Bệnh nhân L.D.H đang điều trị sốt rét tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật. |
Bác sĩ H’Nuen Hđơk, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết cơ sở này đang điều trị cho một bệnh nhân bị sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum từ Angola.
Bệnh nhân là anh L.D.H. (39 tuổi, trú tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar), đi làm việc tại Angola về Việt Nam được 2 ngày thì có dấu hiệu sốt, rét run, vã mồ hôi.
Nghĩ rằng mình bị sốt siêu vi, anh H. tự đi truyền nước và tiêm thuốc ở một phòng khám tư nhân nhưng vẫn không có dấu hiệu hạ sốt. Sau đó, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào ngày 25/3.
Người đàn ông này được các bác sĩ chẩn đoán mắc sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum thể thông thường, có dấu hiệu cảnh báo sốt rét ác tính.
Hiện tại, các bác sĩ khoa Truyền nhiễm vẫn điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế là dùng thuốc kháng sốt rét đặc hiệu và thuốc chống lây lan cho bệnh nhân. Ca bệnh này đang được theo dõi ký sinh trùng sốt rét hàng ngày để xem mức độ đáp ứng thuốc.
Trước đó, bệnh nhân cũng đã bị sốt rét 2 lần tại Angola và được điều trị khỏi bệnh. Đây là lần thứ 3 bệnh nhân mắc sốt rét.
Theo bác sĩ H’Nuen Hđơk, sốt rét là bệnh được chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng đúng thuốc, đủ liều và không bị muỗi truyền bệnh đốt lại. Nếu bị sốt rét, người bệnh không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện lại các triệu chứng bệnh sốt rét, từ đó gây ra sốt rét kháng thuốc.
Do đó, khi thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được lấy lam máu, thử test để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.