Dây đồng hồ da Tuscan do hãng thủ công Atelier del Cinturino (Milan, Italy) sản xuất. Ảnh: Alessandro Grassani/New York Times. |
Da động vật quý hiếm, như cá sấu, thằn lằn và trăn, từ lâu đã là lựa chọn yêu thích để làm dây đeo đồng hồ. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt trong giới chế tác đồng hồ, theo New York Times.
Dây đeo đồng hồ bằng da của loài bò sát dần đánh mất sự yêu thích của người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Atelier Kai. |
Nặng gánh thủ tục
Fears Watch, một trong những hãng đồng hồ lâu đời nhất ở Anh, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số lượng yêu cầu trang bị dây đeo da cá sấu, cùng với đó là nhu cầu ngày càng tăng đối với những chất liệu không liên quan tới động vật.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu dùng dây đeo đồng hồ bằng da cá sấu giảm đáng kể”, Nicholas Bowman-Scargill, Giám đốc điều hành Fears Watch, chia sẻ.
Thực chất, sự thay đổi này không chỉ phù hợp với giá trị đạo đức và môi trường, mà còn giảm bớt gánh nặng giấy tờ thủ tục cho các thương hiệu.
Việc sử dụng da động vật quý hiếm đòi hỏi phải tuân theo Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Công ước quốc tế này, được thông qua vào năm 1975, đòi hỏi các bên phải có tài liệu đầy đủ cho từng bước trong quy trình sản xuất sản phẩm của các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Yann Perrin, Giám đốc điều hành của ABP Concept, một công ty chuyên về dây đeo đồng hồ, nhấn mạnh về tính nặng nề củ thủ tục giấy tờ CITES. Mỗi lô hàng dây cá sấu từ ABP Concept đều yêu cầu phải nộp các biểu mẫu theo công ước quốc tế này, làm tăng thêm chi phí và độ phức tạp về mặt hành chính.
Sự thay đổi về chất liệu làm nên dây đeo đồng hồ có thể xem là điều tất yếu. Ảnh minh họa: AARNI. |
Sự thay đổi cần thiết
Hiện một số hãng xa xỉ, chẳng hạn Chanel và Burberry, đã chủ động ngừng dùng da động vật quý hiếm, thay vào đó khám phá các lựa chọn thay thế bền vững hơn như da cá tầm, xương rồng, hay nấm.
Tương tự, các chuỗi bán lẻ lớn trên thế giới như Nordstrom và Selfridges đã ngừng bán các sản phẩm làm từ da bò sát.
Sự thay đổi này cũng góp phần chứng minh rằng lĩnh vực thời trang cao cấp không nằm ở chất liệu da sang trong, thay vào đó là cách tiếp cận sáng tạo của các nhà mốt đối với vật liệu.
Cùng với đó là sự thay đổi từ chính phía người tiêu dùng. Robert Burke, người sáng lập công ty tư vấn bán lẻ, thời trang và khách sạn Robert Burke ở thành phố New York (Mỹ), cho biết tập khách hàng thuộc thế hệ Millennials mới thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề môi trường và đạo đức.
"Hiện nay, diện một chiếc đồng hồ không có dây đeo làm từ loài bò sát tương đương tuyên bố cá nhân rằng bạn đủ tỉnh táo để lựa chọn sử dụng vật liệu không phải bằng da quý hiếm hoặc vật liệu thay thế. Và bạn hoàn toàn có thể 'lên mặt' với đối phương vì điều này", ông nói thêm.