Ngày nay, khi đi qua số 430 đại lộ Park Avenue, phố 56, New York, Mỹ, những tòa nhà kính chọc trời hay những giao lộ nhộn nhịp ắt hẳn chưa đủ để thu hút ánh nhìn từ bạn.
Tuy nhiên, cũng tại địa điểm này 63 năm về trước, chắc chắn bạn sẽ phải đi chậm lại và ngó qua lớp cửa của một showroom ôtô. Sức hút đến từ những chiếc Porsche Speedster đời đầu, hoặc những chiếc BMW mui trần trên bục xoay, và cả những chiếc Jaguar hay Mercedes-Benz ngay cạnh đó.
Thời điểm bấy giờ, đó có thể là lần đầu tiên bạn được tận mắt trông thấy những chiếc xe đến từ các thương hiệu nổi tiếng này. Chúng đến với New York nhờ bàn tay của Max Hoffman, người sáng lập nên Hoffman Motor, công ty nhập khẩu ôtô chính thức đầu tiên tại thị trường Mỹ.
|
Những chiếc Porsche được trưng bày tại showroom của Hoffman. |
Khởi đầu đầy thách thức
Max Hoffman tên đầy đủ là Maximilian Edwin Hoffman, sinh ra ở Vienna, nước Áo năm 1904. Ông bắt đầu năm tháng tuổi trẻ của mình trên những đường đua mạo hiểm.
Với niềm đam mê tốc độ từ sớm, ông cùng người bạn của mình thành lập một công ty kinh doanh ôtô nhập khẩu ngay tại quê nhà vào năm 1934. Công ty của ông khởi đầu khá thuận lợi với những chiếc Volvo đầu tiên được nhập từ vùng Scandinavia sang đến Trung Âu.
|
Max Hoffman có khởi đầu sự nghiệp đầy gian truân. |
Năm 1938, thế chiến thứ II nổ ra khi Áo bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, Hoffman buộc phải rời quê hương để đến với thủ đô Paris yên bình, trước khi đặt chân đến New York 3 năm sau đó.
Trong thế chiến, nền công nghiệp ôtô tại Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể. Trước tình hình đó, Hoffman cảm thấy mình cần phải có một con đường tiếp cận kinh doanh khác. Ông quyết định thành lập một công ty chuyên cung cấp đồ trang sức, với số vốn ban đầu ít ỏi.
Sự trở lại ngoạn mục
Chiến tranh kết thúc, cũng chính là lúc ông đủ sức và lực để tiếp tục giấc mơ tốc độ còn dang dở của mình. Năm 1947, Hoffman Motor mở cửa trở lại, nằm trên đại lộ Park Avenue, New York. Ở đó, chiếc xe đầu tiên được trưng bày là chiếc coupe Delahaye huyền thoại.
|
Chiếc Porsche tại New York, Mỹ năm 1953. |
Năm 1948, Hoffman Motor ký hợp đồng phân phối xe với Jaguar. Công ty nhanh chóng mở rộng mạng lưới của mình và thành lập chi nhánh thứ hai tại Chicago.
Trên đà thành công, Hoffman bất chấp rủi ro khi nhập tới 20 chiếc Volkswagen Beetle về New York vào năm 1949. Tuy nhiên, chỉ hai trong số đó được bán ra ở năm đầu tiên. Cuối cùng, dự án này thất bại sau 4 năm nỗ lực.
Cũng vào năm 1949, Hoffman tình cờ nghe được thông tin từ bạn bè ở Áo về một hãng xe thể thao nổi tiếng nước Đức. Đó cũng chính là lúc ông quyết định đến thăm Ferdinand Porsche.
“Hòn ngọc” ôtô nước Đức
Suốt 6 thập kỷ qua, Porsche luôn coi Mỹ là thị trường tiềm năng nhất cho dòng xe thể thao của mình. Trong năm 2017, Porsche xác lập kỷ lục doanh số tại đây với lượng xe bán ra đạt 55.420 chiếc, tăng 2.1% so với cùng kỳ năm 2016.
Sự thành công đáng kinh ngạc đó khởi nguồn tại triển lãm xe hơi Paris năm 1950, nơi Hoffman lần đầu gặp Ferdinand Porsche cùng người con trai Ferry của ông để bàn bạc về việc nhập khẩu mẫu xe thể thao Porsche 356.
|
Những chiếc Porsche được nhập khẩu sang New York bằng đường thủy. |
Chứng kiến thị trường ôtô tại Mỹ, Ferry dự kiến doanh số bán hàng sẽ là 5 chiếc trong năm thứ nhất. Ngược lại, Hoffman có tham vọng lớn hơn khi tự tin cho rằng số lượng xe đó có thể được bán ra sau mỗi tuần. Hai bên đạt thỏa thuận với nhau, và 15 chiếc Porsche 356 lần đầu xuất hiện trên đại lộ Park Avenue cuối năm 1950.
Dự án thành công rực rỡ với 32 chiếc Porsche 356 đến tay người tiêu dùng Mỹ trong năm 1951. Nhưng với Hoffman thế là chưa đủ, thương hiệu cần có một chiến lược kinh doanh tốt hơn, và ông đã có những ý tưởng mới.
Thành công rực rỡ
Trong một bữa ăn trưa ở New York năm 1952, Hoffman đã đề cập với Ferry về việc những chiếc xe của mình cần có một biểu tượng thanh lịch và đáng nhớ. Trên chiếc khăn ăn của mình, Ferry phác họa hình tấm khiên và nói rằng nó sẽ trở thành biểu trưng của Porsche. Hình vẽ này lập tức xuất hiện lần đầu trên những chiếc xe của họ trong cùng năm đó.
Bên cạnh biểu tượng mới, Hoffman cũng cho rằng: “người Mỹ sẽ không mua những chiếc xe mà không có tên thật”. Chính vì thế, chiếc Porsche 356 America Roadster chính thức ra đời không lâu sau đó.
|
Mang Porsche đến New York là bước đi đúng đắn của Hoffman. |
Doanh số bán ra trong năm hợp tác thứ hai lên đến 141 chiếc, nhưng một người tham vọng lớn như Hoffman cần sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Chiếc Porsche Cabriolet với sự bổ sung lớp đệm và radio, có giá bán 4.500 USD tại Đức, cao hơn một chiếc Cadillac mui trần. Mẫu xe này chính thức được Hoffman mang đến Mỹ vào tháng 9/1954 với mức giá hợp lý hơn. Trong năm đó, doanh số bán ra của Porsche Cabriolet đạt con số ấn tượng 4.854 chiếc.
Châu Âu trên đại lộ Park Avenue
Năm 1953, Hoffman đã nhờ sự giúp đỡ của Frank Lloyd Wright, một kiến trúc sư người Mỹ lừng danh để thiết kế một đại lý mới, với mức thù lao tương đương một cặp Mercedes-Benz.
Đến năm 1955, showroom này chính thức khai trương, không lâu trước khi tập đoàn Porsche of America được thành lập và có chi nhánh tại New York vào tháng 10.
Sau vụ việc bị cáo buộc tiến hành thử nghiệm xe ngay trên đại lộ Park Avenue, đại lý này được Hoffman bán cho Mercedes-Benz vào năm 1958.
Nơi này trải qua hai lần cải tạo, trước khi bị bán đi lần nữa vào năm 2008. Đến năm 2013, khi showroom được công nhận di sản, thì nó cũng chính thức bị phá dỡ để nhường chỗ cho một trụ sở ngân hàng.
|
Max Hoffman trong chiếc Glöckler-Porsche năm 1951. |
Trong những năm 1960, doanh thu của Hoffman vẫn tăng trưởng đều đặn, khi ông thành lập nhiều thương hiệu xe hơi nước ngoài ở Mỹ, trong đó có Alfa Romeo. Tính đến năm 1963, Porsche đã bán 6.000 xe mỗi năm ở Mỹ và chính thức phân phối độc lập, tách khỏi Hoffman sau nhiều năm hợp tác.
Kể từ đó, Hoffman hướng sự chú ý của mình đến BMW và hai bên chính thức “bắt tay” nhau vào năm 1965, trước khi Hoffman Motor được mua lại bởi chính hãng xe nước Đức.
|
Max Hoffman (trái) và Ferry Porsche bên cạnh chiếc Porsche 356, năm 1958. |
Max Hoffman nghỉ hưu vào năm 1975 và qua đời 6 năm sau đó. Toàn bộ tài sản để lại của ông được gửi đến một số tổ chức từ thiện.
Sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng của Max Hoffman đưa nước Mỹ trở thành thị trường quan trọng bậc nhất của Porsche cũng như nhiều thương hiệu xe hơi tên tuổi khác. Tất cả những giá trị vĩ đại đó, đều khởi nguồn từ mảnh đất nhỏ bé của châu Âu, nằm bên đại lộ Park Avenue.