Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẹ chuẩn bị đám cưới đồng tính cho con

Nếu gõ trên mạng xã hội cái tên “Anh và Cưng” sẽ thấy rất nhiều hình ảnh về cuộc sống hạnh phúc của hai chàng trai gốc Việt là Nguyễn Thái Nguyên (40 tuổi) và Đinh Công Khanh (37 tuổi, TP Gatineau, Canada).

Bên cạnh những bức ảnh là rất nhiều bình luận thể hiện niềm mong mỏi của các bạn đồng tính ở VN về cuộc sống hạnh phúc ấy. Điều gì đã mang đến cho Khanh và Nguyên hạnh phúc trọn vẹn mà nhiều bạn trẻ đồng tính ở VN luôn ao ước? Câu trả lời của Khanh và Nguyên rất đơn giản đó là vì có “sự ủng hộ của cha mẹ”.

Chuẩn bị đám cưới cho con

Đám cưới của Đinh Công Khanh và Nguyễn Thái Nguyên diễn ra năm 2006 ở Canada.

Mãi đến năm 20 tuổi, Khanh mới nhận thấy sự khác biệt về sở thích tính dục của mình khi nghiêng về người đồng giới. Hàng trăm câu hỏi đặt ra trong đầu Khanh. Nhưng rồi Khanh đã học cách chấp nhận bản thân mình. Ngày Khanh quyết định nói chuyện với gia đình là ngày anh thấy hồi hộp nhất.

Bà Trịnh Kim Oanh (66 tuổi, mẹ của Khanh) bồi hồi nhớ lại: “Khanh là con trai duy nhất trong gia đình. Khi nghe Khanh nói mình là gay, tôi bị sốc nặng. Không thể diễn tả được cảm giác lúc đó của mình như thế nào, nhưng thật sự tôi rất đau lòng. Không phải đau vì mình có một đứa con là gay, mà vì tôi nghĩ Khanh không muốn chấp nhận sự thật ấy”.

Sau khi bình tâm hơn, bà nói chuyện với con. Sau đó bà biết Khanh chỉ sợ bà buồn vì sẽ chẳng thể cho bà những đứa cháu nội. Khanh cũng như bà, sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì đến với mình.

“Thế là tất cả được giải tỏa. Tôi cho con trai biết rằng mình chẳng bao giờ bắt buộc Khanh phải lấy vợ hoặc có con nối dõi dòng giống như các cụ ngày xưa. Miễn sao Khanh được sống thoải mái là gia đình tôi hạnh phúc rồi”, bà Oanh kể.

Với Nguyên thì mọi thứ có phần đơn giản hơn. Lần đầu tiên Nguyên lấy hết can đảm để nói cho gia đình mình là người đồng tính với tâm trạng vô cùng căng thẳng.

Nhưng cha Nguyên đã nhẹ nhàng nói: “Cha biết sự thật này lâu rồi con trai ạ! Nhưng cha đã đợi và tin một ngày con sẽ tự nói ra. Dù con có như thế nào đi chăng nữa thì con vẫn là con trai của cha”.

Những suy nghĩ rất giản dị ấy của cha mẹ đã chắp cánh cho hạnh phúc của Khanh và Nguyên được bay cao, bay xa. Thấy hai con yêu và dọn về sống với nhau đã lâu mà không tổ chức đám cưới, bà Oanh đã chủ động hỏi: “Tụi con tính bao giờ thì cưới?”.

Cả Khanh và Nguyên đều bất ngờ vì trước giờ họ sống với nhau nhưng không nghĩ đến chuyện cưới xin. Thế là bà Oanh lên lịch cưới, tự tay đặt may áo dài ở VN, mua quà biếu khách và làm những gì cần thiết nhất để chuẩn bị lễ cưới của hai con.

Đám cưới của Khanh và Nguyên diễn ra tháng 12/2006 ở Canada, theo phong tục của người VN. Đó là một đám cưới nhỏ nhưng ấm cúng được tổ chức ở nhà thờ, hai người đàn ông mặc áo dài VN nắm tay nhau tiến vào thánh đường trong tiếng vỗ tay chúc phúc của bạn bè và gia đình hai họ.

Cho đến hôm nay, bà Oanh vẫn giữ nguyên những suy nghĩ giản dị cho con trai mình, đó là “hạnh phúc khi con có một cuộc sống đàng hoàng”.

Cuối tuần bà ghé thăm các con, nấu cho Khanh và Nguyên những món ăn VN mà cả hai cùng thích. Bà bảo: “Suy nghĩ của tôi đơn giản lắm vì mỗi người sinh ra mang theo một định mệnh mà không ai có thể lựa chọn nên tôi chấp nhận sự thật đến với mình một cách thản nhiên dù việc đó tốt hay xấu. Hiện hai con sống với nhau thật êm ấm, hạnh phúc. Theo tôi thấy thì còn hơn một số cặp vợ chồng bình thường khác”.

Những lần về VN thăm quê, bà Oanh thường gặp các bậc phụ huynh có con là người đồng tính, nghe nhiều câu chuyện về sự kỳ thị...

Bà thường nói: “Tôi không hiểu tại sao những phụ huynh có con đồng tính lại kỳ thị con của họ. Riêng tôi thì con mình có là gì tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận tất cả, vì tôi thương các con nhất trên đời. Giới tính thì tôi nghĩ đã được an bài, dù mình muốn hay không cũng vui lòng chấp nhận”.

Để con luôn hạnh phúc

Vợ chồng bà Oanh cùng Khanh và Nguyên ở Canada - Ảnh nhân vật cung cấp.

Hiện tại Nguyên làm nghiên cứu về băng đá cho Bộ Môi trường, còn Khanh làm kiến trúc cho Bộ Nông nghiệp Canada. Cả hai rất bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian truy cập blog, trả lời email tư vấn của các bạn đồng tính ở VN.

Khanh cho biết mỗi ngày họ nhận được hàng trăm comment, thư điện tử của các bạn trẻ. “Các bạn day dứt vì không được sống thật với giới tính của mình. Các bạn trẻ mơ về cuộc sống được như Anh và Cưng. Nhiều bạn bảo truy cập mạng xã hội, blog của chúng tôi như một chỗ trú ngụ bình yên”, Khanh nói.

Là người trong cuộc, hiểu được tất cả trăn trở, khao khát của các bạn trẻ ấy, cả Khanh và Nguyên đều cố gắng tham gia diễn đàn dành cho người đồng tính, viết thư động viên, chia sẻ kinh nghiệm tới các bạn kém may mắn hơn mình.

“Đa số các bạn đều tâm sự với Khanh và Nguyên rằng họ quyết định hi sinh hạnh phúc riêng vì cha mẹ, sẽ lập gia đình, sinh con và sống như bao cặp nam nữ khác. Nhưng các bạn quên mất một điều hạnh phúc thật sự của cha mẹ là khi nhìn thấy con được sống là chính mình, chứ không phải là thứ hạnh phúc giả tạo. Người mà các bạn quyết định kết hôn sẽ là người bất hạnh nhất, họ không có tội và không đáng bị lừa dối”, Khanh và Nguyên chia sẻ.

Trong một lần về VN thăm quê, khi nghe các bậc phụ huynh than thở con trai mình là người đồng tính, cha Khanh đã nói: “Con của quý vị là người đồng tính nhưng luôn ngoan ngoãn, có hiếu với cha mẹ, sống rất tốt thì có hơn những người dị tính khác mà hằng ngày báo chí đưa tin giết người, cướp của, bạo hành cha mẹ hay không? Giữa hai đứa con đồng tính và dị tính như thế thì quý vị chọn đứa nào?”. Tâm sự ấy của ông đã làm nhiều bậc cha mẹ có con là người đồng tính phải suy nghĩ.

Nhiều người tâm sự lại với ông rằng họ có một đứa con, rất yêu thương cha mẹ, cố gắng sống thật tốt, làm mọi cách để cha mẹ vui lòng nhưng bấy lâu nay họ không nhận ra điều đó. Các bạn đồng tính thường nói với nhau: “Con người sinh ra có quyền được sống thật với chính bản thân mình và được gia đình yêu thương, nhưng nghiệt ngã thay, với những người đồng tính thì họ luôn bị bắt buộc chọn một trong hai thứ ấy”.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm