Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mắc ung thư khi 19 tuổi, cô gái trẻ vẫn sinh 2 con khỏe mạnh sau 6 năm

Sau khi nhận kết quả mắc ung thư xương, Ngọc Ánh phải đứng giữa hai lựa chọn: Bỏ thai hoặc điều trị sau khi sinh với nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

Năm 2017, khi đang mang thai ở tháng thứ 6, chuẩn bị đón con trai đầu lòng, Nguyễn Ngọc Ánh (quê Nghi Sơn, Thanh Hóa), cảm thấy đầu gối phải bị sưng to và đau nhức. Lúc này, cô cũng đang là du học sinh tại Đài Loan (Trung Quốc) và chỉ mới 19 tuổi.

Lựa chọn

Sau khi thăm khám, cô rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mình đang mắc bệnh ung thư xương giai đoạn 3.

"Tôi đã hỏi bác sĩ rất nhiều lần vì nghĩ rằng họ chẩn đoán sai. Tôi chỉ mới 19 tuổi, không thể mắc căn bệnh quái ác này. Khi bác sĩ khẳng định lại, tôi thực sự bị suy sụp. Tôi sợ hãi và rất lo cho con của mình", Ngọc Ánh nhớ lại.

Chỉ sau hơn 20 ngày, vì quá sốc và lo lắng, cô không ăn uống được gì nên bị gầy sút rất nhanh. Từ một cô gái vui vẻ, vô tư, nặng hơn 50 kg, Ngọc Ánh giảm xuống còn 39 kg, sức khỏe cũng xuống dốc nhanh chóng.

Các bác sĩ cũng tư vấn cô phải lựa chọn giữ hai phương án: Bỏ thai để điều trị ngay hoặc điều trị sau khi sinh với nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

"Sau những ngày suy sụp về cả tinh thần và sức khỏe, tôi quyết định giữ lại đứa bé và về nước để sinh con. Suốt thời gian thai kỳ, tôi chịu sự hành hạ những cơn đau từ khối u ở chân. May mắn, ở tuần thứ 38, các bác sĩ Việt Nam đã mổ bắt con thành công cho tôi. Bé khỏe mạnh, nặng 2,9 kg.", Ngọc Ánh kể lại.

Một tháng sau sinh, Ngọc Ánh đã đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để kiểm tra lại tình trạng sức khỏe. Các bác sĩ đã chỉ định cô phải phẫu thuật cắt bỏ chân bên phải sau đó thực hiện hóa trị. Tuy nhiên, vì không thể chấp nhận việc mất một chân, cô đã từ chối điều trị.

19 tuoi ung thu xuong anh 1

Khối u của Ngọc Ánh sưng to, bị hoại tử. Ảnh: NVCC.

Trong suốt một năm sau lần thăm khám đó, cô điều trị tại nhà bằng thuốc nam nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Mỗi lần đau chân, cô lại dùng thuốc giảm đau để cầm cự.

Tới tháng 4/2018, khối u ở chân của Ánh sưng to, hoại tử phần mềm xung quanh, cơn đau vượt quá sức chịu đựng nên được gia đình đưa vào Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Hà Nội).

"Tại đây, tôi được điều trị bằng phương pháp truyền hóa chất. Tuy nhiên, tôi không may bị phản ứng với hóa chất, khối u vỡ và mất rất nhiều máu. Tôi phải truyền liên tục 13 đơn vị máu trong 10 ngày. Lúc này, tôi cũng đã mất đi cơ hội được thay xương nhân tạo để giữ lại chân, phải phẫu thuật đoạn chi", Ngọc Ánh nói.

Ngày 15/7/2018, ca phẫu thuật cắt chân phải của cô được thực hiện. Chân của Ánh phải cắt trên gối 20 cm.

"Khi tỉnh lại, thấy mình đã mất đi một chân, tôi khóc rất nhiều, hụt hẫng và có cả cảm giác hối hận. Tôi hối hận vì đã không điều trị sớm, để khối u quá nặng, mất đi cơ hội điều trị tốt nhất", Ngọc Ánh tâm sự.

Vượt qua biến cố

May mắn, ở bên cạnh cô luôn có chồng và gia đình hỗ trợ, đồng hành. Khi tâm lý ổn định trở lại, Ánh cho biết cô đã lên mạng xã hội, Youtube để đọc và nghe nhiều câu chuyện của những bệnh nhân như mình.

"Nhiều người khó khăn hơn tôi nhưng họ vẫn yêu đời và sống tốt. Dù sao tôi cũng vẫn còn một chiếc chân nữa, còn có con, có gia đình và được sống. Nhìn vào những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, tôi không còn buồn, lạc quan và quyết tâm điều trị", Ánh tâm sự.

Vốn là một cô gái năng động, hoạt bát, không thích phụ thuộc nhiều vào những người xunh quanh, Ánh đã tập đi từ rất sớm với nạng và chân giả. Dần dần, cô gái khi ấy 20 tuổi cũng thích nghi được với cuộc sống mới.

Sau khi phẫu thuật 21 ngày, bà mẹ một con tiếp tục phải truyền hóa chất thêm 6 lần. Cô kể, mỗi lần truyền hóa chất sẽ phải nhập viện 5-10 ngày, lâu nhất khoảng một tháng. Khi truyền hóa chất, cô cảm thấy bị kiệt sức và nôn rất nhiều.

"Không chỉ vậy, tóc của tôi cũng dần rụng hết, người không còn một cọng lông, da vàng như nghệ. Cơ thể cũng suy kiệt tới mức như 'da bọc xương', chỉ nặng 35 kg. Thời gian đầu tôi cũng tự ti, nhưng đến bệnh viện nhiều lần, gặp những bệnh nhân cũng 'trọc' như mình, tôi thấy mình không cô đơn, không còn ngại nữa", cô cười, nói.

Để có sức điều trị, Ngọc Ánh cho hay cô rất nỗ lực ăn uống và tập luyện. Nhìn những bệnh nhân cùng phòng cũng đang chiến đấu vì căn bệnh ung thư quái ác, cô tự nhủ mọi người làm được thì cô cũng làm được. Cô phải cố gắng để sớm được trở về với con.

'Một hay hai chân không còn quan trọng'

Sau 6 tháng điều trị với hóa chất, Ngọc Ánh được ra viện. Khi sức khỏe ổn định, cô bắt đầu đi học nghề và tìm kiếm những cơ hội để phát triển bản thân.

Hơn một năm sau khi điều trị khỏi ung thư, Ánh bất ngờ đón tin vui mang thai con thứ 2. Tuy nhiên, cô cũng lo lắng căn bệnh trước đây và việc điều trị bằng hóa chất có thể ảnh hưởng lên thai nhi. Vì vậy, cô đã thăm khám, theo dõi thai ở nhiều cơ sở y tế và nhận được kết quả em bé phát triển hoàn toàn bình thường. Ngọc Ánh đã hạ sinh thành công một bé gái khỏe mạnh, nặng 3,5 kg.

"Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Với tôi, việc có một chân hay hai chân không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng nhất là vẫn đến được nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và không ngừng trau dồi bản thân", Ngọc Ánh chia sẻ.

Ra viện đã hơn 4 năm nhưng cứ 3 tháng một lần, cô lại đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe một lần. Bên cạnh đó, Ngọc Ánh cũng cố gắng ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tăng cường vận động để duy trì sức khỏe luôn ở trạng thái tốt nhất.

Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng

Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.

Vì sao ung thư ngày càng trở thành gánh nặng?

Trong vòng 18 năm, số ca mắc ung thư ngày một tăng. Trong đó, ung thư phổi và ung thư dạ dày là 2 loại ung thư phổ biến nhất ở cả 2 giới.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm