![]() |
Phụ huynh lo áp lực học tập ở trường công sẽ khiến con học không tốt. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Vài tháng nữa, con trai út mới đến tuổi đi học mẫu giáo, nhưng thời gian này, chị Phan Ngọc (sống ở TP Vinh, Nghệ An) đã lo lắng tìm trường cho con vì không muốn đi vào “vết xe đổ” lần trước.
Cách đây 3 năm, khi con gái lớn chuẩn bị đi học, gia đình chị đã chi 10 triệu đồng để “chạy” suất học vào trường mẫu giáo tư thục cho con.
Nhưng đến sát ngày, trường thông báo con phải chờ xong khai giảng mới được nhập học. Không muốn con thiếu trải nghiệm khai giảng đầu đời, người mẹ chấp nhận mất 10 triệu đồng, cho con học tạm ở một trường công lập gần nhà.
Thế nhưng, 3 năm cho con học ở trường công lập, chị Ngọc lại nhận về những trải nghiệm không mấy hài lòng.
Sai lầm khi chọn nhầm môi trường học cho con
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Ngọc cho biết trường công lập nơi con gái chị theo học khá đông, mỗi lớp hơn 20 trẻ nên giáo viên không thể chăm sóc sát sao từng em. Tương tự với việc học, bé gái đôi khi không thể bắt kịp nội dung vì các giáo viên phải quay cuồng với nhiều học sinh cùng lúc.
Ở trường của con chị, phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh, toán tư duy tại lớp. Nhưng đến hiện tại, dù trẻ đã sắp tốt nghiệp lớp 5 tuổi, chị vẫn chưa biết con được học gì ở trường, chỉ biết con có bài tập về nhà.
“Ở trường tư thục - nơi tôi định cho con theo học 3 năm trước, trẻ đi học sẽ có video quay từng ngày để bố mẹ cập nhật tiến độ tiếp thu bài của con. Nếu con học chậm, bố mẹ sẽ biết để dạy thêm cho con tại nhà”, chị Ngọc chia sẻ.
![]() |
Con chị Ly có biểu hiện sợ đi học dù đã đi học gần một năm. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, chị Phương Ly (phụ huynh ở Hà Nội) cũng từng có trải nghiệm không tốt khi con học trường công. Bốn năm trước, khi con bắt đầu học mẫu giáo, chị cũng thử cho con học trường mầm non công lập gần nhà.
Tuy nhiên, sĩ số lớp đông, giáo viên không thể để ý kỹ từng trẻ, con khó chịu, mệt nhưng cô cũng không phát hiện. Thậm chí, con có biểu hiện sợ đi học, ngày nào cũng khóc đòi ở nhà dù đã đi học gần một năm.
Không chỉ con, bản thân chị cũng có những ám ảnh khi nhiều năm trước học ở trường tiểu học công lập. Không đánh đồng tất cả, song trước đây, ở lớp, chị cảm nhận được việc bố mẹ không “quan tâm” giáo viên vào các dịp lễ, Tết nên con không được đối xử công bằng, thường xuyên bị nhắc nhở vô cớ.
Bên cạnh đó, học trường công, chị cũng căng thẳng, áp lực hơn để có điểm số tốt, để không khiến thành tích của lớp phải tụt hạng.
Lên cấp 2, được chuyển sang học trường bán công và cấp 3 là trường tư thục, chị cảm nhận rõ sự khác biệt, khi giáo viên từ chối nhận quà, khuyến khích, động viên thay vì tạo áp lực lên học sinh.
“Những ám ảnh học trường công lập từ nhiều năm trước và trải nghiệm của con khiến tôi quyết định cho con học trường tư. Tôi muốn con phát triển toàn diện, không quá áp lực thành tích, điểm số”, người mẹ chia sẻ.
Học phí cao, phụ huynh vẫn “chốt đơn”
Chị Phương Ly cho hay học phí trường mầm non tư cao hơn, khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng, nhưng lớp con chỉ khoảng 7-10 bé. Trẻ được học tiếng Anh ở trường, được đi dã ngoại một lần/tuần và thực đơn bán trú khá đa dạng, đảm bảo vệ sinh.
Sau vài tháng, con thay đổi rõ rệt, thích đến trường hơn và quý mến cô giáo. Về nhà, con cũng vui vẻ kể chuyện ở lớp, giao tiếp với ông bà, bố mẹ nhiều hơn trước đây…
Con chuẩn bị lên lớp 1, dự tính mức học phí và các chi phí khác nếu học tiểu học tư thục có thể lên tới gần 10 triệu đồng, chiếm 40% thu nhập, chị Ly vẫn không ngại đầu tư để con có môi trường phù hợp.
![]() |
Phụ huynh muốn cho con theo đuổi môi trường tư thục lâu dài để củng cố nền tảng cho sự phát triển sau này. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Tương tự, do mất cảm tình với trường công, chị Ngọc quyết định từ nay về sau sẽ chỉ cho con học trường tư, dù biết chi phí học trường tư thục sẽ cao gấp đôi, gấp ba so với hệ thống giáo dục công lập. Người mẹ nói rằng học đắt một chút cũng được, chị và chồng sẵn sàng chi tiêu tiết kiệm, hạn chế mua sắm để đầu tư việc học cho con.
Hiện, học phí của con gái chị Ngọc tại trường công là khoảng 1,8-2,5 triệu đồng/tháng. Sắp tới, khi con trai đi học, chị dự tính số tiền cho con mỗi tháng sẽ rơi vào khoảng 3-4 triệu đồng. Nếu tính cả hai chị em học trường tư, số tiền hàng tháng cần chi cho việc học là khoảng 10 triệu đồng.
Vợ chồng chị Ngọc kinh doanh thời trang và bất động sản nên tổng thu nhập của gia đình khá ổn, bản thân chị cũng đánh giá học phí của các con ở mức tầm trung tại TP Vinh. Nếu học trường quốc tế, số tiền sẽ cao hơn nhưng bản thân chị thấy chưa cần thiết, chỉ cần con học trường tư là đủ.
Chia sẻ thêm về lý do muốn con theo đuổi môi trường giáo dục tư thục lâu dài, chị Ngọc nói rằng bản thân chị muốn con được tiếp cận với chất lượng giáo dục tốt, gần nhà, tiện đưa đón và quan trọng là lộ trình dạy học cho trẻ phải rõ ràng.
Ngoài ra, người mẹ cũng mong rằng khi học ở trường tư thục, các con sẽ được tiếp cận môi trường văn minh, có bạn bè chung mục tiêu học tập để cùng phấn đấu.
“Tôi không mong con cái phải xuất chúng, nhưng vẫn muốn con được học trong môi trường phù hợp và đồng đều. Trải qua một lần sai lầm, tôi càng nhận ra mình phải chọn trường cho con thật kỹ. Nền tảng học vững, con mới có thể vươn mình thật tốt”, chị Ngọc nói.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.