Chiều 28/5, TS.BS Võ Thành Toàn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cho trường hợp gặp nạn khi đang vận hành máy xay thịt.
Gia đình cho biết trong lúc bệnh nhân dùng tay đẩy phần thịt bị kẹt trong máy xay thịt xuống, bất ngờ chiếc máy hoạt động trở lại, cuốn cả bàn tay người phụ nữ vào trong. Người nhà lập tức gọi cấp cứu đưa bệnh nhân với bàn tay còn nguyên trong máy xay thịt đến bệnh viện.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc chấn thương, huyết áp tụt, đau đớn vật vã do dập nát toàn bộ phần bàn tay đến 1/3 dưới cẳng tay.
Bệnh viện lập tức tiến hành quy trình báo động đỏ toàn viện. Hội chẩn tại giường, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương nặng từ bàn tay đến cẳng tay, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu không phẫu thuật kịp thời.
Người phụ nữ qua cơn nguy kịch nhưng nửa bàn tay không thể giữ được. Ảnh: L.B. |
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ. Phòng quản trị khẩn trương tìm kiếm dụng cụ cưa bỏ chiếc máy xay thịt. Bệnh nhân được dùng giảm đau, kháng sinh, tiêm ngừa uốn ván và thuốc an thần.
“Từng phần mảnh thịt nhỏ trên bàn tay của bệnh nhân lúc này đều rất quan trọng. Do đó, chúng tôi xác định bằng mọi cách bảo tồn tối đa phần chi còn lại cho bệnh nhân”, TS Toàn nói.
Sau 45 phút, chiếc máy được tháo rời, bàn tay người phụ nữ được đưa ra ngoài. Lúc này, hơn nửa bàn tay của bệnh nhân dập nát, các ngón tay hỏng hoàn toàn. Bác sĩ tiến hành xử trí vết thương, khâu nối mạch máu, vạt da che phủ các tổn thương.
Sau 90 phút phẫu thuật, bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch, phần khớp bàn tay được bảo toàn giúp bệnh nhân có thể lắp tay giả sau khi hồi phục.
TS Toàn cho hay từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Thống nhất tiếp nhận khoảng 100 trường hợp dập nát chi trong quá trình lao động và sinh hoạt. Những trường hợp thường gặp là tai nạn khi vận hành máy xay thịt, máy ép nhựa, thiết bị đóng nút quần, kim may…
TS Toàn khuyến cáo khi gặp sự cố, bệnh nhân nên giữ nguyên hiện trạng, không tác động vào thiết bị tránh làm tổn thương lan rộng. Sau đó, lấy khăn sạch che phủ vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý để tránh sốc, nhiễm trùng và nguy hiểm tính mạng.
“Trước khi nhập viện, gia đình bệnh nhân có ý định vận hành lại chiếc máy để đưa ngược bàn tay bệnh nhân ra ngoài. May mắn, họ đã chọn cách đưa bệnh nhân cùng chiếc máy vào trong bệnh viện. Nếu đưa ngược lại, vết thương của bệnh nhân sẽ nghiêm trọng hơn”, TS Toàn nói.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn thận trong quá trình vận hành máy móc có thể gây sát thương cao. Đặc biệt, người lao động cần làm việc trong trạng thái tỉnh táo, thận trọng để tránh tai nạn ngoài ý muốn.