Tôi là cơ trưởng của một hãng hàng không, làm việc ở cấp quản lý và có thu nhập khoảng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Đến nay, tôi đã trải qua 20 tháng giảm đến 80% thu nhập vì dịch.
Ban đầu, tôi chọn cách sống chậm, tận hưởng mọi thứ. Sau đó, tin xấu đến dồn dập và một lần nữa, những chuyến bay không thể cất cánh.
Vì vậy, tôi chọn biến những ngày giãn cách xã hội trở thành quãng lấy đà. Giống như một cây súng cao su, đôi khi bạn phải lùi lại để có thể tiến nhanh và xa hơn về phía trước.
Học những thứ cơ bản nhất ở tuổi 30
Ngoài việc lái máy bay, tôi có làm một chức vụ nhỏ liên quan đến quản lý chất lượng huấn luyện cho phi công. Công việc này đa phần đòi hỏi kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, giống như các vị trí làm việc văn phòng khác, đôi khi bạn phải sử dụng Excel.
Kỹ năng Excel của tôi khá tệ. Mỗi lần phải làm việc với Excel, tôi sẽ tốn nguyên ngày để làm những việc mà một người chuyên nghiệp có thể làm trong 1 đến 2 giờ.
Thế là tôi đăng ký một khoá học Excel online cơ bản kéo dài 4 tuần.
Tôi nghĩ mọi người đều ngại học những thứ cơ bản. Nhất là khi bạn đã 30, đang làm công việc ở cấp quản lý. Một phần vì công việc bận bịu, một phần vì tự thấy kỹ năng của mình vẫn tạm ổn và đủ dùng.
Vì giãn cách xã hội, chúng ta dư dả hơn về thời gian. Vậy nên, đây là dịp tốt nhất để làm những thứ bạn vẫn luôn trì hoãn.
Tự học không dễ
Học online tại nhà đòi hỏi tính kỷ luật cao hơn là tôi nghĩ. Tôi mất khoảng 2 tuần đầu chẳng học gì cả sau khi đăng ký lớp.
Không có giáo viên, không có deadline, không có áp lực từ bạn học, bạn chỉ hy vọng duy nhất vào người giám thị là chính bản thân mình.
Tới tuần thứ 3, sau khi nhận một vài email nhắc nhở động viên được gửi tự động từ hệ thống, tôi quyết định rằng mình phải đặt việc học vào khuôn khổ. Tôi đặt lịch học vào ứng dụng trên điện thoại, cố định học vào 9 giờ sáng, 3 ngày một tuần.
Việc học Excel trở thành một phần trong danh sách những việc phải làm trong ngày mà điện thoại sẽ nhắc nhở vào mỗi sáng. Tôi cố gắng để tuân thủ theo lịch.
Đúng 8 giờ 50 phút sáng, tôi sẽ mặc quần áo, rót cho mình một ly cà phê và ngồi xuống bàn học. Nếu ngày hôm đó có việc vào buổi sáng, tôi sẽ dời lịch học vào thời điểm chính xác mà mình sẽ rảnh trong ngày như cách dời lịch một cuộc họp quan trọng.
Nhờ đó, kế hoạch học tập diễn ra đúng theo lịch trình. Sau đó, tôi còn học thêm một khóa học về quản lý dự án.
Tiến lên khi mọi thứ xung quanh dừng lại
Trong báo cáo về kỹ năng toàn cầu của Coursera năm 2021, họ nhận định Covid-19 sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới. Nó cũng khiến cho hàng triệu người trở nên thiếu chuẩn bị cho cuộc sống hậu đại dịch. 255 triệu việc làm đã mất đi và rất nhiều trong số đó sẽ không bao giờ quay trở lại.
Một báo cáo khác cũng dự đoán rằng tới năm 2030, sẽ có tới 100 triệu lao động sẽ phải tìm kiếm cơ hội việc làm ở một lĩnh vực khác công việc hiện tại. Con số này tăng từ 12- 25% so với những dự báo trước đại dịch.
Câu hỏi là bạn sẽ làm gì nếu mình ở trong con số 100 triệu lao động đó? Câu trả lời là bạn cần thật giỏi những kỹ năng sẵn có và sẵn sàng tiếp nhận những kỹ năng mới.
Khi có thời gian 3 tháng ở nhà, tôi quyết định củng cố lại những kỹ năng mà mình chưa tốt. Sau thời gian này, tôi đặt ra quyết tâm mình sẽ học những kỹ năng mới. Danh sách của tôi đang dài thêm với những thứ như: học cách phân tích dữ liệu, machine learning (máy học)... Đây là những thứ mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ học nếu như không có thời gian giãn cách xã hội vừa rồi.
Thế giới xung quanh mình không thực sự dừng lại trong thời gian qua. Nó đang ngồi yên, lột xác và sẽ biến đổi ở tốc độ khủng khiếp hơn trong một thế giới hậu đại dịch.
Tôi biết cách để thích nghi duy nhất là mình phải trở thành một khẩu súng cao su.
Nguyễn Quang Đạt (sinh năm 1991)
- Từng là cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam
- Tác giả sách "Là vì con tim anh rung lên"