Hôm nay lướt Facebook, không ít bạn trẻ xúc động khi thấy nhiều học sinh các khóa của trường THCS Giảng Võ, Hà Nội hẹn nhau đi viếng thầy giám thị vừa qua đời. Những lứa học trò từ niên khóa 1993 vẫn nhớ tới thầy Trắc - giám thị nghiêm khắc nhưng luôn gần gũi và quan tâm các bạn trẻ.
Thầy Trắc - vị giám thị nghiêm khắc và đáng kính trong ký ức của nhiều lứa học sinh THCS Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Confessions Giảng Võ. |
Những thầy cô bước ra từ Facebook
"Thật may mắn khi còn đi học mình từng là học sinh của thầy, một người nghiêm khắc nhưng luôn gần gũi và quan tâm học trò. Những nụ cười ấy, giọng khàn khàn ấy, chiếc kính thân thuộc ấy sẽ mãi là kỷ niệm đẹp đối với những thế hệ học sinh Giảng Võ! Vĩnh biệt thầy Trắc kính mến!", trang Confessions của trường Giảng Võ viết.
"Vào đến sân trường là trang phục đã phải nghiêm chỉnh rồi…", câu nói quen thuộc của thầy giám thị quá cố được nhiều cựu học sinh nhắc lại trên mạng xã hội. Sau những dòng status tiếc thương trên Facebook, các bạn bắt đầu chia sẻ kỷ niệm về thầy giám thị của mình.
Những hình ảnh lan truyền trên Giảng Võ Confessions khiến nhiều người nhớ về thầy giáo trốn viện lên lớp dạy sinh viên. Đó là thầy Bùi Quý Lực, giảng viên khoa Cơ khí Chế tạo máy, Đại học Bách khoa Hà Nội. Người thầy ấy mặc nguyên bộ quần áo bệnh nhân trên bục giảng. Sinh viên chụp ảnh đăng Facebook, hàng trăm bình luận dành tình cảm cho vị giảng viên hết lòng vì giáo dục.
Bức ảnh thầy Bùi Quý Lực trốn viện đến giảng đường từng khiến cộng đồng mạng xúc động. |
Một chia sẻ khác trên Facebook cũng thu hút sự chú ý của nhiều người trẻ là cô giáo Nguyễn Nguyện Hà viết bài thơ cảm động gửi tặng thí sinh sau khi chứng kiến nỗi vất vả của gia đình có con dự thi đại học.
Cũng trong năm 2015, cộng đồng mạng chứng kiến câu chuyện thầy hiệu trưởng nấu mì miễn phí cho học trò yêu quý. Thầy là Phan Ngọc Thanh, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Ngô Văn Nhạc, tỉnh Tiền Giang.
"Từ khi về làm hiệu trưởng trường, tận mắt chứng kiến những cảnh khổ mà đôi khi nó là chính bản sao ngày xưa của mình, thấy học sinh khó khăn, thiếu cái ăn nên mình nấu cho các em ăn", đó là những gì mà thầy Thanh đã nói.
Tình thầy trò nơi mạng ảo
Với không ít người, mạng xã hội là nơi xuất hiện những "anh hùng bàn phím" với đủ thứ xô bồ, gồm cả những điều không mấy tốt đẹp. Nhưng, cũng từ Facebook, nhiều hình ảnh đẹp về người thầy được chia sẻ, trở thành bài học trực quan, sinh động về lối sống, sự đam mê cho lứa tuổi học trò.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhờ mạng xã hội, thầy hiểu hơn về những tâm tư, tình cảm của học sinh qua những điều các em chia sẻ. Đây cũng là công cụ giúp cựu học sinh bày tỏ tình cảm và ôn lại kỷ niệm về những thầy cô giáo cũ.
Thầy Dương Văn Cẩn, một giáo viên dạy Vật lý ở trường THPT Trần Phú, Hà Nội, từng được học sinh mến mộ lập cả Fanpage với hơn 11.000 thành viên. Với thầy Cẩn, những tâm tư, tình cảm học sinh dành cho mình qua mạng xã hội cũng là động lực tiếp sức trong sự nghiệp lái đò tri thức.
Thầy Cẩn tâm sự: “Tôi cũng bận với những công việc chuyên môn, ít có thời gian chia sẻ với tất cả học trò. Mạng xã hội là nơi giúp tôi đón nhận tình cảm yêu mến, thậm chí cả những băn khoăn, lo lắng của các em. Không ít lần thầy trò tâm sự qua Facebook để hóa giải những hiểu nhầm không đáng có”.
Cũng có khi, thầy giáo dùng Facebook để trao đổi về những thiếu sót của học trò, như thầy Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội. Một lần dạo sân trường, thấy những cây xanh bị sinh viên vô ý thức khắc tên chi chít, thầy Cương chụp ảnh rồi đăng lên Facebook với dòng thông điệp tế nhị. Rất nhiều sinh viên của trường chia sẻ bài viết với thái độ đồng tình. Hình ảnh đó đã tác động đến ý thức của nhiều bạn trẻ.
Và như thế, mạng xã hội mỗi ngày lại xuất hiện thêm những câu chuyện đẹp về tình thầy trò. Những người như thầy Cương, thầy Cẩn vẫn đăng nhập Facebook hàng ngày như một cách để đón nhận tâm tư, tình cảm của bạn trẻ. Thậm chí, những hiểu lầm không đáng có giữa thầy và trò được hóa giải nhờ những dòng inbox.
Mạng thì ảo nhưng tình thầy trò rất thật. Những câu chuyện nhân văn như của thầy Trắc, thầy Lực, thầy Thanh được lan tỏa, giúp học sinh luôn có lòng tin vào những điều tốt đẹp phía sau cổng trường.