Người mẹ chồng thường xuyên hành hạ con dâu cũng thừa nhận hành vi của mình và bị công an xã xử phạt vi phạm hành chính 750.000 đồng.
Từ chửi rủa...
Công an xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vừa mời những người có liên quan đến để giải quyết đơn tố cáo của chị Sen (27 tuổi) về việc cha mẹ chồng đánh chị gây thương tích. Ông Nguyễn Văn Tiền (cha chị Sen) từ An Giang bắt xe đò chạy lên, còn chị gái là Nguyễn Thị Ngọc từ TP.HCM cũng về “hộ tống” chị Sen đi từ nhà một người hàng xóm tốt bụng đến công an. Tại đây, chị Sen kể cho chúng tôi nghe rất nhiều bi kịch chị trải qua trong thời gian làm dâu.
Chị Sen sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, không được đi học. Năm 15 tuổi chị xin đi làm công nhân ở một nhà máy chế biến thủy sản tại quê nhà.
19 tuổi, chị đến Tiền Giang xin làm nhân viên phục vụ quán giải khát ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành. Thấy chị Sen xinh xắn nên Trần Anh Bằng để ý. Được chủ quán giải khát mai mối nên hai người yêu nhau. Khoảng năm 2009 chị Sen có thai, hai người đăng ký kết hôn.
Gia đình Bằng ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nhưng đến thuê đất trong khu căn cứ Đồng Tâm thuộc xã Bình Đức để trồng cây ăn trái. Cha mẹ chồng cất cho vợ chồng chị Sen căn chòi nhỏ để ở và giữ vườn. “Ban đầu cha mẹ chồng đối xử với tôi tử tế lắm. Nhưng từ khi tôi sinh đứa con đầu lòng được chừng hai tháng thì mẹ chồng bắt đầu chửi và đánh hoài”, chị Sen rưng rưng kể.
... Đến bỏ đói, đánh đập
Chị Sen kể khi mang bầu đứa con thứ hai vào năm 2012, cuộc sống của chị càng bi kịch hơn. Mỗi lần bị cha mẹ chồng la mắng y như rằng chị bị bỏ đói, không được vào nhà ăn cơm, nhiều hôm chị phải xin cơm. “Có lần tôi bị bỏ đói gần cả tuần khi đang mang bầu. Đói thì uống nước. Đói quá thì qua nhà hàng xóm xin ăn”, chị Sen nhớ lại.
Chị Sen (bìa trái) cùng cha và chị trước trụ sở công an xã Bình Đức, huyện Châu Thành ngày 10/7. |
Bà Trần Thị Mỹ (70 tuổi, ở gần vườn nhà mẹ chồng chị Sen) kể với chúng tôi chuyện hai tuần trước chị Sen bị chồng đánh phải chạy vào nhà bà trốn. “Cô Sen nói con đói quá, xin một tô cơm. Lúc đó khoảng 9h cô Sen ăn như chưa từng được ăn, thấy thương lắm”, bà Mỹ kể.
Chị Sen còn cho biết nhiều lần bà Thơm gom quần áo chị quăng ra trước cửa rồi đuổi chị đi. Vì sợ bị bỏ đói nên chị tìm cách mua nồi cơm điện đem về giấu ở căn chòi. Thế nhưng bà Thơm cũng biết và cắt điện. Chị Sen nghẹn ngào: “Tôi nấu cơm nhưng chỉ ăn với muối chứ đâu có đồ ăn đâu mà ăn. Bị mẹ chồng cắt điện nên lại phải nhịn đói nữa”.
Chiều 15/6, chị Sen nấu cơm trễ. Bằng về không có cơm ăn liền kéo chị ra chửi rồi hai vợ chồng đôi co. Lúc này ông Phước (cha chồng chị Sen) đứng gần nghe thấy, tưởng chị chửi ông nên sửng cồ đe dọa. Sợ ăn đòn nữa nên chị Sen líu ríu đi nấu cơm. Nhưng không ngờ sáng sớm 16/6 bà Thơm ra chòi tìm chị Sen để “đánh cảnh cáo” về việc đã hỗn láo với cha chồng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nhẹ, trưởng công an xã Bình Đức, cho biết tại buổi làm việc ngày 10/7, bà Nguyễn Thị Thơm đã thừa nhận đánh con dâu gây thương tích, cũng như đã lấy 32 triệu đồng và vàng của chị Sen.
Tuy nhiên bà Thơm nói bà chỉ lấy tiền, vàng để cất giùm cho con dâu! Bà Thơm đồng ý bồi thường tiền thuốc men cho chị Sen. 3 triệu đồng và trả lại hết tiền, vàng. Công an xã cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Thơm 750.000 đồng.
Đơn tố cáo của chị Sen không đề cập gì đến những lần chị bị hành hung trước nên công an không có căn cứ xác minh, xử lý, song cũng yêu cầu bà Thơm không tái phạm.
Chị Sen mếu máo: “Tôi nói nếu con có lỗi thì con nằm xuống giường cho mẹ đánh. Tôi nằm xuống xong thì bà đánh, nắm tóc tôi giật lên sau đó đẩy mặt xuống giường. Tôi lấy gối kê dưới mặt cho đỡ đau thì bà giật gối ra, lấy tay đấm thẳng vào mắt tôi. Sau đó bà còn lấy khúc cây tràm dài chừng 1m đánh vào cánh tay tôi sưng lên. Đánh xong bà Thơm còn nói chỉ mới đánh cảnh cáo, đánh tôi tỉnh táo tâm hồn thôi. Tôi sợ quá nên chạy qua nhà hàng xóm cầu cứu”.
Chị Thị Cẩm Giang (hàng xóm chị Sen) cho biết chị Sen chạy qua nhà vợ chồng chị trong tình trạng đầu tóc rũ rượi, vùng mắt bị sưng vù. “Cô Sen nhờ vợ chồng tôi mua giùm hai ngày thuốc giảm đau và tan máu bầm. Thấy không ổn nên vợ chồng tôi đưa cô Sen đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu. Vợ chồng tôi đóng viện phí và chăm sóc cô Sen trong mấy ngày nằm viện”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiền bức xúc: “Vợ chồng tôi chưa bao giờ chửi mắng hay đánh con trong khi nó bị cha mẹ chồng đánh đập tàn nhẫn thế này, tôi không để nó tiếp tục sống với họ nữa đâu”. Còn chị Sen quả quyết sẽ làm đơn xin ly hôn vì đây là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng bị bỏ đói và những lời chửi mắng thậm tệ, đòn roi của cha mẹ chồng.
Vẫn còn tình trạng con dâu bị ngược đãi
Bà Nguyễn Thị Sáng (chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tiền Giang) cho biết mặc dù đã giảm rất nhiều, nhưng hiện ở khu vực nông thôn vẫn còn tình trạng mẹ chồng ngược đãi, hành hạ con dâu giống như chị Sen ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành.
Trong chuyện này các đoàn thể địa phương chậm phát hiện để can thiệp, bảo vệ chị Sen cũng là điều đáng tiếc. Đây cũng là bài học để các cấp hội rút kinh nghiệm gần gũi chị em phụ nữ hơn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sớm những trường hợp bị ngược đãi.
Nếu chị Sen quyết định ly hôn thì Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Đức và nơi cư trú của gia đình bà Thơm ở huyện Cái Bè có trách nhiệm liên hệ với chị để giải thích các quy định của pháp luật, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của chị khi ly hôn. Hoặc chị Sen chủ động liên hệ với hội phụ nữ hai nơi này để được hỗ trợ.
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.