêm ngặt về nội dung phát sóng. Bài hát, MV chứa ca từ, hình ảnh nhạy cảm, quảng cáo thương hiệu hay ca sĩ mặc hở rốn, hình xăm… đều không vượt qua vòng kiểm duyệt. Các nghệ sĩ vướng ồn ào đời tư, bị kết án tù hoặc đang điều tra cũng bị cấm xuất hiện trên truyền hình.
Những quy tắc nghiêm khắc với giới ca sĩ
Tìm kiếm “các bài hát tiếng Hàn bị cấm” trên Google, có vô số ví dụ hiện ra. Hai ca khúc nổi tiếng của Crayon Pop là Bar Bar Bar, Uh-ee từng bị KBS cấm vì sử dụng từ tiếng Nhật “pika”.
Các bài hát có câu từ quá khích hoặc tục tĩu thường không được phép phát sóng trước 22h. Tuy nhiên, việc các nhà đài không đưa ra bộ quy tắc hoặc hướng dẫn rõ ràng, xuyên suốt nên nhiều bài hát được phát hành sau đó bị cấm với lý do khá mơ hồ.
Chỉ trong 3 năm, 2009-2012, KBS, MBC và SBS đã cấm hơn 1.300 bài hát. Sự việc gây tranh cãi trong công chúng, nhưng các cơ quan phát sóng tiếp tục cấm nhiều bài hát sau đó. VIXX bị cấm biểu diễn vũ đạo của Voodoo Doll vì quá bạo lực.
How Dare You của Sistar ban đầu bị cấm vì có cảnh các thành viên múa cột. Năm 2009, nghệ sĩ solo Ajoo phát hành bài hát có tên Chaebol 2nd Generation và bị KBS cấm vì quá tôn sùng vật chất.
Ủy ban Thanh niên của Chính phủ cho phép đài truyền hình cấm các bài hát nếu chúng gây nguy hiểm với giới trẻ Hàn Quốc. Lý do các bài hát bị vào danh sách đen thường có yếu tố bạo lực, khiêu dâm, ca từ, vũ đạo nhạy cảm, nhắc đến thương hiệu...
Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng Hàn Quốc như BTS, PSY, EXO, BlackPink, WINNER, TWICE… đều có ca khúc không thể vượt qua vòng kiểm duyệt khắt khe của các đài truyền hình. Bài hát đầu tay của BlackPink là Boombayah bị KBS cấm vì đề cập đến rượu, mang tính khêu gợi. Body của Mino không thể xuất hiện trên sóng truyền hình vì có tên thương hiệu.
Ca khúc nằm trong album mới của TWICE bị cấm với lý do ca từ dung tục. Ảnh: JYP Entertainment. |
12 trong số 18 bài hát trong album của Cheetah không qua vòng kiểm duyệt của KBS và 5 bài bị cấm phát sóng ở SBS. Tuy nhiên, công ty quản lý của Cheetah tuyên bố họ không chỉnh sửa lời bài hát để giữ nguyên thông điệp và ý nghĩa ban đầu.
Luật cấm bất thành văn khác phổ biến trên các chương trình truyền hình Hàn Quốc là không lộ hình xăm và ca sĩ nam phải che núm vú. Có thể thấy các thần tượng thường tìm cách che kín hình xăm mỗi khi xuất hiện trên truyền hình. Trong chương trình Let's BTS của đài KBS, Jungkook của BTS đã mặc áo dài tay và quấn băng để che đi những hình xăm của anh.
Theo SCMP, không có quy định nào cụ thể về việc các thần tượng xăm mình xuất hiện trên truyền hình, nhưng hầu hết tiệm xăm ở Hàn Quốc không hợp pháp và họ cần giấy phép y tế để hoạt động.
Từ năm 2010, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) đã đề xuất các quy định chặt chẽ hơn về trang phục biểu diễn của ca sĩ, nhóm nhạc nữ trên đài truyền hình lớn là SBS, MBC và KBS. Theo đó, ca sĩ, nhóm nhạc nữ phải che đậy khe ngực và rốn - đặc biệt các thành viên nhỏ tuổi.
Khi biểu diễn trên chương trình Inkigayo vào năm 2015, hầu hết thành viên nhóm GFriend vẫn là học sinh trung học. Nhóm đã mặc quần cạp cao và thành viên Yerin thậm chí dùng băng cá nhân để che kín phần rốn. Trước đó, nhóm Rainbow bị cấm thực hiện vũ đạo của ca khúc A vì có động tác vén áo khoe cơ bụng.
Đài nói không với những nghệ sĩ vướng ồn ào
Ngày 11/11, tờ YTN đưa tin Tòa án quận trung tâm Seoul đưa ra lệnh cấm Park Yoo Chun xuất hiện trên các chương trình truyền hình cũng như không thể hoạt động trong ngành giải trí cho đến khi có phán quyết cuối cùng. Đây không phải lần đầu tiên một nghệ sĩ Hàn Quốc bị cấm xuất hiện trên truyền hình. Lệnh cấm được đưa ra bởi tòa án hoặc chính các đài truyền hình để giữ gìn sự trong sạch của giới giải trí.
Năm 2002, nam diễn viên gạo cội Lee Kyung Young bị kết tội mua dâm trẻ vị thành niên. Ông cũng bị buộc tội thao túng và lợi dụng một nữ diễn viên với lời hứa nâng đỡ, đổi lấy vai diễn trong ngành phim ảnh. Lee Kyung Young bị kết án 10 tháng tù treo kèm theo hai năm quản chế, 160 giờ phục vụ cộng đồng.
Ban đầu Lee Kyung Young bị cấm xuất hiện trên tất cả kênh truyền hình. MBC gỡ bỏ lệnh này vào năm 2014 và SBS năm 2019. KBS và EBS hiện vẫn áp dụng lệnh cấm với Lee Kyung Young.
Kang Ji Hwan tiêu tan sự nghiệp sau vụ bê bối. |
Tháng 7/2019, nam diễn viên Kang Ji Hwan bị bắt tại nhà riêng vì âm mưu tấn công tình dục hai phụ nữ. Kang Ji Hwan say rượu sau đó quấy rối tình dục và tấn công hai nhân viên. Diễn viên bị kết án hai năm 6 tháng tù treo và 3 năm quản chế. Kang Ji Hwan hiện bị cấm trên tất cả kênh truyền hình, cơ hội trở lại ngành giải trí gần như vô vọng.
Cũng trong năm 2019, nhiều nghệ sĩ như Jung Joon Young hay Choi Jong Hoon được đưa vào danh sách đen của các đài truyền hình vì bê bối đời tư.
Theo Star News đưa tin ngày 13/11, KBS đã quyết định đình chỉ Wheesung. Wheesung bị kết án một năm tù giam và hai năm quản chế vì vi phạm Đạo luật kiểm soát ma túy vào tháng 3.
KBS đã chỉ định các hành vi bất hợp pháp hoặc vô đạo đức gây ra tranh cãi xã hội là đối tượng cần xem xét tư cách xuất hiện trên sóng. Lệnh cấm bao gồm các nghệ sĩ dính líu đến trốn tránh nghĩa vụ quân sự, sử dụng ma túy theo thói quen, hút cần sa, gian lận, trộm cắp, cờ bạc, hành hung, quấy rối tình dục, các cáo buộc dân sự, hình sự khác và gây rối trật tự xã hội, phong tục.
Với nghệ sĩ dính líu đến vấn đề trên, hội đồng thẩm định của nhà đài sẽ thực hiện các biện pháp như khuyến cáo không cho xuất hiện, tạm đình chỉ xuất hiện (trong trường hợp bị truy tố dân sự và hình sự).
Jung Il Hoon (27 tuổi, cựu thành viên nhóm BTOB) và nam diễn viên Bae Seong Woo đã bị tạm dừng xuất hiện trên truyền hình từ đầu năm. Jung Il Hoon bị bắt quả tang hút cần sa vào năm 2020 và nhận án 2 năm tù. Trong khi đó, Bae Seong Woo lái xe trong tình trạng say rượu vào tháng 11/2020 và bị truy tố với mức phạt 7 triệu won.