Sau 10 năm, vụ mất tích của MH370 vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Ảnh: Guardian. |
Ngay sau nửa đêm 8/3/2014, một chiếc Boeing 777 cất cánh từ Kuala Lumpur và nhanh chóng đạt độ cao gần 10.700 m chỉ định cho hành trình bay.
Sau khi được hướng dẫn chuyển tần số sang trạm kiểm soát không lưu Việt Nam, cơ trưởng trả lời một cách lịch sự: “Chúc ngủ ngon, Malaysia ba bảy không”.
Đó là lời nhắn cuối cùng nhận được từ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines.
Một thập kỷ trôi qua kể từ khi chiếc máy bay biến mất. Tuy nhiên, dù đã triển khai cuộc tìm kiếm đa quốc gia lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử, bí ẩn lớn của ngành hàng không vẫn chưa có lời giải đáp.
Vợ anh Naren - Chandrika - nằm trong số 239 người trên chuyến bay không bao giờ đến đích. Đối với anh, đó là điều không thể chấp nhận được.
“Tôi lo ngại nếu không biết chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay, chúng ta đều có thể đối mặt với nguy hiểm khi sự kiện tương tự tái diễn”, anh nói với Guardian.
Đó cũng là bí ẩn ám ảnh nhiều người. Làm thế nào một chiếc Boeing 777 - được trang bị thiết bị hiện đại trong kỷ nguyên mà vệ tinh định vị toàn cầu - có thể biến mất?
Tên hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH370 trong lễ tưởng niệm ở Malaysia hôm 3/3. Ảnh: Hadi Azmi. |
Vô số giả thuyết
Khát khao tìm kiếm câu trả lời vẫn luôn cháy bỏng trong gia đình của những nạn trên chuyến bay định mệnh, đặc biệt khi cáo buộc và thuyết âm mưu xoay quanh nhau.
“Gia đình cơ trưởng Zaharie hy vọng có câu trả lời. Mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Phải có lời giải thích về điều đã xảy ra", bác sĩ Ghouse Mohd Noor - bạn của cơ trưởng Zaharie Ahmed Shah - cho biết.
Fuad Sharuji - người từng là giám đốc khủng hoảng của hãng hàng không Malaysia Airlines khi MH370 mất tích - chia sẻ gia đình cơ trưởng Zaharie bị cô lập khi họ đấu tranh với thuyết âm mưu đổ lỗi phi công.
“Đối với họ, điều đó khá khó khăn, họ đã tránh xa giới truyền thông vì không thể chấp nhận lời buộc tội… Họ đang cố gắng để tiếp tục cuộc sống”, ông nói.
Những ngày sau khi chuyến bay mất tích, thông tin có được ít đến nỗi khu vực tìm kiếm phải trải dài từ Kazakhstan ở Trung Á đến Nam Cực.
Trong nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm kể từ đó, bằng chứng thu thập được từ dữ liệu vệ tinh, hệ thống theo dõi bằng radar và thậm chí cả phân tích dòng hải lưu đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm.
Tuy nhiên, chúng dẫn đến những giả thuyết khác nhau. Có giả thuyết cho rằng vụ tai nạn có chủ ý và cơ trưởng đứng sau việc này.
Giả thuyết khác lại nhận định chuyến bay đã bị bắn rơi. Một số thậm chí còn tin rằng máy bay vận chuyển hàng hóa nhạy cảm hoặc hành khách quan trọng về mặt chính trị nên "biến mất" do có sự can thiệp từ một cơ quan chính phủ “ẩn danh".
Các yếu tố không phải do con người, ít kịch tính hơn cũng được xem xét, bao gồm sự cố điện, hỏa hoạn hoặc buồng lái giảm áp suất đột ngột.
Chưa có lời giải
Hôm 3/3, thủ tướng Anwar Ibrahim nhắc lại quan điểm của Malaysia rằng họ sẵn sàng mở lại cuộc điều tra nếu có bằng chứng mới thuyết phục.
Kể từ năm 2014, ba cuộc điều tra chính thức đã được triển khai, nhưng nguyên nhân đằng sau sự biến mất của máy bay vẫn chưa được xác định.
Số phận của máy bay MH370 đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới sau khi nó biến mất trên hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Ảnh: Charles Pertwee/Bloomberg. |
Câu hỏi từ năm 2014 vẫn chưa được trả lời vào năm 2024. Điều quan trọng nhất trong số đó là tại sao máy bay rẽ hướng, dường như một cách có kiểm soát, về phía Ấn Độ Dương. Và quan trọng hơn là tại sao 2 thiết bị theo dõi và liên lạc quan trọng trên máy bay lại im lặng vào thời điểm đó.
Điều này khiến sự chú ý dồn về phía cơ trưởng Zaharie (53 tuổi) và phi công phụ Fariq Abdul Hamid (27 tuổi) - những người dẫn đầu phi hành đoàn gồm 10 người khác.
Dữ liệu được phục hồi từ thiết bị mô phỏng chuyến bay tại nhà của Zaharie cho thấy ai đó đã lên kế hoạch cho lộ trình tới phía nam Ấn Độ Dương.
William Langewiesche - một phi công chuyển sang làm nhà báo điều tra, đã viết trên tờ Atlantic vào năm 2019: “Trên thực tế, giờ đây người ta đã biết chắc chắn nhiều điều về số phận của MH370” .
“Đầu tiên, vụ mất tích là hành động có chủ ý”, ông nhấn mạnh.
Langewiesche tin rằng Zaharie có thể đã cử cơ phó ra khỏi buồng lái để làm một số việc vặt, sau đó tắt phần lớn hệ thống điện và cố tình giảm áp suất máy bay, khiến mọi người trong cabin nhanh chóng mất khả năng hoạt động.
Một giả thuyết khác mà các chuyên gia hàng không khác cho rằng có thể xảy ra là phi công “nhầm lẫn”. Tức là Zaharie có thể gặp phải vấn đề như hỏa hoạn hoặc giảm áp suất và cố gắng quay trở lại Malaysia, nhưng rơi vào tình trạng thiếu oxy do khói.
Trong lúc rối trí, Zaharie hoặc Fariq có thể đã vô tình tắt thiết bị liên lạc. Chiếc máy bay sau đó sẽ tiếp tục thực hiện "chuyến bay ma" - người trên máy bay đã chết nhưng nó vẫn tiếp tục ở chế độ lái tự động.
Sylvia Spruck Wrigley, tác giả cuốn sách “Bí ẩn chuyến bay 370 của Malaysia” nói rằng mặc dù vụ việc có thể không bao giờ có cái kết, ngành hàng không đã học được nhiều điều từ thảm kịch này và thực hiện quy tắc an toàn mới.
Châu Âu đã yêu cầu gắn thêm bộ báo hiệu định vị dưới nước tần số thấp vào khung máy bay và chúng cần có khả năng truyền tín hiệu ít nhất trong vòng 90 ngày, tăng từ 30 ngày so với trước.
Ngoài ra, một số nỗ lực đang được triển khai để máy ghi âm buồng lái lưu giữ được 25 giờ dữ liệu, thay vì chỉ 2 giờ.
Sau 10 năm với câu hỏi chưa được giải đáp, các giả thuyết và phản giả thuyết vẫn tiếp tục lan rộng trên mạng, “phình to” để lấp đầy khoảng trống thông tin.
“Tôi nghĩ ở một phần, mọi người không thể tưởng tượng được rằng việc chúng ta sẽ không bao giờ biết điều gì đã xảy ra”, Spruck Wrigley nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.