Vào cuối năm học, giáo viên lại khó xử trước những câu hỏi của phụ huynh về vấn đề thành tích của con. Ảnh: Pexels. |
Những ngày cuối năm học, khi hàng loạt bài viết phụ huynh ấm ức vì con toàn điểm 9, 10 nhưng không được giấy khen đăng tải lên mạng xã hội, cô Thu Ngọc lại nhớ về những lần bị phụ huynh chất vấn, thắc mắc vì điểm số của con không được như họ mong muốn.
“Một lần, tôi bị phụ huynh đến tận trường để chất vấn việc xếp loại học lực vì năm học trước đó, con được ‘Hoàn thành tốt’ nhưng qua năm học mới chỉ được ‘Hoàn thành”, cô Ngọc chia sẻ.
Phụ huynh chất vấn đủ kiểu
Chia sẻ với Tri thức - Znews, cô Ngọc cho biết dù đã giải thích với phụ huynh là học lực của con không tốt, sa sút dần và không có dấu hiệu cải thiện nên chỉ được xếp “Hoàn thành”, vị phụ huynh này vẫn khăng khăng là con học tốt, thậm chí còn muốn giáo viên phải sửa điểm và xếp loại cho con.
“Phụ huynh đòi sửa xếp loại nhưng tôi không đồng ý vì như thế là sai hoàn toàn. Thấy tôi cương quyết không sửa, người đó bắt đầu công kích tôi, moi móc những chuyện vô lý để bắt bẻ tôi trước mặt những phụ huynh khác”, cô Ngọc kể lại.
Qua năm học mới, nghĩ bị cô Ngọc "đì" nên con không được danh hiệu "Hoàn thành tốt", phụ huynh này xin chuyển lớp cho con. Kết quả là sang lớp mới, con vẫn được giáo viên mới đánh giá "Hoàn thành" vì không tiến bộ.
"Bệnh thành tích" của phụ huynh là vấn đề khiến giáo viên đau đầu. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Chưa bị phụ huynh chất vấn lần nào về điểm số của trẻ nhưng cô Hà Thu (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cũng thừa nhận từng gặp nhiều trường hợp đồng nghiệp của cô bị phụ huynh thắc mắc mỗi cuối năm học, nhất là khi việc đánh giá, xếp loại học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khác nhiều so với trước đây.
Cô Thu chia sẻ nhiều đồng nghiệp của cô “rất mệt" khi phụ huynh chất vấn vì sao điểm con họ thấp trong khi các năm học trước luôn giỏi, vì sao bảng điểm con họ toàn 9, 10 nhưng vẫn không được giấy khen, vì sao môn này lại chỉ đạt “Hoàn thành" chứ không phải “Hoàn thành tốt", căn cứ vào đâu mà đánh giá con họ như vậy.
Cô Thu nêu rằng có một số lý do khiến phụ huynh hành xử như vậy. Thứ nhất, cô giáo quan sát và nhận thấy phụ huynh ý kiến thường có con học lớp 1.
Đây là năm học đầu tiên của trẻ, vì vậy, nhiều phụ huynh chưa nắm rõ được cách đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Thông tư 27/2020. Có thể do đầu năm, giáo viên chủ nhiệm chưa phổ biến, giải thích kỹ với phụ huynh nên dẫn đến cuối kỳ, nhiều người thắc mắc là điều dễ hiểu.
Lý do thứ 2, một số phụ huynh mắc bệnh thành tích, luôn muốn con hoàn hảo, xuất sắc nên không chấp nhận việc con không được đánh giá hoàn thành tốt.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng có kế hoạch cho con dự thi vào trường chất lượng cao, việc không được giấy khen học sinh xuất sắc có thể khiến con bị loại ở vòng dự tuyển, vì vậy mà họ phản ứng.
“Những giáo viên gặp trường hợp như vậy rất áp lực. Không ‘làm việc' được với giáo viên chủ nhiệm, họ gặp cả giáo viên bộ môn để xin điểm", cô Thu kể.
Tương tự, cô Ngọc cũng cho rằng nhiều phụ huynh trong những trường hợp trên đang mắc “bệnh thành tích". Cô Ngọc nhận định tình trạng này xảy ra là do một số trường THCS khi tuyển sinh lớp 6 sẽ xét học bạ của học sinh ngay từ lớp 1. Đó là lý do nhiều phụ huynh muốn con phải có được học bạ “hoàn hảo” trong 5 năm học tiểu học.
Cá nhân cô Ngọc thấy đây là một chuyện khá đáng buồn vì ép một đứa trẻ mới 6-7 tuổi trở nên hoàn hảo là rất khó. Các con đang ở độ tuổi mới tiếp xúc với chương trình giáo dục phổ thông, nhiều khi chỉ thích chơi chứ không muốn bị nhồi nhét bài vở quá nhiều.
Nhưng do “bệnh thành tích” của cha mẹ, do tâm lý muốn con đậu trường tốp đầu, trường trọng điểm, nhiều em buộc phải học theo định hướng của người lớn, từ đó cũng dễ gặp áp lực đồng trang lứa.
“Tôi biết là phụ huynh nào cũng muốn con được học trong môi trường tốt, nhưng ép con làm những điều vượt quá khả năng của con thì không nên. Chính những giáo viên như chúng tôi cũng thấy khó xử nếu phụ huynh đòi học bạ của con phải hoàn hảo”, cô Ngọc tâm sự.
Đừng nghĩ giáo viên cảm tính
Theo Bộ GD&ĐT, học sinh tiểu học (lớp 1-4) đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, được đánh giá theo Thông tư 27/2020. Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá và xếp loại theo bốn mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.
Học sinh được khen thưởng cuối năm không còn danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà thay bằng danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc, Học sinh tiêu biểu.
Cô Thu giải thích việc đánh giá mới không chỉ căn cứ vào điểm số mà phụ thuộc vào cả quá trình học tập. Điểm số đạt được trong kỳ kiểm tra chỉ là một trong những tiêu chí để giáo viên xem xét khi xếp loại. Trong khi trước đây, giáo viên thường căn cứ nhiều vào điểm kiểm tra để đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng cách đánh giá theo quá trình là cảm tính, không chấm điểm là thiếu công bằng. Cô Thu nhận định các phụ huynh này đang hiểu lầm bởi trong quá trình dạy và học, giáo viên nắm rất rõ năng lực học sinh và gửi đánh giá cho phụ huynh thường xuyên.
“Chỉ một thay đổi nhỏ trong quá trình học của trẻ, chúng tôi cũng nhận ra. Ví dụ có phụ huynh nhờ anh chị làm bài cho trẻ để đạt điểm cao, chúng tôi chấm bài là phát hiện ra ngay vì quá trình con học sẽ thể hiện khác. Phụ huynh nào nói giáo viên đánh giá chủ quan có thể là do không theo sát con, chỉ nhìn điểm cuối kỳ nên không nắm được năng lực của trẻ”, cô Thu nói.
Ngoài ra, cô Thu cũng cho hay một năng lực có thể sẽ thể hiện chủ yếu ở một môn học nhưng vẫn liên quan tới các môn khác.
Do đó, phụ huynh cần thay đổi tư duy môn chính, môn phụ, cần loại bỏ suy nghĩ “môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì không cần học", “môn Hoạt động trải nghiệm quan trọng gì mà không chấm cho con hoàn thành tốt".
Giáo viên đang bị hiểu sai về cách đánh giá, xếp loại học sinh. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Đồng quan điểm, cô Thu Ngọc cũng cho biết trong thời gian dạy trẻ, dù chưa thi học kỳ, giáo viên đã có thể nhận định được những học sinh nào được xếp loại hoàn thành hay chưa hoàn thành.
Lý do là giáo viên tiểu học sẽ đồng hành cùng trẻ trong hầu hết môn học ở trường. Do đó, thầy cô có thể quan sát được trẻ học thế nào, tiến bộ ra sao và quá trình học trong cả năm học sẽ phản ánh được kết quả các em có thể đạt trong bài thi cuối kỳ, ngoại trừ một số trường hợp “học tài thi phận” - cả năm học rất tốt nhưng lúc thi lại không đạt được kết quả không được như ý.
Còn về quan điểm “những học sinh không được 'nhắm đến' sẽ bị 'đánh rớt' một môn”, cô Ngọc nói chuyện này không đúng, hoặc nếu có thì chỉ xảy ra ở một số trường hợp cá biệt, không đại diện cho toàn ngành giáo dục.
Chia sẻ kinh nghiệm, cô Hà Thu cho biết để tránh việc phụ huynh hiểu lầm, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô dành thời gian để giải thích cho phụ huynh hiểu cách đánh giá mới. Sau những lần đánh giá kết quả học tập của học sinh, cô Thu cũng đều phân tích lý do trẻ được khen hoặc chưa được khen.
Ngoài ra, với những học sinh không được khen thưởng danh hiệu cuối năm, dựa trên thành tích học sinh đạt được ở một số môn học hoặc hoạt động, cô Thu thường viết thư khen, gửi tới từng em để động viên vì các em cũng đã cố gắng một năm.
“Quan trọng, giáo viên phải nắm rõ thông tư, giải thích được cho phụ huynh hiểu thì sẽ hài hòa cả đôi bên", cô Thu nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.