Cuối tháng 5, không lâu sau khi mắc Covid-19 nhẹ, Peter Kelly, 28 tuổi, lên cơn sốt đột ngột. Anh nhanh chóng nhận ra đó không phải là đợt tái nhiễm nCoV.
Chỉ sau vài ngày, nam thanh niên ở Toronto, Canada kiệt sức, các cơ đau nhức. Thân nhiệt của Peter tăng nhanh, thường xuyên bị ớn lạnh, đổ mồ hôi trộm. Sau đó, những vết loét kỳ lạ bắt đầu xuất hiện trên các bộ phận khác nhau. Cuối cùng, Peter đếm được có đến hơn 20 vết loét, chủ yếu ở chân, vùng kín.
Bối rối, hoảng sợ
Là vũ công chuyên nghiệp, Kelly đã quen với những cơn đau. Anh bị thương rất nhiều - gần đây nhất là gãy xương sườn - và bị chàm nghiêm trọng - tình trạng có thể gây ngứa hoặc rát da.
Nhưng Peter Kelly chưa bao giờ trải qua điều gì kinh khủng như những vết thương không rõ nguyên nhân xuất hiện hàng loạt ở vùng nhạy cảm. "Điều này ở cấp độ khác. Bạn không thể kiểm soát được nó. Như có lưỡi dao kề xuống và bạn liên tục bị sốc", nam bệnh nhân kể lại với CBC.
Gần một tháng sau, Peter liên tục phải làm xét nghiệm, 3 lần vào phòng cấp cứu, một lần bị nhiễm trùng vết loét. Cuối cùng, kết quả xét nghiệm kết luận anh dương tính với virus đậu mùa khỉ hay còn gọi là MPXV.
Peter Kelly hết cách ly vào ngày 21/6, tự tin sải bước dưới con phố ngập nắng ở Toronto, Canada. Ảnh: CBC Canada. |
"Tôi trải qua những điều khá tệ về thể chất trong một số thời điểm nhất định. Nhưng vấn đề lớn nhất tôi phải đối mặt đó là áp lực về tinh thần. Đó là khoảng thời gian cách ly rất dài", Peter tâm sự.
Nam thanh niên ở Canada không phải người duy nhất đối mặt với nỗi đau, sự không chắc chắn và những gì có thể xảy ra trong khoảng thời gian bị cô lập kéo dài hàng tuần.
Hàng trăm người ở Canada và hơn 4.000 người trên toàn cầu đã bị nhiễm MPXV trong đợt bùng phát từ tháng 5. Đây là virus cùng họ với thủy đậu, gây ra hàng loạt triệu chứng kéo dài, thường xuyên và gây lây nhiễm cho đến khi vết thương bong vảy.
Để điều trị nhiều vết thương ở nhà, Peter sử dụng găng tay cao su, băng quấn và thuốc mỡ với nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau. Ảnh: Peter Kelly. |
Mất tất cả mọi thứ
Trải qua thử thách MPXV kéo dài nhiều tuần đau đớn, Peter Kelly vẫn sống biệt lập trong căn hộ ở trung tâm thành phố Toronto. Anh chỉ rời khỏi nhà để đến phòng khám, bệnh viện theo lịch hẹn. Peter làm điều này mong virus không lây sang cho người khác, để họ không có trải nghiệm đau đớn tương tự.
Chàng trai 28 tuổi cho biết phải hủy hợp đồng biểu diễn hết tháng 6 và lo lắng làm thế nào có đủ tài chính để trả tiền thuê nhà. Peter hiện sống dựa vào bạn bè, họ cung cấp đồ ăn và cho anh vay một ít tiền.
"Tôi đã mất tất cả công việc", anh buồn rầu nói.
Trong khi những căng thẳng chồng chất, anh phải tự chăm sóc vết thương hàng ngày, liên tục thay băng, giặt giường, ga gối thường xuyên để tiêu diệt mọi virus.
Peter cũng đã đến phòng cấp cứu nhiều lần. Một lần để kiểm tra MPXV, tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Lần thứ hai anh nhập viện vì quá đau đớn do các tổn thương bên trong. Lần thứ 3 là sau vài tuần, anh ốm nặng, bàn chân ửng đỏ, nhiễm trùng.
Toronto Public Health đã hỗ trợ qua điện thoại và một nhân viên xã hội đã liên hệ trực tiếp để giao thuốc, thẻ mua sắm tạp hóa cho nam bệnh nhân. Nhưng nhiều tuần trôi qua, một số vết thương chưa lành hẳn. Thời gian cách ly dưới tầng hầm của căn hộ khiến Peter "không thể chịu đựng được".
Peter chia sẻ: "May mắn là tôi sống một mình và căn hộ đầy đủ tiện nghi. Tôi không thể tưởng tượng những người cách ly 21 ngày chỉ trong căn phòng vài m2, bên ngoài vẫn còn người thân".
Peter Kelly trò chuyện với CBC News về trải nghiệm mắc đậu mùa khỉ qua zoom. Ảnh: CBC News. |
Ngừng kỳ thị
Ai cũng có thể mắc đậu mùa khỉ. Căn bệnh này trong một số trường hợp có thể gây chết người, phần lớn ở những nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ hoặc những người đang mang thai. Virus sống trong các ổ chứa động vật đã lây lan sang người trong nhiều thập kỷ qua khắp một số khu vực ở Tây và Trung Phi.
Nhưng sự lây lan từ người sang người đang diễn ra được cho là rất bất thường. Điều đặc biệt là nó tập trung ở cộng đồng đồng tính nam.
Peter khá thoải mái khi thừa nhận bản thân thuộc cộng đồng LGBT+, không ngại chia sẻ về việc mình nhiễm virus MPXV sau khi đến nhà tắm hơi cho người đồng tính.
"Tôi cố gắng cởi mở về giới tính của mình và cố gắng sống thật tích cực. Tôi hy vọng mọi người có thể hiểu điều đó và có sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, sự hiểu biết, đồng thời ngừng kỳ thị giới tính của chúng tôi vì điều lố bịch như vậy", Peter nói. Anh đã nhận một số tin nhắn khiếm nhã, miệt thị là mắc "bệnh đậu mùa đồng tính".
Theo anh, "nó tình cờ ảnh hưởng đến cộng đồng này vào thời điểm này. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ không ảnh hưởng đến những người khác". Đó là lý do mặc dù bị cô lập hàng tuần, mất việc, sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Peter vẫn kiên quyết giam mình trong nhà cho đến khi vết thương lành lại.
Ngày 21/6, anh nhận được quyết định dỡ bỏ cách ly. Đứng trên con phố ngập nắng, mặc quần jean, áo sơ mi trắng, Peter Kelly suy tư về trải nghiệm nhiễm MPXV bất ngờ của mình. Theo anh, giới chức nên có nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn, giúp những tuần sống cô lập dễ dàng hơn.
“Bởi sẽ có những người cần chúng”, anh nói.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).