Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặc kệ Black Friday

Black Friday không còn khiến giới trẻ hào hứng. Nhiều người bắt đầu thấy quá tải với hàng loạt đợt giảm giá được tung ra vào cuối năm.

“Không cần chờ tới ngày giảm giá, tôi vẫn chi hàng chục triệu đồng để mua sắm qua ứng dụng. Thú thật, tôi chưa bao giờ săn sale”, Phan Thị Tường Vi (25 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ với Zing.

Cận kề dịp Black Friday, trong khi nhiều bạn trẻ hào hứng tới cửa hàng hay canh mã khuyến mãi qua app, Tường Vi vẫn dửng dưng.

tho o voi black friday anh 1

Nhiều người trẻ không còn quan tâm tới dịp "Ngày thứ 6 đen tối". Ảnh: Phương Lâm.

Cô thừa nhận mình là một tín đồ shopping chính hiệu, song dường như không có duyên với những ngày giảm giá.

“Tôi cũng thích mua đồ với giá hời, nhưng những sản phẩm tôi cần thường không nằm trong danh mục giảm giá tại các cửa hàng. Đối với tôi, Black Friday không có nhiều ý nghĩa”, Vi nói.

Không hào hứng

Tường Vi cho biết mình ưu tiên mua sắm trực tuyến do thường xuyên săn hàng từ nước ngoài.

Chỉ trong gần hai năm, cô đã trở thành thành viên hạng Bạch kim của Shopee với tổng mức chi tiêu hơn 150 triệu đồng. Trong đó, cô chỉ tiết kiệm được 4 triệu đồng mua sắm nhờ mã khuyến mãi.

tho o voi black friday anh 2

Cập nhật giỏ hàng có giá trị hơn 53 triệu, song Vi dự định sẽ cân nhắc và bỏ bớt đồ không cần thiết khỏi giỏ trước khi chi tiền.

Hiện tại, Vi lưu hơn 300 món đồ trong giỏ hàng, trị giá hơn 53 triệu đồng.

Đây hầu hết là sản phẩm không có mã khuyến mãi, sẽ được cô thanh toán sau khi có lương vào cuối tháng này.

“Tôi không định mua hết giỏ hàng, chỉ lựa ra những món thật sự cần thiết, ước tính giá trị hơn 10 triệu đồng”, Vi cho hay.

Cô gái 25 tuổi cho biết có hai lý do khiến cô không hề mặn mà với các đợt sale.

Vi hiếm khi nhận được mã giảm giá sâu từ ứng dụng và chỉ mua những đồ cần dùng, không mua theo cảm tính hoặc mua tích trữ.

“Vào mỗi đợt giảm giá như 11/11 hay Black Friday, tôi chỉ được ứng dụng tặng mã freeship hoặc giảm giá 25.000-30.000 đồng. Đây là những ưu đãi tôi mặc định sở hữu khi là thành viên Bạch kim.

Tôi thấy nhiều người tranh thủ đợt sale để mua nhiều đồ, cất đi dùng sau. Nhưng tôi không có thói quen như vậy. Nhà tôi không rộng, tích nhiều đồ trông sẽ không khác gì nhà kho”, Vi chia sẻ.

Giống như Tường Vi, Thảo Phương (22 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TP.HCM) cũng chọn đứng ngoài "cuộc chiến săn sale" dịp cuối năm.

Nhiều đợt khuyến mãi lớn liên tục nối tiếp khiến cô "bị choáng ngợp". Chia sẻ với Zing, Thảo Phương cho biết cô vừa tiêu tốn vài triệu cho đợt 11/11, không thể chi tiêu thêm cho đợt sale thứ 2 trong tháng nữa.

“Ngày Black Friday năm ngoái, tôi chi 4 triệu cho quần áo, mỹ phẩm, sách... Năm nay, tôi đã dành hết tiền vào đợt sale 11/11, không thể mua sắm thêm”, cô kể.

tho o voi black friday anh 3

Thảo Phương cho biết khung cảnh xếp hàng mua sắm tại các cửa hàng ở TP.HCM hồi năm ngoái nay không còn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bên cạnh đó, Thảo Phương cũng không hề hào hứng với dịp "Ngày thứ 6 đen tối" năm nay. Cô cho biết không khí mua sắm ở TP.HCM hiện đìu hiu hơn mọi năm vì dịch bệnh.

"Phố mua sắm vắng vẻ, khách qua lại cũng vắng hơn bình thường khiến tôi chẳng còn háo hức lượn phố săn sale. Hơn nữa, các cửa hàng tôi thích cũng không giảm giá mạnh như mọi năm", Thảo Phương nói.

Siết chặt chi tiêu vì dịch

Nhận tin nhắn rủ săn sale từ bạn bè, Vũ Thị Thùy Anh (23 tuổi, ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mất vài phút mới nhớ ra rằng đợt khuyến mãi lớn cuối năm sắp tới.

Thế nhưng, cô không hào hứng lên các ứng dụng thương mại điện tử và lấp đầy giỏ hàng trống như trước nữa.

“Tôi không có nhu cầu mua sắm gì đợt này nên chỉ nhìn bạn bè, đồng nghiệp mua sắm thôi”, Thùy Anh cười, nói.

tho o voi black friday anh 4

Bị ảnh hưởng kinh tế bởi đại dịch, Thùy Anh quyết định từ bỏ thói quen "săn sale" để dành dụm cho mục đích khác.

Chia sẻ với Zing, cô gái 23 tuổi cho biết gần đây mình “quá bận rộn” với công việc marketing, thậm chí hiếm có thời gian lướt mạng xã hội.

“Công ty tôi nay đã yêu cầu nhân viên lên văn phòng lại, guồng công việc cũng hối hả hơn. Tôi làm việc từ 7h đến 20h, đi công tác ở tỉnh thường xuyên. Về đến nhà, tôi không còn sức mở điện thoại, lên app mua sắm nữa”, Thùy Anh kể.

Ảnh hưởng kinh tế do dịch bệnh cũng khiến cô thay đổi thói quen mua sắm. Cô nói rằng do làm việc online, mức thu nhập giảm hơn thời điểm trước dịch và khoản tiết kiệm cũng vơi đi.

Vì thế, thay vì nhiệt tình "chốt deal" trên sàn thương mại điện tử, Thùy Anh phải lên kế hoạch chi tiêu cụ thể, từ bỏ thói quen mua hàng tích trữ.

“Tôi không còn bị cuốn theo các chương trình khuyến mãi nữa. Mua hàng mà có mã giảm giá nhiều cũng tốt, nhưng tôi chỉ có nhu cầu mua 1-2 món, không nhất thiết chờ tới đợt sale. Sắp Tết rồi, tôi cũng muốn tiết kiệm để lo nhiều việc khác”.

Khóa thẻ tín dụng, xóa app mua sắm trước ngày Black Friday

Khi Black Friday đến gần, Nguyên Thảo (29 tuổi) quyết định rời khỏi hàng loạt hội nhóm chuyên "gom đơn", "săn sale" trên mạng xã hội.

Thục Hạnh - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm