Rebecca Holloway, một người mẹ 3 con mới ly hôn, đã trở thành nạn nhân mới nhất của vụ lừa đảo theo kiểu "chăn lợn", theo New York Post.
Thuật ngữ này dùng để chỉ hành vi xây dựng mối quan hệ tình cảm tin cậy với nạn nhân trong nhiều tháng, tương tự "vỗ béo một con lợn". Sau đó thuyết phục nạn nhân đầu tư tiền vào một cuộc làm ăn giả mạo, giống như "đưa lợn lên bàn mổ lấy thịt".
Sau khi “quẹt phải" với Holloway trên ứng dụng hẹn hò hồi tháng 3, kẻ lừa đảo tự xưng là một doanh nhân người Pháp tên Fred, hiện sống ở bang Philadelphia (Mỹ).
Trong vòng 3 tháng, Rebecca Holloway bị lừa mất toàn bộ tiền tiết kiệm. Ảnh: Rebecca Holloway/LinkedIn. |
Khi cả hai dần trở nên thân thiết, hắn thúc giục Holloway đầu tư vào tiền điện tử, đặc biệt sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon.
Cuối cùng, hắn đã thành công dụ dỗ người phụ nữ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm, tương đương 100.000 USD.
“Những phụ nữ độc thân tuổi trung niên rất dễ bị tổn thương. Rồi đột nhiên, một gã đàn ông điển trai tiếp cận và chủ động bắt chuyện, khiến những người như tôi cảm thấy rất phấn khích”, Holloway kể lại.
Những tương tác ban đầu giữa cô và Fred không giống như những người khác mà cô từng gặp trên Tinder trước đây. Hắn gửi cho cô tin nhắn đều đặn và tỏ thành ý.
“Khi nhìn lại, tôi nhận ra các dấu hiệu lừa đảo quá rõ ràng. Nhưng vào thời điểm đó, tôi muốn tin rằng những lời anh ta nói là sự thật”.
Cuộc hội thoại khiến người phụ nữ cảm thấy giữa họ có một mối liên kết, đặc biệt sau khi Fred tự nhận mình là một ông bố có 3 con, giống như Holloway. Họ có gọi điện video, nhưng kẻ này gần như không xuất hiện trên màn hình.
Ở hình thức lừa đảo "chăn lợn", tội phạm sẽ "vỗ béo" nạn nhân bằng những lời ngọt ngào cho đến khi rút tiền của họ. Ảnh: Jet Cat Studio. |
Dần dần, nạn nhân tin tưởng vào lời chiêu dụ của kẻ lừa đảo về việc đầu tư tiền điện tử.
Ban đầu, Fred khuyên cô hãy chuyển 1.000 USD vào một nền tảng điện tử. Nhờ đó, Holloway kiếm được 168 USD. Lần tiếp theo, nạn nhân được khuyên nên thực hiện khoản đầu tư lên đến 6.000 USD và thu về số tiền nhất định.
Cuối cùng, Holloway quyết định đầu tư toàn bộ số tiền có trong tài khoản hưu trí của mình.
Sự việc xảy ra với Holloway là ví dụ mới nhất về hình thức lừa đảo kiểu “chăn lợn” - lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào đầu năm 2010.
Trước đó, Shreya Datta (37 tuổi), giám đốc của một công ty công nghệ đa quốc gia ở Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ, cho biết cô đã bị lừa hơn 450.000 USD với hình thức tương tự.
“Tôi như bị thôi miên và cảm thấy mình đã tìm được bạn đời”, Datta nói với The Philadelphia Inquirer.
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu Gaso, gần 2.000 người đã bị lừa tổng cộng hơn 310 triệu USD kể từ giữa năm 2021.
Các nạn nhân đến từ ít nhất 46 quốc gia, phần lớn ở Mỹ và những nước châu Âu. Tuy nhiên, con số báo cáo có thể thấp hơn so với thực tế, bởi nạn nhân xấu hổ và sợ bị chế giễu, theo Grace Yuen, phát ngôn viên của Gaso.
Thậm chí, đa số người bị hại có chuyên môn, bằng cấp cao, kể cả những người có hiểu biết về tài chính.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.