Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mật mã bảo vệ phụ nữ khỏi bị quấy rối khi đi bar

"Angel shot" trở thành tín hiệu cầu cứu của các khách nữ khi bị người khác quấy rối, bám đuôi trong quán bar, theo The Lily.

Emily Farris (29 tuổi), nhân viên tiếp thị rượu, thường dành ngày cuối tuần tới quán bar, hộp đêm để giới thiệu hàng mẫu và thử các loại rượu mới.

Cô muốn được thử nhiều loại đồ uống cồn, đặc biệt thích bia thủ công, whisky, hay nhấm tequila mỗi khi vui.

Tuy nhiên, cô không bao giờ muốn gọi "angel shot", thức uống theo yêu cầu, khi đi bar.

Chia sẻ với The Lily, Farris cho biết loại đồ uống này là từ khóa cầu cứu khi một cô gái bị người lạ quấy rối, bám đuôi, cần sự giúp đỡ từ nhân viên hoặc cảnh sát.

phu nu my bi quay roi anh 1

"Angel shot" trở thành tín hiệu cầu cứu được nhiều phái nữ sử dụng khi bị quấy rối, bám đuôi tại quán bar. Ảnh: Stephen Yang/New York Post.

Phản ứng trái chiều

Khi xu hướng hẹn hò trực tuyến ngày càng phổ biến, những lời kêu cứu được "mã hóa" dưới dạng tên đồ uống được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội nhằm bảo vệ phái nữ.

Dù có thể mang tên gọi khác ở các quán bar, "angel shot" có ý nhắn nhủ bartender hộ tống khách ra xe an toàn.

Nếu một vị khách nữ gọi "angel shot với đá", họ muốn nhờ nhân viên gọi xe hộ, và "angel shot thêm chanh" ám chỉ hành động báo cảnh sát.

phu nu my bi quay roi anh 2

Một số quán bar treo biển "mật mã" trong nhà vệ sinh nữ để thông báo cho khách nữ. Ảnh: Instagram.

Năm 2011, Farris buộc phải gọi một ly "angel shot thêm chanh" trong buổi hẹn với người bạn trai trên mạng. Khi thấy người này trở nên thô bạo, cố ý kéo váy của cô, Farris liên tục từ chối và tìm đến sự giúp đỡ từ nhân viên quán bar.

"Khi nghe tôi gọi đồ uống, nhân viên bị sốc và lập tức hội ý với đồng nghiệp. Ít phút sau, 2 cảnh sát tới, giải cứu tôi từ phòng chứa đồ và tống cổ kẻ kia khỏi quán".

Ý tưởng "angel shot" nhận được nhiều lời tán dương từ dân mạng, song cũng đem lại nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Không ít người lo ngại khi cách sử dụng chúng được lan tỏa rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội.

"Tôi nghĩ biện pháp can thiệp này đặt nhiều trách nhiệm lên nạn nhân. Họ phải biết mật mã để có thể kêu cứu", Miranda Martone, nhà sáng lập Hiệp hội Phòng chống Bạo lực Tình dục, nói.

phu nu my bi quay roi anh 3

Nhiều ý kiến lo ngại việc phổ biến ý nghĩa của "angel shot" sẽ khiến thủ phạm biết rõ, đánh mất tác dụng.

Hơn nữa, phương thức này cũng không chủ đích lật tẩy thủ phạm mà chỉ giải cứu các cô gái khỏi tình huống nguy cấp.

Khi được chia sẻ quá rộng rãi trên mạng xã hội, "angel shot" có thể đánh mất hiệu quả.

"Nếu ai cũng biết 'mật mã' là gì, có lẽ kẻ tấn công cũng nắm rõ điều đó", một dân mạng bình luận.

Một người dùng mạng xã hội khác cũng lưu ý rằng ở quốc gia có 60% bartender là nữ, phương thức này buộc họ phải trở thành người bảo vệ.

Điều này có thể khiến họ gặp nguy hiểm, thêm gánh nặng dù chỉ được nhận mức lương thấp.

"Họ an toàn khi ở đây"

Theo The Lily, nhiều nghiên cứu chỉ ra đại dịch Covid-19 làm gia tăng các vụ bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái.

Đáng nói, khi nhiều người chuyển sang hẹn hò online trong thời gian giãn cách xã hội, lượng báo cáo về tình trạng quấy rối cũng tăng cao.

"Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở đối tượng là học sinh cấp 2, cấp 3 và thậm chí là cả đại học", Martone cho biết.

phu nu my bi quay roi anh 4

Các quán bar ở Mỹ nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị quấy rối tình dục. Ảnh: Getty.

Dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng quán bar, hộp đêm ứng dụng biện pháp trên, hàng chục cơ sở kinh doanh ở Mỹ đã đăng tải lên mạng xã hội các chương trình tương tự.

Ở Frisco Bar & Grill (bang Texas), hướng dẫn về "angel shot" được treo trong nhà vệ sinh nữ suốt hơn 2 năm qua.

"Thật may mắn vì chưa có khách nào gọi 'thức uống' này. Tôi đề biển để cho phái nữ biết họ an toàn khi ở đây", Tony Spino, chủ quán, nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phụ nữ không phải đối tượng duy nhất cần tới biện pháp này. Nam giới, người chuyển giới cũng là nạn nhân của quấy rối, bạo lực tình dục.

"Họ xứng đáng được biết 'mật mã' và được sử dụng chúng để bảo vệ an toàn cho mình", Martone nói thêm.

Gần đây, quán của Spino đang thảo luận để trưng biển "mật mã" trong nhà vệ sinh của nam giới.

"Chỉ cần ai đó cần giúp đỡ, tất cả nhân viên sẽ tham gia, hỗ trợ hết mình", anh chia sẻ.

Martone khuyến nghị các quán bar, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí đêm cần có kế hoạch, biện pháp can thiệp hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.

"Văn hóa hiếp dâm có định nghĩa sâu rộng, từ hành vi bạo lực tình dục cho đến trò đùa hiếp dâm", cô nói.

Martone góp ý các quán bar có thể gợi ý khách hàng chia sẻ nếu họ đang dự buổi hẹn hò đầu tiên khi đặt chỗ để nhân viên có thể can thiệp, hỗ trợ khi cần.

"Thật tốt khi các quán bar đang nỗ lực hết mình để ngăn tình trạng này", Martone bày tỏ.

Người New York chật vật khi bỏ phố về quê

Dưới ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều cư dân thành thị ở Mỹ muốn chuyển về ngoại ô sinh sống. Tuy nhiên, họ sớm nhận ra cuộc sống thôn quê không dễ dàng như tưởng tượng.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm