Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặt trái của những lời tố cáo ẩn danh ở Hàn Quốc

Sự nghiệp của ngôi sao Hàn Quốc dễ tiêu tan khi lời cáo buộc bạo lực, đánh đập bạn học xuất hiện. Song, việc nạn nhân ẩn danh khiến câu hỏi về tính xác thực còn bỏ ngỏ.

Từ đầu năm, những lời tố cáo ẩn danh nhắm vào người nổi tiếng tại Hàn Quốc xuất hiện hàng loạt, theo Washington Post.

Chỉ trong tháng 2, liên tiếp các vụ bê bối xảy ra, gần như hủy hoại sự nghiệp của nhiều nhân vật thuộc giới thể thao và làng giải trí Hàn Quốc khi nhiều nạn nhân đứng lên tố cáo từng bị người nổi tiếng bắt nạt.

Mat trai cua viec to cao sao Han bat nat anh 1

Các vụ bạo lực học đường được vạch trần, hầu hết chỉ tập trung vào việc bêu rếu, trừng phạt và cải tạo những kẻ bắt nạt, trong khi các nạn nhân ít được quan tâm, giúp đỡ. Ảnh: Kdrama.

Cặp "nữ thần bóng chuyền" Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong bị cấm thi đấu vô thời hạn sau khi đưa ra lời xin lỗi công khai. Thành viên Seo Soo Jin của nhóm (G)I-dle, Lee Na Eun (nhóm April), nam diễn viên Cho Byung Gyu, nữ diễn viên Park Hye Soo đều chịu kết cục bị khán giả tẩy chay, nhãn hàng quay lưng, sự nghiệp đóng băng.

Lo sợ fan của nghệ sĩ tấn công và phản ứng dữ dội của công chúng, hầu hết người tố cáo đều giấu tên.

Dù tiếp tục phơi bày nạn bắt nạt nghiêm trọng ở xã hội Hàn Quốc, việc nạn nhân không công khai cũng đặt ra câu hỏi về tính công bằng, xác thực của những lời lẽ buộc tội.

Thủ phạm cũng có thể là nạn nhân

Khi những lời tố cáo này xuất hiện, chúng nhận được sự hưởng ứng lớn từ khán giả, nhất là khi các nỗ lực xóa bỏ bạo lực học đường mới chỉ ở mức tạm thời.

Theo đài truyền hình KBS vào tháng 2, một võ sĩ từng vô địch Á vận hội cũng đã rời khỏi đội tuyển Olympic Hàn Quốc sau khi bị cáo buộc lạm dụng thể chất và tình dục khi còn học trung học.

Võ sĩ này thừa nhận cáo buộc bắt nạt nhưng không trả lời yêu cầu bình luận thêm của đài KBS. Một loạt các VĐV bóng chày, bóng đá và bóng rổ chuyên nghiệp khác cũng phải đối mặt với cáo buộc bắt nạt trong các cuộc phỏng vấn và bài đăng ẩn danh trên các diễn đàn trực tuyến.

Một số đã nhận trách nhiệm, những người khác đang cố gắng chứng minh mình vô tội. Nhiều cáo buộc vẫn chưa được xác minh.

Sau khi cặp "nữ thần bóng chuyền" bị tố cáo từng lăng mạ, đe dọa đàn em, một bài đăng ẩn danh từ một người tự xưng là đồng đội khác xuất hiện, nói hai chị em họ Lee có hành vi ăn cắp tiền, đấm vào đầu người này, thậm chí dùng dao đe dọa.

Mat trai cua viec to cao sao Han bat nat anh 2

Nhiều người nổi tiếng Hàn Quốc đang đối mặt làn sóng tẩy chay sau một loạt cáo buộc bắt nạt trong quá khứ. Ảnh: Zhihu.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đưa tin cặp song sinh dự định phản đối lại một số lời tố cáo.

Không riêng VĐV, các HLV cũng bị cáo buộc đánh đập, lạm dụng tình dục các học trò của mình. Năm ngoái, nữ VĐV 3 môn phối hợp Choi Suk-hyeon tự tử sau khi tố cáo HLV cùng 2 đồng đội khác thường xuyên có hành vi bạo lực và lạm dụng tình dục.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi rằng liệu tính chất siêu cạnh tranh trong xã hội Hàn Quốc và những áp lực mà nó gây ra có chịu trách nhiệm cho việc làm trầm trọng thêm nạn bắt nạt không.

“Nhiều khả năng các HLV, VĐV - những người từng trải qua đòn roi thường xuyên do đàn anh và thầy cô của họ - sẽ làm điều tương tự với những người dưới quyền khi họ lớn lên", Park Ju-han, người đứng đầu bộ phận giáo dục tại Blue Tree Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận về chống lại bắt nạt và bảo vệ nạn nhân, nói.

“Chuỗi cáo buộc gần đây làm dấy lên nỗi sợ hãi ở người nổi tiếng về việc bị buộc tội là thủ phạm, trong khi họ có thể cũng từng là nạn nhân của bạo lực”.

Mat trai cua viec to cao sao Han bat nat anh 3

Lee Da-yeong (ở giữa) trong một trận thi đấu bóng chuyền vào năm 2019. Ảnh: AFP.

Bị vu khống

Tranh thủ làn sóng tố cáo, nhiều kẻ tung tin đồn nhảm nhắm đến các thần tượng nhằm hủy hoại danh tiếng của họ.

Ngày 22/2, một cá nhân ẩn danh viết trên mạng xã hội rằng nữ ca sĩ Hyuna là “đầu gấu” hồi lớp 5, từng tát vào mặt người đó và 2 bạn học khác. Người này còn đính kèm bức ảnh nữ nghệ sĩ chụp cùng lớp tiểu học làm bằng chứng.

Sau đó, cả nữ ca sĩ và công ty quản lý lên tiếng phản pháo tin đồn vô căn cứ.

Chuu (LOONA) bất ngờ trở thành kẻ bắt nạt học đường chỉ sau một bài đăng ẩn danh trên mạng xã hội. Người này cho biết hồi cấp 2, Chuu chơi thân với một kẻ bắt nạt khác và khiến nhiều học sinh bị tẩy chay.

Ngày 24/2, người đăng xóa bài viết ngay sau khi BlockBerry Creative, công ty chủ quản của nhóm nhạc nữ LOONA, tuyên bố đã làm việc với công ty luật và khởi kiện tin đồn thất thiệt.

Người này vội vã gửi lời xin lỗi đến Chuu, thừa nhận nội dung bài đăng phóng đại quá mức bình thường.

Mat trai cua viec to cao sao Han bat nat anh 4

Việc vạch trần hành vi bắt nạt trong quá khứ có thể khiến thủ phạm phải trả giá nhưng không dễ để nạn nhân quên đi vết thương lòng. Ảnh: Korea Times.

Tháng 2, luật sư của Park Ji-hoon (22 tuổi, cựu thành viên Wanna One) tiết lộ kẻ cáo buộc nam thần tượng này bắt nạt học đường cách đây 4 năm thực chất là một nhân viên văn phòng 28 tuổi chưa từng gặp nam ca sĩ, theo Koreaboo.

"Thật khó để biết liệu thần tượng có bắt nạt hay vướng các vụ bê bối khác trước khi ra mắt hay không. Họ có thể nói dối về quá khứ, có thể bị vu khống. Việc này thực sự khó khăn", nhà phê bình Kim Hern Sik chia sẻ với The Korea Times.

Han You-kyung, người đứng đầu Viện Phòng chống Bạo lực Học đường tại Đại học nữ sinh Ewha ở Seoul, cho biết các cuộc khảo sát không kết luận bắt nạt học đường ở Hàn Quốc nghiêm trọng hơn các nước phát triển khác.

Nhưng Han gọi Hàn Quốc là “một nền văn hóa đặt thành tích làm trọng tâm” và là nơi hệ thống đưa ra hình phạt yếu ớt đối với những kẻ bắt nạt.

“Nếu những vấn đề này được giải quyết đúng cách vào thời điểm đó, các nạn nhân sẽ không cảm thấy cần phải nhắc lại những ký ức đau buồn thông qua việc công khai chúng. Phản ứng trực tuyến cho thấy công chúng Hàn Quốc coi bạo lực là không thể dung túng hoặc không thể thông cảm với lý do còn trẻ người non dạ”, cô nói.

“Tuy nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng liệu vạch trần thủ phạm công khai như vậy có giúp giải quyết ký ức đau thương của nạn nhân hay không. Thay cho một cuộc săn phù thủy, giải pháp thực sự là cả thủ phạm và nạn nhân cùng hợp tác giải quyết mâu thuẫn theo cách xây dựng", Choi Sun-hee, cố vấn của Blue Tree Foundation, nói.

Túng thiếu, người trẻ Hàn Quốc làm 'chuột thí nghiệm' để kiếm tiền

Tham gia thử nghiệm lâm sàng đổi lấy tiền đang là cách nhiều thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp chọn để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, việc làm này dấy lên các tranh cãi về đạo đức.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm