Năm nay con lớp 9 (THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10), nếu không tính cả ba năm mẫu giáo bán trú thì có lẽ con đã không ngủ trưa ở nhà 12 năm rồi.
Học sinh vội nạp năng lượng sau những giờ học căng thẳng. |
Cứ mỗi khi bắt đầu vào năm học mới, mẹ đều dặn con phải tìm hiểu xem trong lớp có bạn nào học giỏi môn gì và học thêm ở đâu để tham khảo.
Có nghĩa là, bạn và con cùng học chung trường, chung lớp, chung sách, chung cô mà con không học bằng bạn thì có nghĩa là việc học của con có vấn đề hoặc bạn được học một giáo viên nào đó giỏi hơn giáo viên trong trường.
Mỗi lần họp phụ huynh, con để ý, ngoài những câu chuyện về đóng tiền quỹ, cơ sở vật chất thì các mẹ vẫn thường tụ lại giới thiệu cho nhau những địa chỉ học thêm nào có thầy cô giỏi, học sinh giỏi đến học để đưa con em mình theo. Lắm lúc con muốn hét lên: “Mẹ ơi, lịch con đã kín lắm rồi!”.
Bình thường hay bất thường hả mẹ
Con đã đi học thêm từ khi chưa vào lớp một và làm quen với tiếng Tây từ khi còn chưa sõi tiếng ta. Dần dần, con nghĩ việc học thêm buổi tối sau giờ học với con là rất bình thường vì nó cũng quan trọng và được dành một phần thời lượng ngang ngửa với học chính.
Đó là khi học cấp 1. Đến khi lên cấp 2 và bây giờ là chuẩn bị thi cấp 3, sự bình thường ấy bỗng trở nên bất thường vì con nghĩ mình đang bị quá tải.
Cụ thể là, sáng con dậy lúc 6h, khi dư âm của đêm qua vẫn còn phảng phất bằng những tràng ngáp phải né tránh thầy cô. Con biết là thầy cô cũng hiểu cho cái ngáp của con nhưng mà lịch sự thì con không muốn ai thấy mình ngáp.
Năm giờ chiều, mẹ chờ con ngoài cổng trường để đưa hộp cơm, hộp bún hay cái bánh gì đó rồi con lại đến lớp học thêm để bắt đầu ca học lúc 6h của trung tâm. 9h, mẹ mới đón con về tới nhà.
Bữa tối thực sự của con bắt đầu lúc 9h30, tắm rửa xong là 10h. Khi mọi người thực sự kết thúc một ngày thì con đang bắt đầu một buổi học mới. Có thể là làm bài tập, soạn thuyết trình, ôn kiểm tra hay chuẩn bị bài mới, vừa chính khóa, vừa của lớp học thêm. Mẹ vẫn mang sữa và bánh cho con.
Có những hôm con mệt mỏi học mà bản thân con cũng không biết mình đang học cái gì, đầu óc thừ ra, nhồi nhét chữ như món tàu hũ dồn thịt rồi con bừng tỉnh thấy trên sách chảy cả nước miếng. Tuy nhiên, cũng có những ngày con học đêm sung lắm, sung tới mức khi xem đồng hồ thì chỉ còn bốn tiếng nữa phải dậy đi học.
Hãi kiểm tra
Nhiều khi nghĩ một ngày có nhiều tiết giống nhau thì nhanh chán hoặc buồn ngủ, các tiết luân phiên thay đổi thì tốt hơn. Nhưng kì thực đôi khi cái sự tốt hơn đấy là ác mộng.
Vào những đợt kiểm tra dồn dập thì có ngày 5 tiết sáng kiểm tra đủ 5 môn khác nhau, chưa kể kiểm tra, thi thử ở lớp học thêm. Học phải có chiến lược vì tuy sự sáng tạo thì vô tận nhưng trí nhớ thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Môn nào điểm đang thấp, con sẽ dành thời gian học kỹ. Môn nào điểm ổn định, nếu cảm thấy nhồi thêm được tí chữ mà đẩy hết cả kiến thức đã học ra thì con sẵn sàng… thí.
Con tin chắc đây không phải là chiến lược khôn ngoan gì của riêng con mà đó là “bần cùng sinh đạo tặc” trong giới học sinh. Có ai hiểu cái cảm giác đặt dấu chấm kết thúc được một bài kiểm tra là cái đầu nhẹ tênh tựa lông hồng, để kiến thức bay bớt theo gió. Nhiều bạn bè con có thói quen là bước chân ra khỏi phòng thi thì coi như quên bằng sạch bài vở.
Cuối cấp rồi, con lại càng phải tăng tốc và học hành nghiêm túc hơn. Người lớn cho rằng nếu cấp 3 vào được các trường chuyên thì coi như bước một chân vào đại học rồi. Chân còn lại thì con chưa biết sao. Và con cũng tự ý thức được tương lai của giới trẻ phụ thuộc nhiều vào tri thức mà họ tích lũy. Con không phủ nhận lợi ích của việc học ngày học đêm như con nhưng con nghĩ đã đến lúc con cảm nhận rõ sự bất ổn trong thời lượng học của mình.
Ước mơ của con là được mặc áo dài trắng như một nữ sinh. Nhưng nghĩ lại, đôi mắt cận, cái lưng còng và bụng phệ ra vì ngồi học quá nhiều thì con lại thấy mình cứ quái dị thế nào ấy.
Nhưng con không thể nhịn ăn vì con cần năng lượng để tiếp tục học. con thậm chí còn không nhớ nổi lần gần nhất đi chợ với mẹ là khi nào và cũng không dám tưởng tượng ra tương lai phải đảm đương thiên chức là mẹ ra sao nếu cả ngày chỉ biết học và học. Dù có đầu to mắt cận, kiến thức ngập tràn, con cũng không dám hình dung ra dung nhan và khả năng tự chăm sóc bản thân của mình trong tương lai.