Nhiều phụ huynh choáng váng khi phát hiện con yêu sớm. Ảnh minh họa: NB. |
Gần đây, đọc tin tức bé gái lớp 8 ở Thái Bình tự tử vì bố mẹ cấm yêu đương, tôi xót xa dù chưa rõ ngọn ngành câu chuyện. Tôi thương cho con trẻ dại dột, thương cha mẹ của con không biết sẽ đối diện ra sao với thực tế.
Và chính tôi cũng suy nghĩ về việc mình sẽ làm gì trước những chuyển biến tâm sinh lý phức tạp của con.
Cách đây gần hai năm, chị gái tôi phát hiện con gái có người yêu sau khi đọc tin nhắn trên điện thoại của con. Khi ấy, cháu gái tôi học lớp 10, nhưng với chị, con còn rất bé bỏng.
Thấy con và bạn trai gửi cho nhau những lời lẽ tình cảm, chị choáng váng, không tưởng tượng được con lại như thế. Là tuýp phụ nữ truyền thống, nghiêm khắc, chị tôi nổi đóa với con. Mắng có, đánh có, chị tịch thu cả điện thoại, kiểm soát con mỗi lần đi đâu, làm gì.
Chưa đến mức như bé gái ở Thái Bình nhưng có lẽ, cháu gái tôi cũng quá căng thẳng và áp lực nên dần trầm tính, đi học về là lủi thủi trong phòng, không nói chuyện, chia sẻ với ai trong gia đình.
Dần dần, chị gái tôi cũng nhận ra điều này nên bớt căng thẳng hơn, nhưng chuyện yêu đương, tình cảm của con vẫn rất khắt khe.
Là mẹ của hai cô con gái, tôi cũng vừa trải qua câu chuyện như chị mình hai năm trước. Cách đây 2 tháng, trong nhóm các phụ huynh chơi chung với nhau, tôi được một mẹ kể rằng con gái lớn của tôi (năm nay học lớp 8) đang thích một bạn cùng lớp. Bạn nam có vẻ cũng thích con nhưng không rõ ràng. Vậy nên con có vẻ buồn.
Tất nhiên, như nhiều bố mẹ khác, tôi cũng nóng mặt, bất ngờ vì không bao giờ nghĩ con mình lại có tình cảm nam nữ khi mới 13 tuổi. Dù vậy, tôi vẫn đủ bình tĩnh để không làm ầm lên với con. Hơn nữa, con mới chỉ “cảm nắng” chứ chưa yêu.
Trưa ngày hôm sau, tôi quyết định sẽ trò chuyện với con.
“Mẹ nghe nói con thích bạn này”, tôi mở đầu câu chuyện.
Con có chút bối rối, song cũng chia sẻ bạn nam chơi cùng nhóm, học giỏi, biết chơi cầu lông, bóng rổ, lại trắng trẻo, xinh trai nên nhiều bạn nữ thích. Con không thừa nhận hay phủ nhận thích bạn, chỉ nói “bọn con bình thường”. Tôi hiểu nếu gay gắt, con càng né tránh, nên tôi không ép con chia sẻ thêm.
Tôi hiểu ở độ tuổi 13-14, trẻ chưa cảm nhận tình yêu một cách rõ ràng, ổn định mà chỉ là cảm tính. Cũng vì là cảm tính nên nên chuyện hôm nay thích người này, mai thích người khác ở lứa tuổi này là rất bình thường. Hơn nữa, trẻ em bây giờ dậy thì sớm, bị thu hút bởi những người bạn khác giới ở độ tuổi 13-14 không còn là chuyện hiếm.
Bản thân tôi không quan tâm lắm việc con có yêu hay không, quan trọng là con phải biết bảo vệ bản thân, biết cái gì đúng, cái gì sai, không đi quá giới hạn và nên ưu tiên điều gì. Tôi sợ nhất là con mình buồn, thất tình, chia tay, sốc rồi làm chuyện linh tinh.
Vậy nên, cả cuộc trò chuyện, tôi chỉ dặn dò con nên làm gì trong từng trường hợp. Nếu hai con có tình bạn đẹp, cùng nhau cố gắng, tôi cũng không cấm đoán.
Trong mọi câu chuyện, tôi nhấn mạnh việc con phải yêu thương bản thân, không làm gì tổn hại mình, mọi chuyện đều có hướng giải quyết. Có bất cứ điều gì, con hãy chia sẻ với bố mẹ, bố mẹ luôn ở bên các con.
Tôi thấy may mắn vì lâu nay, hai mẹ con vẫn thường tâm sự như những người bạn, vậy nên cuộc trò chuyện không có gì gượng gạo hay căng thẳng. Hiện tại, con vẫn chơi chung nhóm với bạn nam kia. Cả hai vẫn nằm trong top 5 của lớp nên tôi không quá lo lắng.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.