Phụng Hồ (1995, học viên cao học) đã ăn Tết tại Hà Lan được 10 năm. Năm nay, cô cùng bạn bè trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam đến nhà mở tiệc tất niên. Không chỉ thưởng thức các món ăn truyền thống, Phụng cùng mọi người lì xì, gửi nhau nhiều lời chúc năm mới và chơi trò chơi truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết về như đánh bài, lô tô. |
Quây quần cùng vài người bạn làm mâm cơm Việt, Minh Huy (1999) cho biết mấy năm nay, do ảnh hưởng cho dịch bệnh, cậu phải đón Tết tại Hungary. Tết trùng với cuối tuần, vì vậy, cậu có thời gian chuẩn bị những món như hành muối, xôi gấc, bún bò, bánh rán... Huy chia sẻ ở Việt Nam, cậu cũng thường xuyên phụ mẹ làm những món ăn này, vì vậy, bữa cơm không quá khó khăn với cậu. Vài ngày trước, tham gia chương trình Tết do Hội người Việt tổ chức, Huy tranh thủ xin chữ "Bình an" để cầu năm mới thuận lợi, bình an như chữ được cho. |
Hai tuần trước Tết, Tiến Quốc (2004, du học sinh tại Pháp - ngoài cùng bên phải) đã cùng mọi người trong nhà lên kế hoạch cho bữa cơm năm mới. Tối ngày 30 Tết, cả nhà cùng nhau làm xôi gấc, giò, chả quế, bắp bò ngâm mắm, canh xương hầm củ quả, dưa góp... Năm đầu tiên xa nhà, dù giá bánh chưng cao, Quốc cũng đặt 2 chiếc để mừng năm mới. Giao thừa, Quốc gọi về nhà, bố mẹ cậu khá bất ngờ với bữa cơm tươm tất, đủ đầy các món Việt Nam. |
Ở Mỹ, Nguyên Phương (2001) đã chuẩn bị mâm cơm Tết từ sớm, đến giao thừa, cô chỉ cần luộc gà, nấu miến. Phương cho hay ở Mỹ có chợ châu Á nhưng không phải nguyên liệu nào cũng đầy đủ. Để làm nem rán, Phương phải dùng bánh tráng dày thay vì bánh đa nem, thịt nấu đông cũng là thịt ba chỉ, thay vì thịt chân giò như ở nhà. Phương cũng phải đi tới 3 chợ mới mua được hoa lay ơn chưng trong nhà. Năm Quý Mão, nữ sinh cũng sắm thêm chiếc áo dài đỏ hình con mèo diện đầu năm mới. |
Tại Trung Quốc, Bích Ngọc (sinh viên Học viện Hý kịch Trung ương, Trung Quốc) và một số bạn học được thầy chủ nhiệm mời về nhà, cùng nhau sửa soạn bữa cơm tất niên. Ban đầu, Ngọc dự định làm thêm món nem rán, nhưng do không tìm được đủ nguyên liệu, cô bạn cùng mọi người làm các món ăn truyền thống ngày Tết của Trung Quốc như sủi cảo, vịt quay Bắc Kinh, mì trường thọ, thịt chua ngọt... |
Trong khi đó, tại Anh, Minh Châu (2000 - ở giữa) cũng được các du học sinh Trung Quốc mời đến nhà trong bữa cơm mừng năm mới. Châu cho biết sủi cảo là món ăn truyền thống ngày đầu năm của người Trung Quốc, tượng trưng cho may mắn, viên mãn. Cô bạn được trải nghiệm tự tay cán bột, thêm nhân và nặn từng viên. |
Tại Đức, Thanh Huyền (2002) cùng 3 bạn người Việt cùng nhà cũng tổ chức bữa ăn tiễn năm cũ với các món nem rán, gà luộc, sườn xào chua ngọt, xôi ruốc, canh miến... Bánh chưng cũng được 4 anh chị em gói từ chiều ngày hôm trước (29 Tết). Tuy được gói bằng lá chuối thay vì lá dong, Huyền cho biết mùi vị của bánh không khác biệt so với Việt Nam. Đối với cô, đó còn là vị của quê nhà. Đây cũng là mâm cơm đón năm mới của Huyền bởi ngày mùng 1, Huyền sẽ không làm cơm nữa mà cùng cả nhà đi chùa cầu an. |
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Duy Nghĩa (2002) đã đi chợ, mua bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả từ chiều ngày 28 Tết. Nam sinh cũng mua thêm hoa sen giả, đèn lồng, đèn nháy để trang trí xung quanh cho có không khí Tết. Chiều 30 Tết, Nghĩa cùng anh trai đi chợ, chuẩn bị bữa cơm tất niên, mời thêm 4 bạn du học sinh gần nhà đến dự. Nghĩa đảm nhiệm việc gói nem, luộc gà, nấu thêm bát canh miến như mẹ vẫn hay làm. Tương tự Huyền, với Nghĩa, đây cũng là mâm cơm đón năm mới bởi ngày mùng 1, 2 anh em cậu phải đi làm để có thêm thu nhập lo tiền nhà, tiền học phí. |
Sách về ngày Tết
Những trang viết về Tết Nguyên đán trong các cuốn sách mang tới những hiểu biết về phong tục, văn hóa truyền thống dân tộc. Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về phong tục ngày Tết, quý độc giả có thể tham khảo tại đây.